Kiểm toán Nhà nước kiên quyết loại bỏ 'con sâu làm rầu nồi canh' trong ngành

Tổng Kiểm toán thừa nhận có tham nhũng, tiêu cực trong ngành, nhưng chỉ là 'con sâu làm rầu nồi canh'. Kiểm toán NN kiên quyết loại bỏ để giữ đạo đức, chuẩn mực.

Sáng 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đăng đàn trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.

 Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán. Ảnh: quochoi.vn.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán. Ảnh: quochoi.vn.

Nội dung chất vấn gồm: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Việc chủ động chuyển 19 vụ việc sai phạm sang cơ quan điều tra so với 1.609 hồ sơ tài liệu là còn ít

Tham gia chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nêu vấn đề, Báo cáo của Kiểm toán nhà nước có nêu, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét, xử lý và tự đánh giá.

Hiện, Kiểm toán nhà nước chỉ mới phát huy vai trò, hiệu quả, chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế.

Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước làm rõ hạn chế này có nguyên nhân do đâu và định hướng giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

 Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 5 năm qua (từ 2019-2023), Tổng Kiểm toán nhà nước đã chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra.

Trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án.

 Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là vai trò về phòng, chống tham nhũng của cơ quan Kiểm toán bị hạn chế vì trong một trong những nhiệm vụ mà Tổng Kiểm toán nhà nước hết sức coi trọng là việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra, trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.

Thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc và nâng cao nâng chất lượng các báo cáo kiểm toán để cho những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng.

Không đồng tình với câu trả lời trên, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đã giơ biển tranh luận liên quan đến nội dung trong Báo cáo 559 của Kiểm toán nhà nước.

Làm rõ phần tranh luận này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thừa nhận, việc chủ động chuyển 19 vụ việc so với 1.609 hồ sơ tài liệu theo yêu cầu là còn ít. Đây là tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Do đó, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới là áp dụng các biện pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, kịp thời phát hiện các sai phạm và thu thập bằng chứng để kịp thời chuyển cơ quan điều tra.

Xử lý trách nhiệm cá nhân hay cơ quan trong trường hợp bỏ lọt sai phạm?

Đại biểu Hà Đức Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho biết, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện rất nhiều những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư...

Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trong trường hợp khi Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán không phát hiện ra sai phạm nhưng sau đó các cơ quan chức năng khác vào cuộc lại phát hiện ra sai phạm, thất thoát, tham nhũng tài sản của Nhà nước... thì trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong trường hợp này sẽ như thế nào? Sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân hay xử lý trách nhiệm của cơ quan trong trường hợp này?

 Đại biểu Hà Đức Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Hà Đức Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai. Ảnh: quochoi.vn.

Về câu hỏi của Đại biểu Hà Đức Minh về trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra.

Trong trường hợp cơ quan thanh tra, điều tra không phát hiện sai phạm mà đến khi cơ quan chức năng vào làm tiếp mà phát hiện ra sai phạm, thì tại Điều 68 đã quy định rất cụ thể. Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm.

Nếu có lỗi thì phải căn cứ tùy theo mức vi phạm, để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính.

Đây là quy định rất rõ về trách nhiệm và khi phát hiện ra sai phạm, theo quy định của Luật, phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể...

Giải pháp việc chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, một trong những nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán là do bên thứ 3.

Do đó, đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước làm rõ bên thứ ba là bên nào, là chủ thể nào? Để giải quyết việc chưa thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đại biểu đề nghị cho biết trách nhiệm của đơn vị kiểm toán cũng như giải pháp của Kiểm toán nhà nước về vấn đề này?

 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Hữu Thông về trách nhiệm bên thứ 3 trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, bên thứ 3 là bên có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Kiểm toán (sửa đổi), Luật số 55/2019/QH14, nguyên nhân bên thứ 3 chiếm khoảng 21% do phải chờ phê duyệt của cấp trên, chờ hướng dẫn; do nhà thầu chây ì, giải thể, phá sản, mất tích…

Đề xuất giải pháp vấn đề này trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, Kiểm toán nhà nước sẽ theo dõi, đôn đốc, công khai và tăng cường kiểm tra, giám sát ở mỗi đơn vị được kiểm toán, kịp thời theo dõi, báo cáo ngay với các cơ quan liên quan về trách nhiệm bên thứ 3 để đôn đốc.

