Kiến nghị cho phép giáo dục cơ sở đại học công lập được thành lập doanh nghiệp

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) thống nhất với việc cho phép các cơ sở đại học công lập được thành lập doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Về vấn đề xây dựng và quản lý Thủ đô, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ, nhất trí với kiến nghị cho phép các cơ sở đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn Hà Nội được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở đó. Tuy nhiên, nên có cân nhắc đối với công chức, viên chức nào được phân công, điều hành thành lập doanh nghiệp.

"Đây là vấn đề hết sức quan trọng, vì Luật Công chức, viên chức không cho công chức, viên chức được thành lập doanh nghiệp, song đặc thù của Luật Thủ đô thì được. Tôi nghĩ nên có cân nhắc đối với loại công chức, viên chức nào để tránh sự chồng chéo có thể dễ dẫn đến tiêu cực”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Việc mở rộng lĩnh vực HĐND thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn, do áp dụng trên địa bàn thành phố không phân biệt nội thành, ngoại thành. Cùng với đó, quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện đối với một số công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết. Đồng thời, xác định cụ thể điều kiện, phạm vi áp dụng của HĐND thành phố để thực hiện.

Bày tỏ nhất trí với nội dung trên, song đại biểu cho rằng HĐND thành phố phải có quy định chi tiết, cụ thể loại hình nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng và vi phạm sẽ ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. “Tôi đề nghị nên quan tâm hơn đối với lĩnh vực này để làm sao áp dụng cho đúng và không để cán bộ thuộc quyền sử dụng tùy tiện sẽ mất lòng đối với người dân” - đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Đối với vấn đề cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng trên 1.000ha, đất trồng lúa trên 500ha, đại biểu đề nghị cân nhắc lại, không nên cho phép chuyển mục đích rừng trên 1.000ha và đất lúa trên 500ha.

“Theo tôi chỉ cho phép từ 1.000ha đất rừng và 500ha đất lúa trở xuống, còn nếu trên nữa phải xin cấp thẩm quyền, như vậy tôi nghĩ sẽ phù hợp hơn”, đại biểu nhấn mạnh.

Tại Điều 21 khoản 6 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi bồi, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí địa lý, không gian văn hóa phù hợp quy hoạch. Đại biểu đề nghị, Hà Nội có cân nhắc đối với bãi sông, bãi bồi và bãi nổi sông Hồng, đây là vấn đề thuộc tự nhiên, song sẽ ảnh hưởng lớn tới dòng chảy.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kien-nghi-cho-phep-giao-duc-co-so-dai-hoc-cong-lap-duoc-thanh-lap-doanh-nghiep-669818.html