Kiểm soát khí thải mô tô, xe máy định kỳ: Cần lộ trình phù hợp
Sau nhiều lần 'nâng lên đặt xuống' do phản ứng của dư luận, Bộ GTVT đang thể hiện rõ quyết tâm kiểm soát khí thải mô tô, xe máy để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình phù hợp để quyết tâm này được hiện thực hóa.
Mất thêm tiền nhưng có lợi
Bộ GTVT đang lấy ý kiến của các bộ, ngành về dự án Luật Đường bộ (được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008). Một trong những điểm nhấn trong dự luật này là đề xuất: "Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định".
Lý giải cho đề xuất trên, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 và chất lượng không khí năm 2017, phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị. Trong đó xe máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất. Bên cạnh đó, thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 68 triệu mô tô, xe máy.
Riêng tại Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy, trong đó, có gần 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000. Từ những thông số trên có thể thấy, lượng khí thải do mô tô, xe máy thải ra môi trường hằng năm là rất lớn.
Trong khi đó, những quy định để kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện giao thông này đang gần như không có. Hiện mới có quy định về kiểm soát nguồn khí thải đối với ô tô và xe máy mới. Còn những xe đang sử dụng, đặc biệt là xe cũ vẫn chưa chịu bất cứ ràng buộc pháp lý nào về kiểm soát khí thải.
Với gần 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000, cộng thêm hàng chục triệu mô tô, xe máy khác đang hoạt động, nguy cơ khí thải gây ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không sớm có quy định cụ thể để kiểm soát.
Việc kiểm định phương tiện cần đặt trong bối cảnh của từng địa phương, không thể đưa ra một quy định chung bắt cả nước thực hiện. Theo đó, chỉ nên kiểm tra ở những TP có mật độ dân cư cao. Chẳng hạn, TP có dân số 300.000 – 500.000 dân trở lên mới thực hiện chính sách trên.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, với việc bổ sung quy định mô tô, xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo quy định, chủ phương tiện sẽ phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho xe. Tuy nhiên, đổi lại chủ xe sẽ giảm chi phí sửa chữa xe cho những hư hỏng phát sinh do thiếu kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ. Từ đó tăng hiệu quả khai thác xe, giảm chi phí nhiên liệu.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, nếu xe máy được bảo dưỡng định kỳ như khuyến cáo của nhà sản xuất, có thể giảm tiêu hao nhiên liệu 7%, tiết kiệm 170.000 đồng mỗi năm (tính theo giá xăng năm 2018). Trong khi đó, mỗi xe máy tốn 110.000 đồng/lần bảo dưỡng và thay thế phụ tùng khí thải, lọc gió. Dự kiến nếu Nhà nước thu phí kiểm định khí thải, mỗi xe tốn 35.000 đồng/năm. Như vậy, nếu kiểm soát khí thải định kỳ, người dân tiết kiệm được 25.000 đồng/xe/năm.
Nếu mới nghe qua, nhiều người lầm tưởng quy định mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ sẽ khiến mỗi người dân sở hữu loại phương tiện trên phải tốn kém một khoản tiền nhất định song trên thực tế lợi ích thu lại từ việc làm này lại lớn hơn rất nhiều.
Đó là chưa kể việc kiểm tra khí thải xe máy giúp giảm chi phí chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ sức khỏe người dân, môi trường, thúc đẩy DN ứng dụng công nghệ không gây ô nhiễm khi sản xuất phương tiện giao thông.
Trên thực tế, việc kiểm soát khí thải xe máy đã được đề cập từ rất lâu. Thậm chí, vào năm 2010, Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng lộ trình cụ thể về kiểm soát khí thải xe máy với hai địa điểm tiên phong là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Hai đô thị lớn nhất nước này được giao hoàn thiện mạng lưới cơ sở kiểm định, mục tiêu đến năm 2015 có 80 - 90% lượng xe máy được kiểm định tiêu chuẩn khí thải. Các bộ, ngành cũng được yêu cầu xây dựng phương án phạt người lái xe máy không kiểm định hoặc không đạt tiêu chuẩn khí thải.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc kiểm soát khí thải xe máy vẫn chưa được triển khai, trong khi số xe máy tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn vẫn không ngừng tăng mạnh theo cấp số nhân. Thống kê mới nhất vào năm 2022, toàn quốc đăng ký mới hơn 3,2 triệu mô tô, xe máy, nâng tổng số đã đăng ký lên 72 triệu xe.
