Kiên Giang: Phấn đấu hoàn thành và vượt mức tăng trưởng kinh tế năm 2025
Trên nền tảng những kết quả đạt được, năm 2025, Kiên Giang đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng: GRDP tăng 10,02%, cao hơn 2,52% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đề ra. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đang bước vào giai đoạn tăng tốc, đồng lòng vượt qua thách thức để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Du lịch Kiên Giang - Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 10,02%
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, trong thời gian qua, tỉnh đã có bước tiến ổn định trong phát triển kinh tế, tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản - hai lĩnh vực trụ cột trong cơ cấu kinh tế tỉnh. Đề án phát triển nuôi biển dù đã triển khai nhưng sản lượng còn thấp do thủ tục giao khu vực biển còn nhiều vướng mắc.
Trong lĩnh vực công nghiệp, ngành chế biến và chế tạo - động lực tăng trưởng quan trọng - đang đối mặt với áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp do ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Các đơn hàng xuất khẩu suy giảm khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong duy trì sản xuất và việc làm.
Ngoài ra, tiến độ giải ngân đầu tư công tuy có cải thiện nhưng vẫn thấp so với kỳ vọng. Việc thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp còn nhiều trở ngại về hạ tầng và môi trường đầu tư. Công tác điều hành tại một số địa phương còn thiếu tính chủ động, sự phối hợp liên ngành chưa thực sự hiệu quả,… đã ảnh hưởng đến việc tháo gỡ vướng mắc và triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Kiên Giang, không chỉ là năm cuối trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), mà còn là năm then chốt tạo đà chuyển tiếp cho giai đoạn tiếp theo.
Do đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, để vượt qua khó khăn, Kiên Giang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 10,02%, cao hơn 2,52% so với Nghị quyết HĐND tỉnh.
Quy mô tổng sản phẩm GRDP phấn đấu đạt 86.100,731 tỷ đồng, trong đó: khu vực nông-lâm-thủy sản đạt 29.080,86 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng đạt 19.766,224 tỷ đồng; dịch vụ đạt 32.772,297 tỷ đồng; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4.481,35 tỷ đồng.
GRDP bình quân đầu người đạt 92,76 triệu đồng/người (cao hơn 5,46 triệu đồng so với Nghị quyết HĐND tỉnh). Cơ cấu kinh tế, khu vực: Nông - lâm - thủy sản 35,38%; công nghiệp - xây dựng 21,19%; dịch vụ 38,22%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,21%.
Tăng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản đạt 5,0%, tương ứng 72.335,849 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 17,7%, tương ứng 67.220,17 tỷ đồng; giá trị sản xuất xây dựng đạt 13,5%, tương ứng 29.727,314 tỷ đồng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,6%. Thu hút 11,05 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó: Khách quốc tế 1,2 triệu lượt khách; doanh thu du lịch 28.500 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách đạt 19.610 tỷ đồng (tăng 967,55 tỷ đồng so với Nghị quyết HĐND tỉnh). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 55.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước đạt 11.063,498 tỷ đồng.

Hội LHPN tỉnh tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cho cán bộ Hội cơ sở
Tăng tốc hiệu quả và bền vững
Để đạt được các mục tiêu đầy thách thức trên, Kiên Giang sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá và hiệu quả với việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các dự án đầu tư nhanh chóng đi vào hoạt động. Đặc biệt, ưu tiên các ngành có thế mạnh như: chế biến nông – thủy sản, du lịch và năng lượng tái tạo; nâng cao giá trị gia tăng thông qua chuỗi liên kết vùng nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương.
Tỉnh xác định chuyển đổi số được xem là nền tảng quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng quản lý, vì vậy, Kiên Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, hướng đến xây dựng hình ảnh Kiên Giang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, mở rộng kênh tiêu thụ nông sản, thủy sản thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và các vùng sản xuất tập trung. Tỉnh cũng chú trọng liên kết vùng với các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và mở rộng không gian phát triển.
Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành then chốt như: công nghệ thông tin, chế biến nông sản và du lịch; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh và nuôi biển công nghệ cao.
Kiên Giang chú trọng hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân luôn được ưu tiên. Quốc phòng – an ninh giữ vững chủ quyền biên giới và biển đảo là nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững.
Với quyết tâm chính trị cao, kế hoạch điều hành linh hoạt và các giải pháp đồng bộ, Kiên Giang hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào việc hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh bước vào giai đoạn phát triển mới, nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.