Kiên Giang - 50 năm phát triển cùng đất nước - Bài cuối: Dựng thế, tạo lực để vươn xa

Sau 50 năm xây dựng và phát triển, Kiên Giang đã tạo dựng thế và lực đủ mạnh để tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của hội nhập, đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững. Giáo dục khởi sắc; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo vệ vững chắc là nền tảng để tỉnh vươn xa.

GIÁO DỤC VƯƠN CAO TỪ “VÙNG TRŨNG”

Chúng tôi ghé thăm Trường Trung học phổ thông An Minh (An Minh), không khí học tập tại đây rất sôi nổi. Trong phòng thực hành công nghệ, học sinh tự tin trình bày ý tưởng về các sản phẩm như ngôi nhà điện mặt trời và máy bay không người lái giúp nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật. Với cơ sở vật chất khang trang và hiện đại, Trường Trung học phổ thông An Minh là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình mạnh mẽ của giáo dục ở vùng sâu, vùng xa.

Thầy Lưu Văn Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông An Minh, chia sẻ về hành trình gian khó của trường: “Tiền thân của trường chỉ là một điểm lẻ khi huyện chưa chia tách với An Biên, xuất phát điểm rất thấp, chỉ 2 phòng học lợp bằng lá trên nền đất. Những năm 1998-2000, học sinh còn phải học trong những chòi tạm bợ dọc mé sông. Nhiều em phải đi bộ hàng chục cây số để mang lương thực về trường, trụ lại suốt tuần. Giáo viên cũng phải làm thêm nghề xe ôm, rửa xe để có thêm thu nhập. Tôi cũng từng như vậy”. Sau giây phút lắng đọng, thầy Bình tự hào nói tiếp: “Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, ngành giáo dục địa phương, Trường Trung học phổ thông An Minh đã có 30 phòng học đạt chuẩn. Đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp gần như đạt 100% trong nhiều năm liền. Trường đạt chuẩn quốc gia năm 2023 và đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trước năm 2030”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông An Minh làm bài tập nhóm trước giờ vào lớp. Ảnh: TRUNG HIẾU

Học sinh Trường Trung học phổ thông An Minh làm bài tập nhóm trước giờ vào lớp. Ảnh: TRUNG HIẾU

Sau giải phóng, tỉnh được coi là “vùng trũng” về giáo dục. Cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên không đủ, nhiều lớp học được dựng bằng cây lá. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Bảo nhớ lại: “Thời đó, tỉnh phải nhờ sự hỗ trợ từ Tiền Giang để đưa giáo viên về, đồng thời tổ chức đào tạo gấp để kịp đáp ứng nhu cầu dạy học. Thậm chí, sinh viên năm nhất đã phải lên lớp giảng dạy, hè mới quay lại trường tiếp tục học. Ở các vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn, các địa phương phải đầu tư nhiều điểm trường lẻ để tạo điều kiện cho trẻ em đến trường, nhưng những điểm trường này lại thiếu trang thiết bị, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”.

Từ những khởi đầu gian nan, Kiên Giang đã xây dựng nền tảng vững chắc cho nền giáo dục phát triển mạnh mẽ. Kiên Giang từng bước xây dựng hệ thống trường lớp khang trang, mở rộng mạng lưới giáo dục đến các vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, tỉnh đã tăng cường đầu tư vào giáo dục, coi đây là “chìa khóa” mở ra cánh cửa tri thức, khai phá tiềm năng con người. Hiện nay, tỉnh có 593 trường học mầm non và phổ thông công lập và đến tháng 10-2025 phấn đấu 60% trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ giáo viên cũng được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Những năm gần đây, chất lượng giáo dục của tỉnh đã có bước đột phá mạnh mẽ, đặc biệt là trong giáo dục mũi nhọn. Năm học 2019 - 2020, Kiên Giang xếp hạng 11/13 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số lượng giải học sinh giỏi cấp quốc gia, đến năm 2024 tỉnh đã vươn lên vị trí thứ hai về chất lượng giải và dẫn đầu về số lượng giải học sinh giỏi cấp quốc gia. “Giáo dục mũi nhọn của Kiên Giang đạt được thành quả ấn tượng nhờ vào sự quyết liệt triển khai đề án nâng cao chất lượng giảng dạy. Hiện nay, bình quân mỗi năm có hơn 80 học sinh giỏi quốc gia phục vụ tỉnh, là nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai của tỉnh”, thầy Bảo chia sẻ.