Cần có quy định rõ ràng về hậu kiểm
Các chuyên gia cho rằng, quy định mô tô, xe máy đang lưu hành phải kiểm tra định kỳ về phát khí thải là cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của loại phương tiện giao thông “đông và hung hãn” này đối với giao thông cũng như môi trường.
Đặc biệt, chủ trương này nếu được thực hiện sẽ là tiền đề quan trọng để từng bước loại bỏ xe máy cũ nát ra khỏi môi trường giao thông. Đây vốn là điều ngành GTVT trăn trở trong suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại về tính khả thi của đề xuất này nếu như không có một lộ trình thực hiện chính xác và phù hợp, trước hết là xe cũ nát, đã sử dụng lâu năm, gắn với cơ chế khuyến khích sử dụng phương tiện xanh.
TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT đánh giá, việc bắt buộc kiểm định khí thải định kỳ xe máy là cần thiết bởi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường.
“Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã thực hiện kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe máy từ lâu rồi” – TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết. Tuy nhiên, chuyên gia giao thông này cũng lưu ý, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cho chủ trương này, cần phải có một lộ trình cụ thể với những phương án phù hợp cho điều kiện, thói quen của người dân.
Bản thân những chiếc xe mô tô, xe gắn máy sử dụng động cơ đốt trong. Khi tham gia giao thông, ngoài vấn đề xả ra khí thải độc hại tới sức khỏe con người, thì còn là một trong những nguồn có thể gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ đề cập tới kiểm tra định kỳ với khí xả. Nếu chỉ kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy thì xét về mặt kỹ thuật và thực tế là không quá cần thiết.
Kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch
“Việc kiểm tra, đo đạc khí thải xe máy cũng phải được thực hiện kỹ càng, cẩn thận, bảo đảm lợi ích của người dân vì đây là phương tiện chủ yếu, là "cần câu cơm’ của nhiều người. Chúng ta cần phải có cơ chế, cách thức làm sao cho hiệu quả, nên chăng phân loại xe chủ yếu là số km đi lại, nếu dựa vào thời hạn mua xe thì không đúng, không công bằng” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói và lưu ý thêm, khi có luật sẽ kiểm soát khí thải xe máy và thu hồi, thải bỏ xe máy cũ một cách đồng bộ, tránh “đánh trống bỏ dùi”, “đầy chỗ này, hổng chỗ kia”.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe máy cần phải được nghiên cứu thật kỹ trước khi thực hiện, đặc biệt phải có sự bàn bạc, lắng nghe ý kiến của người dân.
“Hàng triệu chiếc xe máy đưa đi kiểm định thì nhân lực, máy móc thiết bị ở đâu để kiểm định? Rồi kiểm định xong sẽ xử lý ra sao?... Cho nên việc này phải có sự bàn bạc, phải có ý kiến của người dân và những văn bản quy phạm được Nhà nước phê duyệt” – ông Bùi Danh Liên phân tích.
Chuyên gia giao thông này nhấn mạnh, một trong những vấn đề rất quan trọng là cách xử lý đối với những xe máy không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải thì vẫn chưa có. “Sau khi kiểm định, những xe máy không đủ tiêu chuẩn khí thải thì sẽ xử lý ra sao? Có tịch thu được xe không? Công an hay Thanh tra giao thông giữ?...” – chuyên gia Bùi Danh Liên đặt câu hỏi.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kiem-soat-khi-thai-mo-to-xe-may-dinh-ky-can-lo-trinh-phu-hop.html