Kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại Gia Lai

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, chiều 29/10, Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và một số sở, ngành của tỉnh Gia Lai kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng chí Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại buổi làm việc.

Đồng chí Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.995 đơn vị với hơn 38 nghìn lao động với tổng số tiền hơn 11 tỷ 556 triệu đồng (tạm tính đến tháng 6/2021); đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 271 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp… với số tiền hơn 1, 5 tỷ đồng.

Đối với các đối tượng bị nhiễm và phải điều trị bệnh Covid-19, đã hỗ trợ tiền ăn cho F0 là 1.662 người với số tiền hơn 2 tỷ 580 triệu đồng; hỗ trợ cho F1 là 594 người với số tiền hơn 701 triệu đồng; hỗ trợ thêm cho 187 trẻ em là F0, F1 với số tiền 187 triệu đồng…; hỗ trợ 91 viên chức hoạt động nghệ thuật và 17 hướng dẫn viên du lịch… với số tiền hơn 226 triệu đồng.

Về chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 624 hộ với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng; duyệt hồ sơ và giải ngân cho vay trả lương ngừng việc của 56 đơn vị có nhu cầu vay vốn với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng để trả lương cho 1.016 lượt người lao động.

Về thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội đã tiếp nhận hồ sơ, giải quyết cho 28.976 lao động; trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 26.400 người đạt 97,64% so với số lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp do đơn vị đề nghị Bảo hiểm xã hội hỗ trợ. Bảo hiểm xã hội đã thực hiện giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 1.997 đơn vị với 33.079 lao động với số tiền hơn 20 tỷ 267 triệu đồng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022); hỗ trợ cho 27.512 lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến ngày 28/10/2021 với số tiền hơn 68 tỷ 704 triệu đồng.

Tại 3 phiên giao dịch ngày 22 và 23/10, do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai tổ chức ở huyện Krông Pa, có 120 lao động đã tìm được vị trí việc làm phù hợp.

Tại 3 phiên giao dịch ngày 22 và 23/10, do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai tổ chức ở huyện Krông Pa, có 120 lao động đã tìm được vị trí việc làm phù hợp.

Tại buổi làm việc, các sở, ngành liên quan cũng đã có nhiều ý kiến làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; trong đó đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với số lao động tự phát từ các tỉnh phía nam trở về tỉnh, vì thực tế số lao động này về tỉnh quá đông và có hoàn cảnh rất khó khăn (hơn 42 nghìn lao động, trong đó có hơn 13 nghìn lao động là dân tộc thiểu số).

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ghi nhận những nỗ lực của các cấp, các ngành ở Gia Lai trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng chí ghi nhận: so với các địa phương trong khu vực, Gia Lai có cách thức tuyên truyền nhanh chóng; việc triển khai các văn bản xuống các cơ sở, địa phương đồng bộ, kịp thời; có sự phối kết hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với các ngành, địa phương, đoàn thể; việc xử lý, tiếp nhận hồ sơ của đối tượng nhanh, minh bạch, rõ ràng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đồng chí Vũ Trọng Bình cũng cho rằng việc triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn còn thụ động, chưa đánh giá được những khả năng, nguyện vọng của người lao động được thụ hưởng (vẫn còn chờ đối tượng đến thì thực hiện; chưa nắm cụ thể bao nhiêu đối tượng cần được hỗ trợ; bao nhiêu hộ bị khó khăn, thiếu đói, bao nhiêu đối tượng cần vay vốn…).

Đồng chí cho rằng, cần phát huy tinh thần trách nhiệm của Trung tâm Dịch vụ việc làm, tổ chức nhiều hơn nữa sàn giao dịch việc làm để người lao động có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp; tăng cường đối thoại giữa các ngành với người được thụ hưởng chính sách. Sớm phân loại số lượng lao động trở về địa phương để có kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động trở lại các tỉnh phía nam làm việc hoặc có việc làm tại địa phương để sớm ổn định cuộc sống...

Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã có buổi kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/kiem-tra-viec-thuc-hien-ho-tro-nguoi-lao-dong-gap-kho-khan-do-dai-dich-covid-19-tai-gia-lai-671730/