Kiểm toán nhà nước công bố kết quả kiểm toán Bộ Y tế

Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kiểm toán công tác quản lý tài chính công, tài sản công năm 2023 của Bộ Y tế.

Nhiều dự án đầu tư của ngành y tế còn chậm tiến độ. Ảnh minh họa: baodauthau.vn

Nhiều dự án đầu tư của ngành y tế còn chậm tiến độ. Ảnh minh họa: baodauthau.vn

Một số dự án phải điều chỉnh lại quy mô cho phù hợp

KTNN vừa hoàn thành cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023; Chuyên đề “việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 giai đoạn 2021-2023”; việc quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023 tại Bộ Y tế.

Qua kiểm toán cho thấy, Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc được kiểm toán cơ bản đã thực hiện theo quy định của Nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023.

Tuy nhiên, trong chi đầu tư phát triển, kết quả kiểm toán cho thấy, công tác đăng ký nhu cầu, phân bổ vốn các dự án khởi công mới năm 2023 chưa sát thực tế, dẫn đến nhiều dự án đăng ký vốn nhưng không phân bổ được, trong năm phải điều chỉnh kế hoạch vốn 02 đợt; việc giao vốn còn chậm.

Về công tác giải ngân vốn, KTNN chỉ rõ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đến hết niên độ năm 2023 chỉ giải ngân 23,14/1.465 tỷ đồng, đạt 1,6% và đến tháng 4/2024 mới giải ngân được 34,186/1.465 tỷ đồng, đạt 2,3%.

KTNN cũng chỉ ra, một số dự án còn phê duyệt quy mô chưa đồng nhất với kết quả thẩm định của cơ quan chức năng về tổng diện tích sàn, diện tích xây dựng; tổ chức tuyển chọn, phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc trước khi được cấp giấy phép quy hoạch; thực hiện lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án tỷ lệ 1/500 đối với 02 dự án khi dự án không thuộc đối tượng phải thực hiện.

Bên cạnh đó là tình trạng xác định danh mục trang thiết bị y tế được đầu tư không có thuyết minh sự cần thiết phải đầu tư, không phân tích nhu cầu đầu tư căn cứ trên sơ đồ bố trí, dây chuyền công năng, định mức trang thiết bị, năng lực hiện có dẫn đến phải điều chỉnh nhiều trong giai đoạn duyệt danh mục trang thiết bị; xác định một số danh mục thiết bị y tế chưa phù hợp mục tiêu dự án; lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa phù hợp; xác định giá thiết bị y tế chưa có thuyết minh cơ sở xây dựng giá.

Theo KTNN, do việc lập, phê duyệt dự án ban đầu không đảm bảo về nguồn vốn, phải điều chỉnh lại cho phù hợp quy mô, tổng mức đầu tư mới, dẫn đến chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án ban đầu không sử dụng được cho dự án hiện tại; phê duyệt quy mô dự án không phù hợp Luật Thủ đô số 25/2012/QH13; phương án kiến trúc xây dựng công trình chưa phù hợp với Giấy phép quy hoạch, không phù hợp với ý kiến tham gia của các cơ quan chức năng; phê duyệt dự án trước khi được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; phê duyệt dự án có đầu tư mua sắm hạng mục ghế điều trị ngoại trú khi chưa có tiêu chuẩn thiết kế liên quan được ban hành; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở vận dụng tiêu chuẩn Bệnh viện đa khoa là không phù hợp với tính chất của dự án (Bệnh viện chuyên khoa).

Trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, danh mục trang thiết bị ban đầu chưa phù hợp, dự toán lập chưa chính xác; phê duyệt một số nội dung thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp thiết kế cơ sở, không thuộc phạm vi dự án; thiết kế không đầy đủ chi tiết làm căn cứ tính khối lượng. Cùng với đó là việc phê duyệt dự toán thiết bị y tế chưa tuân thủ quy trình, lập dự toán thiết bị căn cứ vào báo giá thiết bị có thông số kỹ thuật không đồng nhất; dự toán trình, phê duyệt chi phí dự phòng tăng so với thẩm định của cơ quan chuyên môn và không có cơ sở.

Năm 2023, Bộ Y tế có 07 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương chậm tiến độ, trong đó: 03 dự án nhóm A có nhiều vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ, đến thời điểm kiểm toán vẫn đang thực hiện các thủ tục theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chưa tái khởi động lại; các dự án nhóm B chậm tiến độ phải thực hiện điều chỉnh gia hạn, một số dự án tuy đã được gia hạn song vẫn chậm; một số gói thầu chậm tiến độ so với quy định của hợp đồng ban đầu.

Cũng theo kết quả kiểm toán, việc nghiệm thu, thanh quyết toán khối lượng tại một số dự án còn thiếu hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vật liệu đầu vào, thiếu bản vẽ hoàn công đầy đủ chi tiết thông số kỹ thuật hạng mục công việc; nghiệm thu, thanh quyết toán còn vượt định mức, sai khối lượng, đơn giá, chi phí thuế, nghiệm thu khi chưa đủ thủ tục; một số gói thầu, hạng mục chi phí đã được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được lập quyết toán A-B; chưa xử lý giá trị thanh lý tài sản theo quy định và chưa xác định giá trị tài sản được tặng. Đồng thời, công tác lập, thẩm tra và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành còn chậm.

