Trước giờ biểu quyết: Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 6 và Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, được các cơ quan hoàn thiện, tiếp thu chỉnh lý để trình Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 28/6 tới.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là bước quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết số 15, Nghị quyết số 06, Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Hà Nội sẽ đột phá mạnh mẽ, toàn diện

Thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Ngoài việc bảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh thì Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, có yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước.

Ngày 28/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ngày 28/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho Thành phố trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền Thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.

Quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cho thấy sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, cùng Hà Nội”. Các đại biểu Quốc hội mong muốn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của mình, cũng như của nhân dân cả nước vào những cơ chế cho Thủ đô phát triển.

“Xây dựng Luật Thủ đô phải tạo ra khả năng để thu hút được những điều kiện, những tinh túy của cả nước về Thủ đô, để tạo ra hình ảnh đại diện cho cả nước. Dự thảo Luật cơ bản đã hoàn thiện tốt, đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội, phải thực hiện các sứ mệnh để tạo ra bước phát triển vượt trội, bứt phá vượt trội”, ông Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho biết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tập trung tháo gỡ những hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải trong suốt thời gian qua, như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội... Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp Thành phố có thể khắc phục các bất cập hiện nay về cảnh quan, kiến thiết đô thị, giao thông, ô nhiễm môi trường.

Hà Nội sẽ trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ, trong đó, đã dành riêng Điều 21 cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. Đồng thời, ở Điều 39, 41, 43 có những chính sách đặc thù, ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa. Điều này thể hiện Hà Nội rất quan tâm đến các vấn đề văn hóa, mong muốn cụ thể hóa các điều khoản, tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển trong thực tiễn.

Đánh giá về những nội dung trong phát triển và đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh mà Hà Nội đang triển khai, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng phát triển văn hóa là chính sách trọng tâm, điểm nhấn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. Hà Nội đặc biệt quan tâm về văn hóa, nên khi xây dựng Dự Luật đã có những cơ chế, chính sách vượt trội để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.

Hà Nội là hình mẫu của sự hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Hà Nội là hình mẫu của sự hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trở lại thủ đô Hà Nội sau 22 năm, bà Simona-Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bày tỏ sự ngưỡng mộ trước sự chuyển mình và phát triển vượt bậc của Thủ đô Hà Nội.

“Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là hình mẫu của sự hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân. UNESCO luôn mong đợi được hợp tác với các đối tác như Hà Nội và tin tưởng rằng với sự nỗ lực từ hai bên, dự án bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long sẽ thành công tốt đẹp”, bà Simona-Mirela Miculescu nhận định.

Chủ động triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) ngay sau khi được thông qua

Tại Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Phó Bí thư thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, ngành của thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) ngay sau khi được Quốc hội thông qua; chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Luật Thủ đô (sửa đổi) có rất nhiều đột phá ở các lĩnh vực, sẽ tạo sức bật cho Hà Nội phát triển mạnh mẽ

Luật Thủ đô (sửa đổi) có rất nhiều đột phá ở các lĩnh vực, sẽ tạo sức bật cho Hà Nội phát triển mạnh mẽ

Bên lề nghị trường Quốc hội, các đại biểu nhận định dự án Luật đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, các đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất trách nhiệm.

Tới đây, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới cho Thủ đô của đất nước có trên 100 triệu dân. Dự án Luật sửa đổi lần này có rất nhiều đột phá ở các khía cạnh khác nhau về quy mô, nội dung đầu tư, chính sách thu hút nhằm nâng cấp, phát triển Hà Nội. Luật Thủ đô (sửa đổi) còn mang tính lan tỏa cho cả vùng xung quanh Thủ đô.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/truoc-gio-bieu-quyet-ha-noi-vi-ca-nuoc-cung-ca-nuoc-246171.htm