Kiên định một con đường

Ra đời và được mang tên một sự kiện trọng đại của đất nước, manchette Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) không chỉ là thương hiệu của những người làm báo chúng tôi mà còn là định hướng, để từ thế hệ đi trước đến hôm nay kiên định một hành trình phục vụ bạn đọc, phụng sự cộng đồng, vì sự phát triển của TPHCM và đất nước.

Vững chân kiềng

Trong trăn trở của những người làm Báo SGGP, trách nhiệm làm nghề bao hàm yêu cầu rộng lớn: Không chỉ làm báo có nghề, có trách nhiệm, mà còn phải “gánh vác” thêm trách nhiệm với cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển xã hội. Ngoài hoạt động xuất bản báo và duy trì hoạt động kinh tế báo chí, hoạt động xã hội - từ thiện là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Báo SGGP.

Từ bao năm qua, định kỳ 2 lần trong tuần, trang báo SGGP có mục Hoàn cảnh cần giúp. Mỗi hoàn cảnh chọn đăng đều được bạn đọc xa gần đóng góp trợ giúp. Trang báo thành cầu nối, hàng ngàn người khó khăn, ngặt nghèo đã nhận được sự sẻ chia từ những người không quen biết có tấm lòng nhân ái.

 Đoàn công tác Báo SGGP trao học bổng đến học sinh Trường Tiểu học Quảng Lâm, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: QUANG PHÚC

Đoàn công tác Báo SGGP trao học bổng đến học sinh Trường Tiểu học Quảng Lâm, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: QUANG PHÚC

Tìm cách đồng hành cùng người yếu thế không chỉ là nhiệm vụ của riêng ban chuyên trách chương trình xã hội mà đã trở thành sứ mệnh chung. Dấu ấn không chỉ thể hiện qua những thông tin, bài viết trên mặt báo, nơi nào bạn đọc “ới Báo SGGP” cần giúp đỡ thì nhà báo đều đến tận nơi, đưa tay tương trợ. Trong chừng ấy năm hoạt động chuyên môn là bấy nhiêu năm người làm báo miệt mài đi xây trường lớp, sửa chữa nhà tình thương, tình nghĩa, chăm lo cho trẻ nhỏ, nâng bước học sinh tới trường…

Trách nhiệm xã hội còn được Báo SGGP thực thi bằng những chương trình ý nghĩa mà tầm vóc và sức sống đã vượt khỏi phạm vi trách nhiệm của một cơ quan báo chí. Trong đó, nhiều hành trình của chương trình được tính bằng con số hàng chục năm và vẫn còn đang tiếp nối.

 Cán bộ, nhân viên Báo SGGP trong một chuyến khảo sát thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Ảnh: NGA TRẦN

Cán bộ, nhân viên Báo SGGP trong một chuyến khảo sát thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Ảnh: NGA TRẦN

Trong hành trình phụng sự xã hội của Báo SGGP, chương trình đền ơn đáp nghĩa nhân văn Nghĩa tình Trường Sơn là một dấu ấn nổi bật. Từ năm 2009 đến 2015, những chuyến vác ba lô đi dọc Trường Sơn giữa thời bình diễn ra liên tục. Người SGGP đã có mặt ở khắp các địa danh từng là chiến trường ác liệt để khảo sát, bàn bạc, xây dựng… với biết bao trở ngại phải vượt qua.

Đó là khi giải được hết các vấn đề kỹ thuật thì đến thủ tục chưa thông; gỡ được điểm nghẽn chưa thông liền gặp ngay vấn đề “đau đầu” khi tổng kinh phí lên đến gần 140 tỷ đồng - một con số khổng lồ ở thời điểm đó. Bằng ý chí, quyết tâm cùng nỗ lực tận hiến, công trình nối tiếp công trình đã vươn lên khắp dãy Trường Sơn huyền thoại như một nghĩa cử tri ân trước các bậc tiền nhân.

