Kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em tại Phú Thọ

Ngày 25/9, đoàn giám sát UB Tư pháp của Quốc hội do bà Lê Thị Nga - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Phú Thọ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2015 - 2019.

Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do đồng chí Lê Thị Nga - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm trưởng đoàn.

Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã yêu cầu tỉnh Phú Thọ giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền pháp luật về xâm hại trẻ em của tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt là tại các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, các xã vùng miền núi, công tác thanh tra, kiểm tra đối việc thực hiện các nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Quang cảm ơn những ý kiến đánh giá của các đồng chí thành viên đoàn giám sát. Đồng chí khẳng định, các văn bản của tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về chống xâm hại trẻ em đã được các cấp, ngành triển khai và thực sự đi vào cuộc sống.

Đồng chí Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại buổi làm việc.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất để các cháu có điều kiện học tập tốt hơn, lồng ghép các hoạt động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, tăng cường tuyên truyền, giáo dục tới các gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ em, cung cấp cho trẻ những kỹ năng phòng ngừa xâm hại. Tăng cường việc dự báo phòng ngừa nguy cơ gia tăng xâm hạit trẻ em. Xử lý nghiêm và công khai các vụ việc xâm hại để tạo tính răn đe. Đồng chí kiến nghị cần có mô hình thống nhất, đầu mối tập trung trong thực hiện các chính sách, pháp luật về trẻ em.

Giai đoạn 2015 - 2019 trên địa bàn tỉnh đã có 112 trẻ em bị xâm hại với các hình thức xâm hại khác nhau, như: Bạo lực, bị bỏ rơi, xâm hại tình dục, lứa tuổi bị xâm hại 6 - 16 tuổi. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại chủ yếu là người quen, hàng xóm, thậm chí là người ruột thị, người thân trong gia đình của các em. Có những đối tượng lợi dụng việc nạn nhân bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để thực hiện hành vi phạm tội.

Kết luận buổi làm việc, bà Lê Thị Nga đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu phục vụ đoàn giám sát, đồng thời ghi nhận những kết quả tích cực của tỉnh trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đã có nhiều hình thức phong phú tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em được thực hiện thường xuyên. Đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của tỉnh. Đồng thời giải trình đối với một số kiến nghị của tỉnh trong thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em.

Kiến nghị với tỉnh, đồng chí Trưởng đoàn giám sát đề nghị tỉnh sớm có giải pháp nhằm tăng cường vai trò của các cấp trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, nhất là chống xâm hại trẻ em. Sớm xây dựng kế hoạch triển khai Luật Trẻ em. Căn cứ vào đặc điểm địa phương để có dự đoán nguy cơ xâm hại, chú trọng công tác phòng ngừa và có chuyên đề cụ thể về giáo dục pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em. Sau giám sát sẽ tổng hợp để báo cáo Quốc hội./.

Đức Thọ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kiem-tra-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-phong-chong-xam-hai-tre-em-tai-phu-tho-post68487.html