Kiểm toán nhà nước sẽ kiến nghị thật đúng, thật trúng để các đơn vị thuận lợi thực hiện

Để khắc phục tình trạng chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới Kiểm toán nhà nước sẽ quyết tâm, quyết liệt nâng cao kết luận kiến nghị kiểm toán, kiến nghị thật đúng, thật trúng để các đơn vị thuận lợi trong triển khai thực hiện.

4 nhóm nguyên nhân dẫn đến kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán sáng nay (5/6) trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện, kéo dài nhiều năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được nêu trong Báo cáo là khá ấn tượng, trong đó nhất là việc thực hiện các kiến nghị tài chính đối với kiến nghị kiểm toán của nhà nước năm 2022, đạt được tỷ lệ là 92%... Tuy nhiên còn khá nhiều kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện, kéo dài qua nhiều năm. Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế này và trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào? Kiểm toán nhà nước đã có những giải pháp gì để khắc phục?

 Tổng kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn.

Tổng kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết nguyên nhân của tình trạng kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện gồm có 4 nhóm nguyên nhân: có nguyên nhân từ đối tượng, đơn vị được kiểm toán; bên thứ ba; bên kiểm toán và một số nguyên nhân khác.

Theo ông Ngô Văn Tuấn, theo Nghị quyết 74 của Quốc hội, những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và kỷ cương, kỷ luật tài chính nói chung, ngoài nguyên nhân về vướng mắc cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức thì vướng nhiều ở khâu tổ chức thực hiện. Theo đó ý thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của người đứng đầu còn yếu, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.

Về giải pháp để khắc phục tình trạng này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới Kiểm toán nhà nước sẽ quyết tâm, quyết liệt nâng cao kết luận kiến nghị kiểm toán, kiến nghị thật đúng, thật trúng để các đơn vị thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đồng thời tăng cường việc đôn đốc công khai danh sách các tổ chức cá nhân chưa thực hiện các kết luận kiểm toán trên trang web của Kiểm toán nhà nước.

Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên có liên quan. Riêng đối với các đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đề nghị cần phát huy vai trò của người đứng đầu. Thực tiễn cho thấy, nơi nào người đúng đầu có quan tâm, có quyết tâm thì ở đó tỷ lệ thực hiện kết luận kiểm toán đạt như mong muốn.

Nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán để kiến nghị chính xác, tâm phục, khẩu phục

Quan tâm đến tình trạng kết luận kiến nghị kiểm toán không thực hiện được, đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang chia sẻ, đến nay, số lượng kết luận kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện còn lớn, trong đó đáng lưu ý có nguyên nhân chưa thực hiện thuộc về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước. Đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết việc xem xét trách nhiệm đối với các kết luận kiến nghị kiểm toán chưa đúng quy định cũng như các giải pháp khắc phục tình trạng kết luận kiến nghị kiểm toán không thực hiện được do chính trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước?

 Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Danh Tú, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 4 nguyên nhân chậm thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán, lý do thứ nhất là kiến nghị của kiểm toán chưa tâm phục, khẩu phục và đơn vị được kiểm toán đang khiếu nại theo quy định của luật; thứ hai là có những kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng nhưng không thể thực hiện được; thứ ba là đơn vị chưa thực hiện.

Trong đó, ông Ngô Văn Tuấn cho biết, đối với nguyên nhân kiến nghị chưa chính xác, chưa tâm phục, khẩu phục, đang khiếu nại, thời gian tới Kiểm toán nhà nước sẽ nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Trong đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên; tăng cường kiểm tra, giám sát; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đoàn kiểm toán.

Đối với kiến nghị kiểm toán đến nay vẫn chưa thực hiện, do có những kiến nghị mà đơn vị được kiểm toán đã giải thể, phá sản, pháp nhân về hưu, chết hoặc mất tích. Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, đây cũng là một trong những tồn tại, hạn chế của Luật Kiểm toán đang tiến hành tổng kết theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa, hy vọng sau khi Luật được sửa đổi, bổ sung sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế vừa nêu.

 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, một trong những nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán là "do bên thứ ba". Do đó, đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước làm rõ bên thứ ba là bên nào, là chủ thể nào? Để giải quyết việc chưa thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đại biểu đề nghị cho biết trách nhiệm của đơn vị kiểm toán cũng như giải pháp của Kiểm toán nhà nước về vấn đề này?

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, bên thứ 3 là bên có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Kiểm toán (sửa đổi), Luật số 55/2019/QH14. Nguyên nhân bên thứ 3 chiếm khoảng 21% do phải chờ phê duyệt của cấp trên, chờ hướng dẫn; do nhà thầu chây ì, giải thể, phá sản, mất tích…

Đề xuất giải pháp vấn đề này trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, Kiểm toán nhà nước sẽ theo dõi, đôn đốc, công khai và tăng cường kiểm tra, giám sát ở mỗi đơn vị được kiểm toán, kịp thời theo dõi, báo cáo ngay với các cơ quan liên quan về trách nhiệm bên thứ 3 để đôn đốc.

Đồng thời Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, giải pháp căn cơ nhất là thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được quy định trong Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị số 22 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kiem-toan-nha-nuoc-se-kien-nghi-that-dung-that-trung-de-cac-don-vi-thuan-loi-thuc-hien-post298140.html