Một loạt công trình tưởng niệm, công trình dân sinh ra đời gắn tên SGGP vào đời sống của người dân nơi đây: 1.351 nhà tình nghĩa tại 44 tỉnh; 3 đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại các trọng điểm: Bến phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị); Cửa khẩu Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum); 17 trạm xá tại các tỉnh dọc dãy Trường Sơn; xây dựng mới Bản Văn hóa Di tích lịch sử Làng Ho - di tích lịch sử, căn cứ đầu tiên của bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) - trở thành Làng văn hóa dân tộc Vân Kiều kiểu mẫu; trao tặng hơn 2.000 suất học bổng…

Những con số sẽ không dừng lại khi lãnh đạo báo đang có kế hoạch rà soát để tu bổ, sửa sang lại các công trình.

Để làm được những điều tưởng chừng như không thể, người làm Báo SGGP không độc hành, mà luôn có sự sát cánh của bạn đọc, đối tác và nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Khi xây chiếc chân kiềng hoạt động xã hội - từ thiện, Báo SGGP xác định quan điểm nhất quán, xuyên suốt là luôn hướng đúng mục tiêu giúp đỡ. Báo SGGP với vị thế là cơ quan báo chí chính trị - xã hội chủ lực, có nhiều uy tín, là yếu tố quan trọng mang tính thuyết phục cao trong công tác vận động tài trợ. Và ngược lại, tính trực tiếp, hiệu quả, minh bạch tạo được sự tin cậy với đối tác và bạn đọc.

Theo quy chế hoạt động quỹ từ thiện Báo SGGP, nguồn vận động được sử dụng 100% cho mục đích từ thiện, trực tiếp đến tay người cần hỗ trợ. Toàn bộ chi phí liên quan để trao đến tay người thụ hưởng đều do Báo SGGP chi trả. Suốt nhiều năm qua, nhiệm vụ này luôn được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch mọi mặt, đặc biệt là về tài chính, xây dựng được sự an tâm, tin cậy của đối tác, bạn đọc. Có như vậy, chân kiềng mới vững bền qua thời gian

Bà Bùi Thị Hồng Sương - Phó Tổng Biên tập Báo SGGP

“Đạp gió, rẽ sóng”

Từ ngày xuất bản số đầu tiên, tròn 50 năm đi cùng sự phát triển của TPHCM và đất nước, Báo SGGP đã trải qua không ít những thăng trầm.

Còn nhớ trong những ngày dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, công tác xuất bản gặp vô vàn khó khăn, lại thêm mối lo giữ bình an cho anh em trong báo hàng ngày hàng giờ canh cánh, vậy mà ở thời điểm đó, người SGGP đã chọn không đứng ngoài cuộc. Xe gạo nghĩa tình đưa gần 200 tấn gạo, 20 tấn thực phẩm, rau củ quả, gần 20.000 sản phẩm nước giải khát... đến hàng chục ngàn hộ khó khăn trên khắp địa bàn thành phố.

Chương trình Một gia đình trợ giúp một gia đình vận động các gia đình có điều kiện chung tay giúp đỡ những gia đình đặc biệt khó khăn. Mỗi ngày, Báo SGGP xác minh và nhanh chóng trực tiếp đưa tiền ủng hộ của các gia đình hảo tâm đến hàng trăm hộ dân đang cần hỗ trợ khẩn cấp.

Chương trình Đồng hành vượt cạn hỗ trợ chị em phụ nữ, nữ công nhân lao động đang mang thai đảm bảo các điều kiện sinh nở để “mẹ tròn, con vuông” trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách. Đến khi TPHCM bước vào giai đoạn “bình thường mới”, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, báo phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu nhiễm Covid-19, đã có 9.491 người dân được thụ hưởng.

