Kiến nghị áp giá bồi thường phù hợp khi thực hiện 5 dự án BOT tại TPHCM

Chiều 20-12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị góp ý đối với 5 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

 Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

5 dự án BOT trên đường hiện hữu được UBND TPHCM giao Sở GTVT thực hiện theo Nghị quyết 98 gồm: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Tổng mức đầu tư cả 5 dự án khoảng 61.000 tỷ đồng. Trong đó hơn 34.000 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng; chi phí xây dựng khoảng hơn 26.000 tỷ đồng. Với loại hình BOT, ngân sách thành phố sẽ tham gia từ 50%-70%. Dự kiến khởi công xây dựng từ năm 2025, hoàn thành năm 2028.

 Đại biểu góp ý tại hội nghị

Đại biểu góp ý tại hội nghị

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, các dự án ảnh hưởng khoảng 5.000 hộ dân.

Để việc tổ chức góp ý, phản biện xã hội đảm bảo chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị các đại biểu tập trung góp ý về việc công bố thông tin về dự án, tạo điều kiện cho người dân giám sát; việc bố trí trạm thu phí; mức thu phí và phương thức thu phí…

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, dự kiến sẽ trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư các dự án này trong kỳ họp đầu năm 2025. Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện các dự án, trong đó, đã cân đối nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2026-2030 cho các dự án này.

Sau khi được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư, các đơn vị triển khai nhanh các bước thực hiện dự án.

 Tuyến Quốc lộ 13 đoạn qua TP Thủ Đức, TPHCM

Tuyến Quốc lộ 13 đoạn qua TP Thủ Đức, TPHCM

Theo ông Trần Quang Lâm, để TPHCM là đầu tàu, điểm đến thu hút nhà đầu tư thì cần đột phá về hạ tầng. Đây là những tuyến trục chính đô thị, đa phần kết nối trung tâm TPHCM với các tuyến đường vành đai, cao tốc.

Khi hoàn thành, các dự án sẽ góp phần giải quyết vấn đề giao thông, hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để TPHCM bước vào kỷ nguyên mới.

Tại hội nghị, các đại biểu góp ý nhiều vấn đề liên quan đến các phương án thu phí, phương án kết nối giao thông, bồi thường giải phóng mặt bằng…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM đề nghị cơ quan chức năng cần nắm bắt ý kiến của từng hộ gia đình, mức độ ảnh hưởng của việc thu hồi đất, tác động đến đời sống, kinh tế việc làm của từng hộ gia đình, cá nhân để áp dụng các quy định phù hợp về chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cần xác định đơn giá đất tính tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Điều này nhằm khuyến khích các hộ gia đình bị thu hồi đất sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, giảm các khiếu nại, khiếu kiện có thể phát sinh, tránh phát sinh vướng mắc gây kéo dài dự án.

 Tuyến Quốc lộ 22, đoạn qua quận 12, TPHCM

Tuyến Quốc lộ 22, đoạn qua quận 12, TPHCM

Góp ý về Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, cho biết, hiện nay, ranh dự án chưa ổn định, người dân không biết nhà mình có nằm trong khu vực giải tỏa hay không.

Do đó, ông Nguyễn Quốc Bảo kiến nghị cần sớm có ranh dự án để người dân biết, an tâm. Khi thực hiện dự án cần đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để người dân có thể ổn định cuộc sống, tránh tình trạng thời gian thi công dự án kéo dài, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Đồng tình với Dự án mở rộng Quốc lộ 1, bà Hà Ngọc Giao, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh đề nghị cơ quan chức năng thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết việc làm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân bị ảnh hưởng.

 Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm trao đổi tại hội nghị

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm trao đổi tại hội nghị

Đồng thời, giải quyết kịp thời những vướng mắc liên quan đến dự án, nhằm giúp cho cuộc sống của các hộ dân có dự án đi qua tốt hơn so với trước; để hộ dân thấy được sự quan tâm, động viên, khích lệ của Nhà nước, họ sẽ yên tâm và bàn giao mặt bằng.

Bà Giao cũng đề nghị triển khai dự án đảm bảo tiến độ, hạn chế ảnh hưởng các hộ dân còn lại dọc tuyến đường đi qua.

NGÔ BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kien-nghi-ap-gia-boi-thuong-phu-hop-khi-thuc-hien-5-du-an-bot-tai-tphcm-post774073.html