Đồng thời, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, giải pháp căn cơ nhất là thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được quy định trong Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị số 22 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Làm rõ số lượng kiến nghị kiểm toán không thực hiện được do vướng mắc chính sách pháp luật

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay, mặc dù một số kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đúng pháp luật nhưng thực tế không thể thực hiện được do đối tượng kiểm toán không còn khả năng thực hiện hoặc do vướng mắc chính sách, pháp luật. Theo đại biểu, vướng mắc khi xác định trọng yếu, đánh giá rủi ro, yếu tố ngoại trừ khi đưa ra ý kiến kiểm toán trong báo cáo kiểm toán là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng báo cáo không cao.

Do đó, đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trong tổng số 1.069 văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại 1.345 báo cáo kiểm toán có tỉ lệ thực hiện được bao nhiêu? Trong 663 báo cáo kiểm toán đã có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tỉ lệ đã được xử lý như thế nào? Bao nhiêu kết luận, kiến nghị không thể thực hiện do vướng mắc chính sách pháp luật? Các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bất cập trên?

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn.

Liên quan đến câu hỏi chất vấn về vấn đề ý kiến loại trừ làm giảm chất lượng của báo cáo kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, khi tiến hành kiểm toán, Kiểm toán nhà nước được quyền đưa ra 4 loại ý kiến: (1) ý kiến chấp nhận toàn phần; (2) ý kiến chấp nhận loại trừ; (3) ý kiến trái ngược; (4) từ chối đưa ra ý kiến.

Đối với ý kiến loại trừ, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, theo chuẩn mực kiểm toán, điều này không ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán nhưng lại ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động kiểm toán nhà nước. Và báo cáo loại trừ xảy ra khi đơn vị được kiểm toán không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho Đoàn Kiểm toán nhà nước có đủ bằng chứng đưa ra kết luận, kiến nghị của mình.

Liên quan đến vấn đề xử lý trách nhiệm sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 5 năm (2019-2023), Kiểm toán nhà nước đã phát hành 1.345 báo cáo, trong đó có 663 báo cáo đề nghị kiểm điểm trách nhiệm một số cá nhân liên quan.

Qua theo dõi, hiện nay tỉ lệ bình quân thực hiện trách nhiệm chiếm khoảng 60%, còn trong 1.069 văn bản đề nghị sửa đổi thì tỉ lệ tương đối thấp, bình quân khoảng trên 31,6%. Tuy nhiên, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì tỉ lệ này đã được tăng lên. Theo đó, năm 2023, đã sửa được 78/277 văn bản, đạt 36%.

Phát biểu tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện, kéo dài nhiều năm.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: quochoi.vn.

Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được nêu trong Báo cáo là khá ấn tượng, trong đó nhất là việc thực hiện các kiến nghị tài chính đối với kiến nghị kiểm toán của nhà nước năm 2022, đạt được tỉ lệ là 92%...

Tuy nhiên, còn khá nhiều kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện, kéo dài qua nhiều năm.

Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế này và trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào? Kiểm toán nhà nước đã có những giải pháp gì để khắc phục?

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết nguyên nhân của tình trạng kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện gồm có 4 nhóm nguyên nhân: có nguyên nhân từ đối tượng, đơn vị được kiểm toán; bên thứ ba; bên kiểm toán và một số nguyên nhân khác.

Theo Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội, những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và kỷ cương, kỷ luật tài chính nói chung, ngoài nguyên nhân về vướng mắc cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức thì vướng nhiều ở khâu tổ chức thực hiện. Theo đó ý thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của người đứng đầu còn yếu, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế.

