Kiểm tra công vụ Sở Tư pháp, xác minh việc giải quyết thủ tục hành chính
Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội đề nghị Sở Tư pháp chủ động phối hợp chính quyền địa phương tăng cường nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự khu vực Sở; chú trọng đầu tư bộ phận đón tiếp công dân và tiếp tục nâng cao phong cách phục vụ của cán bộ công chức...
Hôm nay, 7/4, Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Mạnh Hùng chủ trì đã đến kiểm tra thực tế và làm việc tại Sở Tư pháp Hà Nội.
Đây là hoạt động kịp thời của Đoàn thực hiện Văn bản 3552 ngày 6/4/2023 nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn giao Đoàn kiểm tra công vụ TP tổ chức kiểm tra công vụ đối với việc thực hiện tiếp nhận giải quyết TTHC về cấp phiếu lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp, theo thông tin báo chí phản ánh mỗi ngày tiếp nhận từ 200 - 300 bộ hồ sơ.
Tiếp nhận giải quyết bình quân 570 hồ sơ hành chính/ngày
Đại diện Đoàn kiểm tra công vụ TP khẳng định, hiện TP Hà Nội chỉ có 2 địa điểm thực hiện giải quyết TTHC về lý lịch tư pháp theo Luật Lý lịch tư pháp là Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia và Sở Tư pháp Hà Nội, mà Sở Tư pháp ngoài xác định lý lịch tư pháp còn phải tiếp nhận giải quyết các TTHC liên quan bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp... Với tinh thần quyết tâm chính trị cao của TP Hà Nội về tập trung giải quyết TTHC nhất là liên quan người dân và DN, ngay khi có thông tin liên qua trên báo chí, UBND TP đã giao Đoàn kiểm tra công vụ TP nhanh chóng đến xem xét thực tế tại Sở Tư pháp, từ khâu tổ chức đón tiếp công dân đến trụ sở cho đến khâu hướng dẫn công dân, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính... làm sao góp phần tạo hình ảnh đẹp của Thủ đô về công tác tiếp nhận giải quyết TTHC, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công dân và DN.
Qua báo cáo chưa chính thức của lãnh đạo Sở Tư pháp và kiểm tra thực tế, các thành viên Đoàn ghi nhận những ngày gần đây, cán bộ công chức (CBCC) Sở phải tiếp nhận giải quyết bình quân 570 hồ sơ hành chính/ngày, gồm gần 500 hồ sơ xác định lý lịch tư pháp, còn lại là giải quyết TTHC liên quan bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp, trong đó nhiều hồ sơ xác định lý lịch tư pháp rất phức tạp. Trong đó, khoảng 300 hồ sơ nộp trực tiếp, 200 hồ sơ thông qua hình thức bưu điện, trên 10 hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Số lượng hồ sơ mà Sở phải giải quyết những ngày qua là rất lớn, tăng đột biến, đúng như dư luận phản ánh.
Kiểm tra thực tế và lắng nghe các ý kiến trao đổi của lãnh đạo, cán bộ Sở Tư pháp, các thành viên Đoàn kiểm tra ghi nhận nỗ lực của Sở, gần đây đã tiến hành sắp xếp lại công tác tổ chức, nhất là về bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC (bộ phận một cửa-BPMC), trong đó đã sử dụng cả Phòng bảo vệ của trụ sở cơ quan làm nơi đặt máy lấy số thứ tự và nhận diện khuôn mặt cho công dân.
Đặc biệt, Đoàn đánh giá cao tinh thần chủ động của Sở về tổ chức bộ máy, trước tình hình khối lượng tăng đột biến đã kịp thời tăng số lượng con người (tăng 2 - 3 công chức) và tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ hành chính (tăng 1 - 2 tiếng trong giờ hành chính). Sở cũng đã bố trí riêng 1 phòng để trong ngày hôm sau giải quyết tất cả trường hợp công dân ngày hôm trước tồn tại chưa được giải quyết do bị “qua số”. Đồng thời, việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính đúng hẹn, không có hồ sơ chậm muộn.
Đồng bộ giải pháp
Qua kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Mạnh Hùng biểu dương cố gắng của Sở Tư pháp trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho công dân và DN, song cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần được lãnh đạo Sở chỉ đạo trong đơn vị khẩn trương thực hiện. Việc sử dụng Phòng bảo vệ làm nơi lấy số thứ tự cho công dân mới là biện pháp giải quyết tình thế, Sở cần quan tâm nhanh chóng đầu tư cải tạo BPMC tiếp công dân đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Thực tế công dân còn phải xếp hàng trên vỉa hè đường đi vào BPMC- về hình thức chưa đảm bảo mỹ quan. Hơn nữa, tại khu vực cổng ra vào cơ quan Sở, người dân và một số đối tượng không liên quan phục vụ giải quyết TTHC vẫn tập trung đông, gây mất an ninh trật tự.
