Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách hơn 8,3 nghìn tỷ đồng

Trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Kiểm toán Nhà nước đã linh hoạt thích ứng, hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025.

Ngày 11/7, trong không khí kỷ niệm 31 năm ngày truyền thống ngành (11/7/1994-11/7/2025), Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy trong 6 tháng qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước tổng cộng 8.344 tỷ đồng. Con số này bao gồm kiến nghị tăng thu 2.410 tỷ đồng và giảm chi 5.934 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các kiến nghị xử lý tài chính khác lên tới 9.288 tỷ đồng.

Liên quan tới việc tinh giản, hợp nhất trong thời gian vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã giảm một số cuộc kiểm toán tại các bộ, ngành, liên quan đến cấp huyện đồng thời ưu tiên tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách cấp tỉnh để hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Sự linh hoạt này vừa đảm bảo hoàn thành toàn diện kế hoạch năm, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ sắp xếp tổ chức.

Về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong 6 tháng đầu năm, kiểm toán Nhà nước đã chuyển 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan Cảnh sát điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định. Hiện tại, ngành cũng đang hoàn tất thủ tục để tiếp tục chuyển thêm 1 vụ việc khác.

Bên cạnh việc phát hiện sai phạm mới, công tác đôn đốc thực hiện các kiến nghị cũ cũng được đẩy mạnh. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã công khai danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán của năm trước. Tính đến ngày 15/6/2024, tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính của niên độ ngân sách 2023 mới chỉ đạt 11,2% (tương đương 3.533/31.538 tỷ đồng). Con số này đặt ra thách thức lớn về kỷ cương, kỷ luật tài chính và trách nhiệm của các đơn vị được kiểm toán.

Nói về những kết quả trên, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành và cho biết, khối lượng công việc còn lại của năm 2025 là rất lớn. Do đó, ông Ngô Văn Tuấn yêu cầu toàn ngành không được chủ quan, tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch công tác cho phù hợp với bối cảnh mới.

Theo đó, thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung hoàn thành các cuộc kiểm toán còn lại trong kế hoạch năm 2025, đảm bảo tiến độ với phương châm "chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa."

Bên cạnh đó, đơn vị này sẽ là xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2026-2028 và kế hoạch năm 2026 với định hướng bám sát mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và các luật, nghị quyết mới của Quốc hội.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ chuẩn bị chu đáo để thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước và Báo cáo nợ công năm 2024 đồng thời chuẩn bị ý kiến về dự toán ngân sách 2026.

Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã thí điểm áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn trong hoạt động kiểm toán. Kết quả ban đầu cho thấy AI đã hỗ trợ phát hiện các nội dung chi vượt tiêu chuẩn, định mức và chỉ ra những điểm bất hợp lý về thời gian, khối lượng thực hiện dự án.

Đặc biệt, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn ngành khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước lần thứ 8 nhiệm kỳ 2025-2030. Ông nhấn mạnh việc phải thể chế hóa 4 Nghị quyết chuyên đề của ngành, bao gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với tinh gọn bộ máy; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Nâng cao chất lượng kiểm toán, tập trung vào các vấn đề dư luận quan tâm./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kiem-toan-nha-nuoc-kien-nghi-tang-thu-giam-chi-ngan-sach-hon-83-nghin-ty-dong-post1049148.vnp