Kiên Giang ưu tiên triển khai nhiều dự án giao thông
Giai đoạn 2021-2025, Kiên Giang dự kiến huy động đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hơn 26.800 tỉ đồng.
Ngày 10-3, tin từ Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh này sẽ triển khai đề án “Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang".
Trong đó, tổng vốn huy động đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hơn 26.800 tỉ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 11.400 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 7.500 tỉ đồng và huy động nguồn đầu tư hơn 7.800 tỉ đồng).
Theo đó, các công trình, dự án trọng điểm tỉnh sẽ tập trung, ưu tiên chỉ đạo thực hiện, là: triển khai xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua địa bàn tỉnh Kiên Giang (khoảng 17 km); nâng cấp, cải tạo tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (hơn 26 km).
Cạnh đó, hoàn thành đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh khoảng 143 km; nâng cấp, mở rộng đường đường tỉnh 963 (đoạn QL80 - Vị Thanh) khoảng 41 km và các dự án chuyển tiếp hoàn thành như: đường tỉnh 966 (Thứ Hai - Công Sự), đường tỉnh 975B (Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và nhánh nối với đường trục Nam - Bắc), đường ven sông Cái Lớn (đoạn An Biên - U Minh Thượng)... Đồng thời, xây dựng khoảng 2.300 km đường giao thông nông thôn.
Mặt khác, Kiên Giang sẽ đầu tư xây dựng cảng đường thủy nội địa, gồm: cảng Hà Tiên, cảng Nam Du (huyện Kiên Hải), cảng Thổ Châu (TP Phú Quốc), cảng Xẻo Nhàu (huyện An Minh), cùng các cảng Bãi Vòng, Hòn Chông, Rạch Giá và cảng hành khách quốc tế Phú Quốc. Kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Rạch Giá, đầu tư đường hạ cất cánh số 2 và nhà ga hành khách T2, nghiên cứu kêu gọi đầu tư xã hội hóa Trung tâm logistics.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã đề ra các giải pháp về thể chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nguồn vốn và huy động vốn, phát triển vận tải, công nghệ và khoa học tổ chức quản lý để thực hiện tốt các nội dung của đề án.
Theo tỉnh ủy Kiên Giang, giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã huy động hơn 21.200 tỉ đồng đầu tư hệ thống đường, đạt 72,27% kế hoạch. Tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và hoàn thành đưa vào sử dụng với quy mô sáu làn xe.
Cạnh đó, triển khai đầu tư xây dựng 473/351 km và 9.974/6.284 mét dài cầu trên các tuyến đường tỉnh và đường huyện. Khối lượng đường giao thông nông thôn được xây dựng mới là 1.986/1.640 km nâng tổng số km đường giao thông nông thôn trên toàn tỉnh được nhựa và bê tông hóa là 6.365,3/7.084 km, đạt 90%.
Theo đánh giá, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều hạn
chế, từ đó làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, phát sinh chi phí đầu tư. Mặt khác, việc thu hút nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công tư gặp hạn chế. Các tuyến đường tỉnh, đường huyện, cảng biển, cảng thủy nội địa cần thiết phải được đầu tư tuy nhiên chưa được đầu tư theo quy hoạch.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/kien-giang-uu-tien-trien-khai-nhieu-du-an-giao-thong-1047662.html