"Đề nghị Sở Tư pháp chủ động phối hợp chính quyền địa phương, Công an quận tăng cường nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự khu vực Sở; chú trọng đầu tư bộ phận đón tiếp công dân (từ trang bị điều kiện về chỗ ngồi cho công dân thực hiện TTHC, nước uống...) và nâng cao phong cách phục vụ của CBCC; tăng tuyên truyền để người dân đến giao dịch với tâm thế rất thoải mái, đồng thuận, từ đó tạo hình ảnh đẹp của cơ quan hành chính”- ông Đinh Mạnh Hùng nêu rõ.
“TP Hà Nội rất coi trọng công tác cải cách hành chính, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và công việc thường xuyên, liên tục, xuyên suốt. Bởi, thực hiện tốt cải cách hành chính sẽ góp phần khai thác tốt tiềm năng thế mạnh cho đầu tư phát triển; giải quyết tốt TTHC cũng là giải quyết được những vấn đề bức xúc của người dân và DN, đảm bảo được an ninh trật tự và hạn chế khiếu nại tố cáo, tăng mức độ hài lòng của người dân và DN đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính”-Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng
Trước những khó khăn được lãnh đạo Sở Tư pháp chia sẻ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, trong khi Cổng DVCTT TP được xem là biện pháp hiệu quả để hạn chế tối đa người dân phải đến cơ quan công sở giải quyết TTHC trực tiếp thì gần đây, việc vận hành phần mềm thử nghiệm trên cổng DVC về tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp tốc độ xử lý trên phần mềm còn chậm, dẫn đến công dân gặp khó khăn khi thực hiện DVCTT và ảnh hưởng hiệu suất thực hiện tiếp nhận hồ sơ của công dân tại BPMC. Như vậy, mong muốn của công tác cải cách hành chính là đầu tư hạ tầng CNTT và giải quyết TTHC qua phần mềm DVCTT chưa hoàn toàn đạt được, Đoàn sẽ tiếp thu kiến nghị của Sở Tư pháp để báo cáo UBND TP, đảm bảo giải quyết TTHC được tốt, người dân và DN hài lòng khi đến cơ quan hành chính Nhà nước.
Nhấn mạnh những ngày tới, Sở Tư pháp cần khẩn trương có biện pháp khắc phục để tránh tình trạng công dân đến quá đông phải xếp hàng chờ giải quyết TTHC, gây mệt mỏi, nhất là trong những ngày thời tiết nắng nóng hoặc có mưa, Trưởng đoàn cũng gợi mở việc Sở có thể cử riêng một công chức đứng trực tiếp lấy số thứ tự cho công dân, giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết hồ sơ. Đồng thời, đề nghị Sở khẩn trương triển khai những giải pháp đồng bộ, trong đó bố trí tăng cường điểm tiếp nhận hồ sơ các cấp, phiếu lý lịch tư pháp, công chức của Sở Tư pháp hoặc ủy quyền công chức Phòng Tư pháp tiếp nhận tại BPMC cấp huyện, để giảm tải số lượng quá lớn công dân đến trụ sở cơ quan Sở trong giai đoạn hiện nay.
Cũng tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra công vụ TP ghi nhận các kiến nghị của Sở Tư pháp để tổng hợp, kiến nghị với UBND TP, đó là: Kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở TT&TT chủ trì phối hợp Văn phòng UBND TP và các đơn vị tư vấn khắc phục lỗi trong hệ thống phần mềm BPMC để người dân nộp được hồ sơ trực tuyến, không phải đến xếp hàng tại Sở; sớm giải quyết kết nối đồng bộ liên thông giữa phần mềm TP với phần mềm Bộ Tư pháp để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết TTHC về lý lịch tư pháp; quan tâm bố trí tăng thêm biên chế công chức cho Sở Tư pháp để có đủ nhân lực tham mưu thực hiện các nhiệm vụ công tác, bố trí nhân sự tiếp nhận giải quyết TTHC đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tổ chức, công dân và đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp (mỗi năm Sở tiếp nhận khoảng 80.000 hồ sơ trở lên về đề nghị cấp lý lịch tư pháp)…