Về giải pháp để khắc phục tình trạng này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới Kiểm toán nhà nước sẽ quyết tâm, quyết liệt nâng cao kết luận kiến nghị kiểm toán, kiến nghị thật đúng, thật trúng để các đơn vị thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đồng thời tăng cường việc đôn đốc công khai danh sách các tổ chức cá nhân chưa thực hiện các kết luận kiểm toán trên trang web của Kiểm toán nhà nước.

Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên có liên quan. Riêng đối với các đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đề nghị cần phát huy vai trò của người đứng đầu. Thực tiễn cho thấy, nơi nào người đứng đầu có quan tâm, có quyết tâm thì ở đó tỉ lệ thực hiện kết luận kiểm toán đạt như mong muốn.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, có ý kiến cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng của ngành nhưng đâu đó vẫn có hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán.

Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước làm rõ quan điểm về ý kiến này và theo Tổng Kiểm toán, có cần xây dựng một cơ chế thanh tra độc lập, thường xuyên trong hoạt động kiểm toán ngoài thanh tra của ngành để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nhằm xây dựng Kiểm toán nhà nước trong sạch, liêm chính?

 Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: quochoi.vn.

Liên quan đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước thừa nhận có tình trạng tham nhũng tiêu cực, nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Kiểm toán nhà nước kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức chuẩn mực.

Trong Điều 8 của Luật Kiểm toán cũng đã ghi rất rõ những hành vi không được làm, bị nghiêm cấm đối với Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước. Trong hoạt động của mình, kiểm toán có những chuẩn mực về công vụ. Trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.

Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định, cơ chế hiện tại về quy trình, quy chế trong hoạt động kiểm toán cũng đã tương đối đầy đủ để kiểm soát tình trạng tiêu cực trong nội bộ ngành, tuy nhiên trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, thanh tra công vụ.

 Tổng Kiểm toán nhà nước thừa nhận có tình trạng tham nhũng tiêu cực, nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Ảnh: quochoi.vn.

Tổng Kiểm toán nhà nước thừa nhận có tình trạng tham nhũng tiêu cực, nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Ảnh: quochoi.vn.

Giải pháp cân bằng giữa việc xử lý nghiêm hành vi tham nhũng và bảo vệ được những người mong muốn được cống hiến cho đất nước

Theo Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, cơ quan Kiểm toán nhà nước có vai trò, trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong việc tham gia phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Những năm vừa qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất lớn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm.

“Với vị trí là người đứng đầu một trong những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, đề nghị Tổng Kiểm toán cho biết cần phải làm gì để một mặt xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, mặt khác vẫn nuôi dưỡng được niềm tin, bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm, mong muốn được cống hiến cho đất nước?” - nữ đại biểu đề cập.

 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong những năm gần đây, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót đối với hoạt động kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực trong quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh… góp phần ngăn ngừa tiêu cực, thu hồi tài sản của nhà nước được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn trong thời gian qua, năng lực chuyên môn của kiểm toán đã cho thấy những những điểm chưa đáp ứng được yêu cầu, có thể là chưa khách quan, bỏ sót đối tượng... Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ quan điểm về vấn đề này để quản lý nhà nước của chúng ta ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, việc quản lý vốn, tài sản của doanh nghiệp nhà nước cũng có những hạn chế, thiếu sót như hạch toán và kế toán, sử dụng tài sản công chưa hiệu quả, sản xuất kinh doanh kém, thua lỗ kéo dài… Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết trách nhiệm trong xử lý vấn đề này?

 Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn.

Về giải pháp đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực, mà không giảm tính năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, cần làm tốt 03 việc: Xây dựng được thiết kế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng; Xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh, để không dám tham nhũng; Xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn, không cần tham nhũng.

Về hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ năng lực; đặc biệt là hoàn thiện thể chế để quy định rõ từng nhiệm vụ của từng công chức; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, lượng hóa công tác đánh giá…

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm toán nhà nước thời gian qua được thực hiện như thế nào?

