Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm

Tham mưu cho Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Đây là một trong các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch số 1392-KH/ĐĐQH15 triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được giao trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa)

Mục đích, yêu cầu của Kế hoạch số 1392-KH/ĐĐQH15 vừa được Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành, đó là xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan khác có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong việc trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về các công việc được giao.

Việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này phải được tiến hành nghiêm túc, thiết thực, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bám sát nội dung và yêu cầu công việc được giao trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Kế hoạch số 11-KH/TW và Kế hoạch số 12-KH/TW.

Bên cạnh đó, bảo đảm đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW, Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 ngày 03/3/2022 và Kế hoạch số 1290-KH/ĐĐQH ngày 22/12/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội.

Kế hoạch nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, tiến độ và phân công thực hiện. Cụ thể, nhiệm vụ 1: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Trong nhiệm vụ 1 gồm các nhiệm vụ sau: Lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên tất cả các mặt lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Xây dựng Đề án về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.

Xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xây dựng Đề án đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội. Xây dựng Đề án đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Nhiệm vụ 2: Chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, sự đồng bộ giữa văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Nhiệm vụ 3: Tham mưu cho Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Nhiệm vụ 4: Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng mở rộng và phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của Nhân dân.

Nhiệm vụ 5: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội.

Căn cứ vào Kế hoạch này, các cơ quan được giao trách nhiệm làm cơ quan thường trực đối với từng nhiệm vụ xác định rõ các nội dung công việc, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, tiến độ chi tiết, chủ động phân công, tổ chức triển khai thực hiện đúng yêu cầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ; kịp thời báo cáo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Các cơ quan được giao làm nhiệm vụ thường trực chủ động, khẩn trương tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể (trừ các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên), ban hành các văn bản của Đảng đoàn Quốc hội gửi Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước có liên quan để đề nghị phối hợp thực hiện nhiệm vụ; theo dõi, đôn đốc, định kỳ tổng hợp báo cáo cấp chỉ đạo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao của các cơ quan.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-soat-quyen-luc-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-loi-ich-nhom-242580.html