Xây dựng thư viện trường mầm non: Còn khó khăn, vướng mắc

Theo Thông tư số 16, ngày 22-11-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, lộ trình đến năm 2028, tất cả các trường mầm non phải có thư viện đạt chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai Thông tư số 16 ở các trường vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Nỗ lực xây dựng thư viện

Tại Trường Mầm non Lộc Thọ 1 (TP. Nha Trang), phòng thư viện được sắp xếp thành không gian mở, tạo cảm giác thân thiện, gần gũi. Giá sách được thiết kế vừa tầm tay trẻ, góc đọc yên tĩnh với thảm ngồi, gối ôm, bảng tương tác và các đầu sách. Tại đây có hơn 2.600 bản sách, đồng thời trường còn liên thông với Thư viện tỉnh để bổ sung thường xuyên. Hằng tuần, giáo viên cho trẻ đến phòng thư viện theo từng lớp, nhóm nhỏ để đọc sách, xem tranh, nghe kể chuyện. Trẻ được tự do lựa chọn sách mình yêu thích, chia sẻ câu chuyện với bạn bè. Đặc biệt, phòng thư viện còn được sử dụng linh hoạt như một rạp chiếu phim mini, nơi trẻ được xem các bộ phim hoạt hình, câu chuyện cổ tích... Ngoài ra, trẻ còn được tham quan tại Thư viện tỉnh; tham gia ngày hội sách tại trường, hội thi “Bé kể chuyện sáng tạo”, các chương trình giao lưu...

Một góc thư viện cho bé của Trường Mầm non Lộc Thọ 1 (TP. Nha Trang).

Một góc thư viện cho bé của Trường Mầm non Lộc Thọ 1 (TP. Nha Trang).

Cô Nguyễn Thị Việt Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lộc Thọ 1 cho biết: “Sách, truyện như người bạn thân của trẻ. Càng tiếp xúc sớm với sách, trẻ sẽ càng có nhiều cơ hội được trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Đây cũng là nền tảng để hình thành nhân cách, thói quen học tập của trẻ trong suốt những năm tháng sau này. Thông qua các hoạt động đã triển khai, tôi thấy sự chuyển biến tích cực ở trẻ. Trẻ hứng thú hơn với việc đọc và nghe kể chuyện; vốn từ ngữ, khả năng ngôn ngữ, biểu đạt ý tưởng ở trẻ được cải thiện. Trẻ cũng có khả năng tưởng tượng, biết thể hiện cảm xúc, có những hành vi ứng xử tốt hơn trong cuộc sống”.

Tại một số trường khác như: Mầm non Hướng Dương (TP. Nha Trang), Mầm non thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh)..., nhà trường đã xây dựng thư viện xanh với không gian đa dạng, thiết kế đẹp mắt, được phụ huynh học sinh đánh giá cao về tính thẩm mỹ, hiệu quả sử dụng, như một điểm nhấn tô sắc thêm cho vẻ đẹp của trường. Nơi đây, trẻ được học, được chơi, được tiếp cận với sách báo, tranh truyện, hình ảnh phong phú, bổ ích.

Những khó khăn

Theo Thông tư số 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thư viện trường mầm non phải đảm bảo 5 tiêu chuẩn về tài nguyên thông tin, cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng, hoạt động thư viện, quản lý thư viện. Cụ thể, mỗi trẻ em phải có ít nhất 2 bản sách, mỗi giáo viên có ít nhất 3 bản sách (tiêu chuẩn mức độ 1); tổng diện tích thư viện không nhỏ hơn 48m2 (không tính diện tích không gian mở). Đồng thời, phải có đầy đủ tủ, kệ, giá sách, bàn, ghế cho trẻ em; bàn, ghế cho giáo viên; bàn, ghế, tủ cho người làm công tác thư viện... Bên cạnh đó, người làm công tác thư viện phải có trình độ từ trung cấp trở lên chuyên ngành thông tin - thư viện hoặc chuyên ngành tương đương, chuyên ngành khác có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp... Hệ thống tra cứu tài nguyên thông tin phải được thực hiện trực tiếp tại thư viện, bảo đảm tra cứu dễ dàng, thuận tiện, phải có các hoạt động khuyến đọc, hình thành và phát triển thói quen đọc; hệ thống hồ sơ, sổ sách, nội quy thư viện bảo đảm quản lý về tài nguyên thông tin, cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng và hoạt động thư viện...

So với các tiêu chuẩn tại Thông tư số 16, hiện nay rất ít trường mầm non trên địa bàn tỉnh có thể đáp ứng. Cô Hoàng Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) cho biết, trường chưa xây dựng được phòng thư viện theo quy định. Hiện nay, nhà trường đã tận dụng 2 bên hông cầu thang làm thư viện cho trẻ hoạt động. Việc tổ chức hoạt động thư viện do giáo viên hoặc nhân viên văn thư kiêm nhiệm nên còn gặp khó khăn.

Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua, sở đã tổ chức các hội nghị triển khai Thông tư số 16, hướng dẫn các trường công tác xây dựng thư viện mầm non; phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tài trợ đầu sách cho thư viện của 10 trường; tổ chức tham quan học tập mô hình xây dựng thư viện trường mầm non cho lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng các trường mầm non thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Khó khăn hiện nay là hầu hết các trường chưa có nhân viên thư viện, dẫn tới việc thiết lập quy trình vận hành, hoạt động thư viện, triển khai các vấn đề về nghiệp vụ còn vướng mắc; kinh phí để mua sắm đồ dùng, học liệu phục vụ thư viện còn hạn chế. Bên cạnh đó, có rất ít trường mầm non đủ diện tích xây dựng được phòng thư viện riêng theo quy định. Trước mắt, nhiều trường đã tận dụng một số khu vực cầu thang, sảnh... để làm thư viện, xây dựng góc thư viện ở các nhóm, lớp... Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND cấp huyện đầu tư xây mới hoặc cải tạo phòng thư viện trường mầm non bảo đảm diện tích không nhỏ hơn 48m2 (không tính diện tích không gian mở) và phải có tối thiểu một phòng đọc cho trẻ em và giáo viên.

Cùng với đó, hướng dẫn các trường mầm non thiết lập và vận hành thư viện (chuẩn bị cơ sở vật chất, đầu tư, sắp xếp trang trí, thiết lập góc thư viện, lịch hoạt động, huy động sự tham gia của cha mẹ trẻ và cộng đồng...); xây dựng các biểu mẫu hồ sơ sổ sách, nội quy thư viện để hướng dẫn các trường mầm non thực hiện, bảo đảm công tác quản lý, sử dụng thư viện và hoạt động thư viện theo quy định. Hằng năm, các phòng giáo dục và đào tạo cần xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác tổ chức quản lý, sử dụng thư viện và hoạt động thư viện của các trường; tổ chức đánh giá, công nhận thư viện trường mầm non đạt chuẩn (nếu có). Sở cũng đã hướng dẫn cụ thể việc bố trí nơi đọc sách cho trẻ nếu các trường chưa có phòng để bố trí phòng thư viện.

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202505/xay-dung-thu-vien-truong-mam-non-con-kho-khanvuong-mac-ec552da/