Hạch toán chi phí một số khoản chi chưa đúng quy định

Liên quan đến chi thường xuyên, KTNN chỉ rõ, một số đơn vị lập dự toán chưa đầy đủ căn cứ, thuyết minh, lập một số nội dung chưa đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Bộ Y tế phân bổ dự toán điều chỉnh nhiều lần; phân bổ kinh phí thực hiện chính sách miễn học phí cho người học chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y nhưng chưa được Nhà nước đặt hàng theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ; phân bổ kinh phí cho một số nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững không thuộc nội dung chi theo quy định; phê duyệt một số danh mục nhiệm vụ chưa rõ đối tượng đáp ứng mục tiêu của Chương trình theo quy định; giao dự toán viện trợ cho các đơn vị trực thuộc làm chủ dự án ODA chưa chi tiết từng dự án.

KTNN chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong thu, chi dịch vụ y tế. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

KTNN chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong thu, chi dịch vụ y tế. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Về thu dịch vụ y tế, theo KTNN, một số đơn vị chưa ghi nhận doanh thu dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) đối với các dịch vụ đã hoàn thành; phản ánh chưa đúng tính chất nguồn thu.

Một số đơn vị thực hiện vượt số ca thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới so với số ca thí điểm được phê duyệt của Bộ Y tế; một số khoản thu dịch vụ khác nhưng phản ánh thu KCB; thu của bệnh nhân một số dịch vụ kỹ thuật đã được kết cấu trong giá ngày, giường trong giá dịch vụ phẫu thuật…

Về quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, theo kết quả kiểm toán, một số bệnh viện chưa cân đối nguồn tài trợ phòng chống dịch Covid-19 hiện có trước khi lập dự toán đề nghị Bộ Y tế cấp kinh phí NSNN để thanh toán đối với chi phí KCB và hỗ trợ cho bệnh nhân Covid-19.

Đối với nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, công tác thẩm định, phê duyệt của Hội đồng còn một số thiếu sót, phê duyệt, ký kết, thực hiện hợp đồng chậm, một số đề tài phải gia hạn thời gian thực hiện; việc ban hành Quyết định gia hạn của Bộ Y tế chậm.

Trong thực hiện các CTMTQG, qua kiểm toán cho thấy, tiến độ thực hiện các Chương trình chậm; nhiều nhiệm vụ thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đã được phê duyệt và phân bổ kinh phí năm 2023 nhưng chưa thực hiện do nội dung các hoạt động không phù hợp với Dự án, tiểu dự án, không đủ nhân lực thực hiện hoặc hoạt động nghiên cứu không phù hợp quy định, do vậy không sử dụng kinh phí được giao trong năm, một số hoạt động đã triển khai và hoàn thành còn dư kinh phí.

Liên quan đến chi dịch vụ KCB, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một loạt bất cập như: Hạch toán chi phí một số khoản chi chưa đúng quy định (chi phí KCB chưa tương ứng với doanh thu ghi nhận trong năm 65.636 triệu đồng; các khoản phụ cấp vượt hoặc không đúng quy định 3.524 triệu đồng; chưa giảm trừ chi phí trong năm giá trị thuốc, bông băng, hóa chất, vật tư tiêu hao còn tồn kho 10.664 triệu đồng...); xác định vào chi phí tính thuế khoản chi có tính chất phúc lợi; phân bổ khấu hao tài sản cố định và công cụ, dụng cụ, thiết bị văn phòng chưa đúng quy định 26.247 triệu đồng.

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 119.848 triệu đồng, gồm: tăng thu NSNN 62.194 triệu đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách 57.654 triệu đồng; đồng thời, kiến nghị xử lý khác 71.078 triệu đồng (gồm giảm chi khác 1.336 triệu đồng; giảm khác các dự án đầu tư xây dựng 69.712 triệu đồng).

Trong công tác đấu thầu mua sắm chưa thực hiện tổng hợp, rà soát đầy đủ nhu cầu và số lượng hàng tồn kho làm cơ sở xây dựng kế hoạch mua sắm trong năm; chưa thường xuyên rà soát, cập nhật kết quả đấu thầu, báo giá của nhiều cơ sở y tế khác trong vòng 12 tháng để xây dựng giá kế hoạch; thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu có giá trị trên 1 tỷ đồng chưa đúng quy định...; còn tình trạng nhập kho một số danh mục thuốc trúng thầu có thời hạn sử dụng thấp hơn so với hồ sơ mời thầu và hợp đồng đã ký; tỷ lệ nhập thuốc thấp so với số lượng trúng thầu, thành phần kiểm nhập chưa đầy đủ theo quy định; chưa thực hiện đối chiếu số xuất kho với số thực tế sử dụng tại các khoa điều trị...

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị được kiểm tón chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được kiểm toán nhà nước chỉ ra đối với công tác chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và thu, chi hoạt động sự nghiệp, dịch vụ.

KTNN cũng kiến nghị Bộ Y tế kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét xử lý theo quy định đối với nhiều sai sót, trong đó có việc lập, phê duyệt dự án không đảm bảo về nguồn vốn, phải điều chỉnh dự án theo quy mô, tổng mức đầu tư mới dẫn đến chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án ban đầu không sử dụng được cho dự án hiện tại…/.

KIM AN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-nha-nuoc-con-bat-cap-han-che-trong-quan-ly-tai-chinh-cong-tai-san-cong-tai-bo-y-te-34674.html