Kiên Giang duy trì tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm sau cao hơn năm trước, nhiều trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Tỉnh giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học mức độ 3, trung học cơ sở mức độ 2 và xóa mù chữ độ tuổi 15 - 60 đạt mức độ 2.

Trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, Kiên Giang cũng ghi dấu ấn nổi bật với dự án đạt giải nhất quốc gia năm 2023 và được chọn đại diện Việt Nam dự thi quốc tế tại Hoa Kỳ. Không dừng lại ở đó, năm 2024, cả 3 dự án của học sinh Kiên Giang đều đạt giải nhì quốc gia, thành tích nổi bật khi toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long không có giải nhất nào. Tỉnh còn dẫn đầu toàn quốc trong việc triển khai dạy toán qua hệ thống trường học mở, chuẩn bị nền tảng vững chắc cho học sinh tự tin với các hình thức thi trên máy tính, hướng tới hội nhập toàn cầu.

VỮNG VÀNG THẾ TRẬN LÒNG DÂN

Dưới nắng gắt biên giới hay những cơn mưa chiều dai dẳng, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên vẫn duy trì tuần tra, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh không chỉ làm nhiệm vụ chiến sĩ mà còn là điểm tựa của người dân vùng biên, giúp sửa nhà, hỗ trợ học sinh đến trường. Tình quân - dân ngày càng gắn bó, tạo nên thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Bà Thị Mỹ Loan, ngụ khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) chia sẻ: “Các chú bộ đội hay giúp dân, ai cũng quý mến. Khi khó khăn, tôi nghĩ ngay đến bộ đội biên phòng”.

Nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang triển khai các chương trình ý nghĩa như “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, trở thành điểm tựa tinh thần cho nhân dân vùng biên. Tỉnh cũng phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh, trật tự. Người dân đã cung cấp hàng trăm tin báo giúp lực lượng chức năng xử lý kịp thời, hiệu quả.

Bộ đội thời bình còn tạo ấn tượng đẹp trong lòng người dân qua Tết quân - dân. Giai đoạn 2021-2025, lực lượng vũ trang tỉnh tham mưu tổ chức mô hình Tết quân - dân tại 8 huyện và 47 xã, phường, với tổng kinh phí hơn 720 tỷ đồng. Trong chuỗi hoạt động này, bộ đội về địa phương cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, tham gia xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, trồng cây xanh, xây nhà mới, góp phần nâng cao đời sống, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và khơi dậy tinh thần yêu nước. Ông Nguyễn Văn Rơi, ngụ ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi (Giang Thành) xúc động chia sẻ: “Có nhà mới, tôi vui lắm và có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”. Theo Đại tá Nguyễn Văn Ngành - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, lực lượng vũ trang tỉnh đã thực hiện hiệu quả công tác dân vận, phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới, chăm lo cho người nghèo, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Ở Kiên Giang, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo và giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ chung của lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương và toàn dân. Tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó, tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang tỉnh theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, ưu tiên cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, biển, đảo và địa bàn trọng điểm. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng vững mạnh. Lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức rộng khắp, có độ tin cậy cao, là nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở cơ sở. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đều đạt chỉ tiêu và chất lượng. Kiên Giang cũng triển khai hiệu quả đề án xây dựng Hải đội Dân quân thường trực bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, tạo nên thế trận quốc phòng, an ninh ngày càng vững chắc.

Nếu giáo dục là “đòn bẩy” phát triển thì quốc phòng, an ninh lại là “lá chắn” giữ vững bình yên. Hai trụ cột này đang tạo nên một thế và lực đủ mạnh để Kiên Giang sẵn sàng vươn xa, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 50 năm qua là hành trình đáng tự hào, Kiên Giang không chỉ gìn giữ giá trị cũ mà còn đang viết tiếp những chương mới đầy sáng tạo, bản lĩnh và hội nhập. Với khát vọng phát triển, sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, Kiên Giang tự tin tiến bước, hướng đến năm 2050 trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng, đúng như quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

TÚ LY - TRUNG HIẾU - THU OANH

Bài 1: Ký ức một hành trình mở đất

Bài 2: Đổi thay từ ý chí vượt khó

Bài 3: Những công trình làm nên tầm vóc

Bài 4: Vươn ra biển

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/kien-giang-50-nam-phat-trien-cung-dat-nuoc-bai-cuoi-dung-the-tao-luc-de-vuon-xa-26027.html