 Chuyến xe gạo nghĩa tình của Báo SGGP mang gạo đến tặng người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, năm 2021. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chuyến xe gạo nghĩa tình của Báo SGGP mang gạo đến tặng người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, năm 2021. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Từ những trăn trở của người làm báo, bước sang năm 2023-2024, Báo SGGP xác định mục tiêu căn cơ và dài hơi, hướng trọng tâm đến thế hệ tương lai của đất nước. Chương trình Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường ra đời, hàng chục điểm trường, thư viện, nhà vệ sinh, phòng ăn, phòng ngủ… được xây dựng ở những tỉnh vùng cao, khu vực biên giới hiểm trở, khó khăn. Rồi khi sự tàn phá từ cơn bão số 3 quét qua, Báo SGGP không chỉ vận động đóng góp ủng hộ mà còn trực tiếp đi vào vùng tâm bão lũ để cứu trợ đồng bào…

Có những thời điểm cực kỳ khó khăn, nhiều nơi cần đến nhưng không dễ đi, khiến “con đường phụng hiến” cộng đồng không hề dễ dàng với người làm báo. Đó là khi trong người chưa tiêm đủ số mũi vaccine nhưng nhiều anh em phóng viên, nhân viên Báo SGGP vẫn băng mình giữa đại dịch để giúp đỡ những hoàn cảnh cần kíp; vào vùng tâm bão lũ chỉ có mưa, gió và bốn bề mênh mông nước, sự lo sợ bản năng chực chờ xuất hiện, nhưng họ vẫn xung phong lao đi; những ngày dài mệt nhoài vượt đường xa đến bản làng cách trở càng khiến người SGGP quyết tâm phải xây thêm được điểm trường, mở thêm nhiều thư viện với thật nhiều sách cho học trò vùng cao, biên giới…

Lý giải cho quyết tâm “đạp gió, rẽ sóng” đi đến tận cùng, chị Lê Nhung, Phó trưởng Ban Công tác bạn đọc và Chương trình xã hội, kiên định: “Nhiều chuyến đi làm chương trình xã hội - từ thiện đúng nghĩa là vượt ngàn chông gai. Nhưng càng đi càng thấy còn nhiều hoàn cảnh, địa phương cần đến mình. Những đứa trẻ không có áo ấm giữa trời rét căm căm, muốn đến trường học con chữ thì lại không có cái ăn; những cụ già neo đơn, người có công cần điều kiện sống tốt hơn… chính là động lực giúp chúng tôi vượt đường xa không mỏi”.

Khởi đi là còn mãi

Với cách làm nghiêm túc và trách nhiệm, nhiều chương trình xã hội của Báo SGGP đã trở thành dấu ấn của không ít lĩnh vực, địa phương. Đó là Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam vươn tầm quốc gia đã bước vào năm thứ 30, được sự công nhận của giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá. Một giải thưởng được nuôi dưỡng bằng tâm huyết và sự trong sáng chính là giá trị bền vững để tồn tại.

Giải thưởng Tôn Đức Thắng biểu dương, khích lệ công nhân lao động sáng tạo, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hay Chương trình Học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã trợ giúp hàng ngàn lượt sinh viên y khoa vượt khó học giỏi; các y, bác sĩ, cô đỡ thôn bản ở vùng sâu, vùng xa.

Giải thưởng Võ Trường Toản tôn vinh thầy cô giáo suốt 25 năm qua cũng được khởi đi từ tâm huyết và trách nhiệm của những người làm Báo SGGP. Giải thưởng Doanh nghiệp Xanh được khởi xướng vào năm 2006 mang theo sứ mệnh vinh danh các doanh nghiệp bảo vệ môi trường và có trách nhiệm cải thiện chất lượng sống của cộng đồng. Khởi đi một thông điệp ý nghĩa, chương trình ngày càng lớn mạnh và được nâng cấp thành giải thưởng cấp thành phố…

Trong sự vận động không ngừng, có những chương trình chuyển sang hình thức khác nhưng ý nghĩa và giá trị vẫn vẹn nguyên. Từ ý tưởng, tâm huyết và trách nhiệm của người làm báo, nhiều chương trình đã chứng minh sức sống bền bỉ, mang giá trị lớn lao và được phát triển thành chương trình, giải thưởng cấp địa phương, quốc gia.

