Kiểm soát chặt ngăn cúm A/H5N1 xâm nhập
Mặc dù WHO chưa chính thức xác nhận vi rút H5N1 (cúm gia cầm) có thể lây từ người sang người, nhưng vẫn lo ngại về khả năng lây truyền từ người sang người và kêu gọi các quốc gia nâng cao mức cảnh giác.
WHO lo ngại
Mới đây, Campuchia ghi nhận 1 ca tử vong đầu tiên do bệnh cúm A/H5N1 trong vòng 10 năm trở lại đây. Trường hợp này là bé gái 11 tuổi ở tỉnh Prey Veng giáp biên giới Việt Nam. Để ngăn chặn sự lây lan này, Cục Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Campuchia tăng cường giám sát tại các điểm nhập cảnh như sân bay và cửa khẩu biên giới; giám sát các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và tiến hành kiểm tra sức khỏe thường xuyên với những người làm việc gần gũi với động vật. Truyền thông giáo dục cộng đồng về nguy cơ lây truyền cúm gia cầm, thực hành vệ sinh tốt có thể giúp giảm khả năng lây lan của những loại vi rút này.
Trước tình hình trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ sự quan ngại về bệnh cúm gia cầm. Số ca H5N1 ở chim, gia cầm, động vật có vú đang lây lan gia tăng ở nhiều nơi trên toàn cầu, có thể lây cho người tiếp xúc gần. Mặc dù WHO chưa chính thức xác nhận vi rút H5N1 có thể lây từ người sang người, nhưng vẫn lo ngại về khả năng lây truyền từ người sang người từ sự lây lan ban đầu xuất phát từ động vật. Các chuyên gia của WHO đang rà soát lại, đánh giá nguy cơ lây nhiễm trên toàn cầu trước diễn biến này; đồng thời, kêu gọi các quốc gia nâng cao mức cảnh giác.
Người đứng đầu trung tâm nghiên cứu bệnh cúm ở động vật của WHO cho biết: Ước tính có thể mất 5 hoặc 6 tháng để cập nhật và sản xuất một loại vắc-xin cho chủng H5N1 hiện đang lưu hành, kêu gọi các chính phủ trên thế giới đầu tư vào vắc-xin H5N1 để chuẩn bị cho một đợt bùng phát tiềm ẩn ở người. Theo WHO, trong 2 thập kỷ qua, đã có gần 900 trường hợp nhiễm H5N1 được xác nhận ở người với hơn 450 trường hợp tử vong.
106 ca cúm A/H5N1 từ 2003 đến nay
Với ca tử vong đầu tiên do bệnh cúm A/H5N1 ở tỉnh Prey Veng (Campuchia) giáp biên giới Việt Nam, các chuyên gia y tế đánh giá nguy cơ cao dịch cúm gia cầm trên người xâm nhập vào Việt Nam. Con đường lây lan và xâm nhập vào Việt Nam thông qua sự giao thương, buôn lậu gia cầm qua biên giới, nguồn lây từ chim hoang dại di chuyển giữa 2 nước. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát đường mòn, lối mở ở biên giới, cảng biển, đường sông, ngăn cúm A/H5N1 xâm nhập; đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.
Lực lượng quản lý thị trường các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường. Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay. Trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế, từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã có 106 trường hợp được xác định nhiễm cúm A/H5N1, 52 ca tử vong. Tỷ lệ chết/số ca mắc chung là 49%.
Được biết, H5N1 là một phân nhóm vi rút cúm A, lây truyền giữa các loài chim, gia cầm, động vật khác sang người và gây tử vong. Những dấu hiệu của bệnh cúm A/H5N1 gồm sốt cao liên tục trên 38 độ C, mệt mỏi, đau họng, ho… dẫn đến bệnh trầm trọng và có biểu hiện suy hô hấp. Bệnh cúm A/H5N1 có diễn tiến nghiêm trọng, gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
(Tham khảo và dịch từ tờ Khmer Times)
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/kiem-soat-chat-ngan-cum-a-h5n1-xam-nhap-106060.html