Theo Đại biểu Tao Văn Giót - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, các vụ án xảy ra trong thời gian qua cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân hết sức quan tâm, đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Đại biểu Tao Văn Giót đề nghị Tổng Kiểm toán cho biết công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm toán nhà nước trong thời gian vừa qua được thực hiện như thế nào?

 Đại biểu Tao Văn Giót - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Tao Văn Giót - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu. Ảnh: quochoi.vn.

Về câu hỏi liên quan đến việc thực hiện phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, đây là nhiệm vụ được quan tâm. Trong đó, quan tâm giáo dục về chính trị, tư tưởng, kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Đảng, các văn bản mới của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời rà soát, thể chế hóa các văn bản của Đảng, văn bản pháp luật mới.

Riêng năm 2022, đã rà soát 75 văn bản liên quan đến quy trình kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao vai trò của người đứng đầu, tổ trưởng tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của cơ quan thanh tra kiểm toán nhà; xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực…

Giải pháp để Kiểm toán nhà nước tham gia phát hiện, phòng ngừa tham nhũng

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu rõ, nhiều vụ án tham nhũng cho thấy có sự cấu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của nhà nước.

Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước không thuộc các đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước nhưng những vụ việc này đều liên quan tới sử dụng tài chính công, tài sản công và dự án đầu tư công.

Vì vậy, vị đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết sẽ có kiến nghị như nào để Kiểm toán nhà nước có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra thời gian tới?

 Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Liên quan đến chất vấn trên, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, để kiểm toán tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, thuật ngữ “kiểm toán điều tra” đã được đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI).

“Đến nay gần 80 năm, vẫn chỉ dừng ở mức độ tranh luận xem kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra hay không, có điều tra thì mới truy tố, đi đến cùng hành vi phạm tội, truy tố.. Hiện nay có rất ít Cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước phát triển tham gia chức năng này. Và INTOSAI cũng chưa có hướng dẫn về nội dung này” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, Kiểm toán nhà nước Việt Nam thời gian tới sẽ cố gắng làm tròn chức năng đánh giá, xác nhận kiến nghị theo đúng quy định pháp luật.

Khuyến nghị nhằm hạn chế xảy ra sai phạm tại các dự án

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Báo cáo của Kiểm toán nhà nước chỉ rõ những sai phạm ở một số khâu khi kiểm toán các dự án. Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết những sai phạm tập trung nhiều nhất ở khâu nào? Kiểm toán nhà nước đã có khuyến nghị như nào đối với các chủ dự án để hạn chế xảy ra những sai phạm?

 Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Trần Văn Tiến về sai phạm ở đâu, kiến nghị thế nào, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, thông thường để tiến hành kiểm toán các dự án đầu tư có sử dụng vốn tài chính công, Kiểm toán nhà nước tuân thủ các luật pháp liên quan từ khâu chuẩn bị dự án đến khâu tổ chức triển khai.

Ở khâu chuẩn bị dự án, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, Kiểm toán nhà nước sẽ đánh giá việc phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế dự án đúng quy hoạch, đúng chủ trương, đúng chiến lược hay không, tiêu chuẩn định mức có đúng, phù hợp không, bố trí vốn kế hoạch có đúng không?

Lựa chọn nhà thầu, quy trình, thủ tục đấu thầu, kí kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu có đúng với hồ sơ thầu đã kêu gọi hay không, có sai phạm gì, triển khai thực hiện, ứng vốn, thu hồi vốn, kiểm soát tiến độ, thanh quyết toán…

Do đó, Kiểm toán nhà nước rà soát tất cả các nội dung này. Với mỗi dự án có sai phạm khác nhau, Kiểm toán nhà nước đã đưa ra kiến nghị, có kiến nghị xử lý tài chính vì không có trong thanh toán, các khoản chi không phù hợp và đề nghị kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Đồng thời, cũng kiến nghị sửa đổi pháp luật có liên quan.

Huệ Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kiem-toan-nha-nuoc-kien-quyet-loai-bo-con-sau-lam-rau-noi-canh-trong-nganh-post243190.gd