Tiếp tục phát huy giá trị; có thêm nhiều người được thụ hưởng; đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xã hội..., đúng theo ý nghĩa và mong muốn ban đầu khi Báo SGGP khởi sự các chương trình, đó chính là phần thưởng và sự ghi nhận giá trị nhất với những người làm Báo SGGP.

TS TRẦN TIẾN ĐỨC - Nguyên Trưởng Phòng Quản trị, Phó trưởng Khoa Sư phạm dạy nghề, Trường Cao đẳng Nghề TPHCM

Động lực để cống hiến

Năm 2002, khi hay tin được nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng (đang là Phó Phòng Kỹ thuật và Quản đốc Xưởng nhựa PET của Nhà máy Đay Indira Gandhi), tôi mừng và tự hào vô cùng vì đây là giải thưởng danh giá với người thợ.

Giải thưởng trở thành động lực để tôi phát triển bản thân và đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Ban ngày làm việc tại nhà máy, ban đêm tôi đi dạy môn toán tại Trung tâm Bổ túc văn hóa Quận 1 với mong muốn giúp học trò xây dựng tương lai bằng tri thức, hoặc bước vào đời với một tay nghề vững chắc. Điều đó đã trở thành cơ duyên để lần thứ 2, tôi nhận một giải thưởng nữa của Báo SGGP.

Đó là năm 2021, tôi vinh dự nhận Giải thưởng Võ Trường Toản, nhờ truyền cảm hứng học tập suốt đời đến học sinh, hướng dẫn học sinh học online khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong quãng thời gian 19 năm giữa hai lần nhận giải thưởng cao quý, tôi không ngừng học tập, trở thành thạc sĩ rồi tiến sĩ. Hai giải thưởng của Báo SGGP là sự cổ vũ lớn lao để tôi tiếp tục hành trình sáng tạo, cống hiến, dù trên cương vị làm thợ hay làm thầy.

Bác sĩ DƯƠNG ANH VŨ - Bệnh viện Tai Mũi Họng (quận 3, TPHCM)

Cầu nối trao gửi yêu thương!

Để theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ, tôi đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình học tập nhưng gặp khó khăn về học phí. Học bổng Nguyễn Văn Hưởng do Báo SGGP trao gửi không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất mà còn giúp tôi có thêm động lực, niềm tin mạnh mẽ hơn, không cho phép bản thân bỏ cuộc. Nhờ được chắp thêm đôi cánh sức mạnh, tôi đã thực hiện được ước mơ khoác lên người tấm áo blouse trắng để mang niềm vui, sức khỏe chia sẻ cho hàng ngàn bệnh nhân gặp khó khăn.

Học bổng Nguyễn Văn Hưởng giúp tôi hiểu rằng khó khăn là điều không thể tránh khỏi trong quá trình theo đuổi ước mơ. Thay vì tự ti hoặc chùn bước, hãy xem đó là cơ hội để rèn luyện bản thân, giữ vững niềm tin, không ngừng học hỏi và trau dồi bản thân để theo đuổi đến cùng đam mê. Hiện nay, khi đã có đủ điều kiện, tôi chọn cách giúp đỡ những người khác giống như cách tôi từng được nhận sự hỗ trợ trước đây.

Khi tham gia hoạt động thiện nguyện, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa lớn lao của việc trao gửi yêu thương, đồng thời biết trân quý tình cảm, những sự giúp đỡ đã nhận được. Tôi mong Báo SGGP có thêm nhiều cầu nối lan tỏa yêu thương để qua đó có thêm nhiều ước mơ được chắp cánh.

ÁI CHÂN - THU TÂM ghi

MỸ HẰNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kien-dinh-mot-con-duong-post792957.html