Kiến nghị có biện pháp, ngăn ngừa hiệu quả ma túy xâm nhập học đường
Bộ Công an trả lời cử tri kiến nghị về biện pháp, ngăn ngừa hiệu quả ma túy xâm nhập học đường.

Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng công tác phòng, chống ma túy còn bất cập, học sinh, sinh viên là những đối tượng dễ bị lôi kéo vào tệ nạn ma túy. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp, ngăn ngừa hiệu quả ma túy xâm nhập học đường.
Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Thời gian qua, lực lượng Công an cùng với các lực lượng chức năng đã chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống ma túy.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn còn có những diễn biến phức tạp; đặc biệt là tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa; trong đó, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên là những đối tượng dễ bị lôi kéo vào tệ nạn ma túy như cử tri phản ánh.
Để tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy xâm nhập học đường, Bộ Công an đã và đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030...
Trong đó đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” thuộc Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của thành viên nhà trường trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ trong và ngoài nhà trường; tuyên truyền sâu rộng, tạo ra phong trào rộng khắp phòng ngừa ma túy, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường.
Bên cạnh đó, Bộ Công an và Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành và triển khai Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BCA-BGDĐT ngày 28/8/2015 về hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục; đặc biệt là đã ký kết và triển khai Chương trình phối hợp số 03/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 22/01/2024 về tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 – 2030.
Trên cơ sở đó, hằng năm hai ngành tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp triển khai các chương trình, kế hoạch phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo về mức độ nguy hiểm, hậu quả tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức phòng ngừa chung; triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm, đối tượng mua bán, tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép chất ma túy, ngăn chặn ma túy xâm nhập vào thanh, thiếu niên và học đường...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
(1) Tiếp tục phối hợp hướng dẫn triển khai các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp giữa các cơ sở giáo dục, lực lượng Công an, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và gia đình trong công tác quản lý học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học 2025 - 2026; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội trong công tác phòng, chống ma túy; phát động phong trào cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động về phòng, chống ma túy do các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức.
(2) Tổ chức triển khai các nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy vào chương trình giáo dục trong trường học từ cấp tiểu học đến cao đẳng, đại học.
(3) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo phù hợp với từng cấp học; kết hợp tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút đông đảo học sinh, sinh viên; xây dựng và hình thành kỹ năng phòng tránh tệ nạn ma túy cho học sinh, sinh viên; nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy học đường.
(4) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ Đoàn, Hội về các nội dung phòng, chống ma túy, kỹ năng tuyên truyền và hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục.
(5) Tổ chức rà soát, phát hiện kịp thời các trường hợp học sinh, sinh viên nghiện ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở giáo dục để đề nghị áp dụng các biện pháp cai nghiện, thực hiện công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định.
(6) Thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong các quán bar, karaoke, vũ trường, các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại địa bàn nơi có sở, ngành đứng chân. Kịp thời phát hiện các hành vi mua bán các loại ma túy, nhất là ma túy “núp bóng” (thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy) xung quanh cơ sở giáo dục, trên không gian mạng, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Bộ Công an ghi nhận ý kiến cử tri; đồng thời đề nghị và mong muốn cử tri, nhân dân tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ các lực lượng chức năng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn ma túy, đặc biệt là phòng ngừa tệ nạn ma túy xâm nhập học đường, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.