Kiểm soát chặt các nội dung lập pháp dễ xảy ra trục lợi chính sách

Các Ủy ban của Quốc hội cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát; quán triệt sâu sắc quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đây là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Tài chính, Ngân sách về kết quả công tác của các Ủy ban từ đầu nhiệm kỳ tới nay và phương hướng, nhiệm trọng tâm đến cuối nhiệm kỳ.

Tham dự buổi làm việc có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, 3 Ủy ban: Kinh tế; Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Tài chính, Ngân sách đã hoàn thành khối lượng rất lớn các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ xây dựng pháp luật đến giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đến nay, Quốc hội đã hoàn thành 131/156 nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch 81 và Kế hoạch 734 (đạt tỷ lệ 83,97%); trong đó, Ủy ban Kinh tế hoàn thành 18/22 nhiệm vụ; Ủy ban Tài chính, Ngân sách hoàn thành 12/18 nhiệm vụ; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thành 20/20 nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, trong bối cảnh nhiều khó khăn, khối lượng công việc giao 3 cơ quan lớn, song mỗi cơ quan đều có nhiều nỗ lực, cố gắng đổi mới trong hoạt động. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ thêm về các kiến nghị của 3 cơ quan liên quan tới công tác phối hợp; quy trình xử lý công việc; bổ sung biên chế, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương 3 cơ quan với tinh thần đoàn kết, chủ động, trách nhiệm, đã rất tích cực, nỗ lực, để hoàn thành khối lượng công việc lớn, áp lực cao về tiến độ và chất lượng, với nhiều nội dung khó, phức tạp, nhiều việc đột xuất, phát sinh.

Từ nay đến hết nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban tiếp phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch. Tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; quán triệt thực hiện Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật…

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt ngày 6/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã yêu cầu, đối với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hiệu quả, tạo bầu không khí phấn khởi trong doanh nghiệp, doanh nhân để phát triển đất nước. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo các Ủy ban chủ động xem xét, rà soát trước các lĩnh vực phụ trách xem còn có vấn đề gì bất cập, khó khăn để khi Chính phủ trình sang Quốc hội có đủ cơ sở để xem xét, quyết định.

Về một số nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sớm xây dựng, hoàn thiện các văn bản để triển khai hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Đối với Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị khẩn trương tham mưu hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở từ năm 2015 đến hết năm 2023” để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 36.

Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp tục phối hợp với Chính phủ, các cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách theo Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Dương Dung - Thanh Nga - Vũ Hiếu

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/kiem-soat-chat-cac-noi-dung-lap-phap-de-xay-ra-truc-loi-chinh-sach-231554.htm