Kiến nghị hỗ trợ tín dụng, chế biến sâu để vải thiều Bắc Giang bứt phá

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, nếu tổ chức tốt khâu tiêu thụ, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, EU..., thì với mức giá trung bình 2 USD/kg, vải thiều Bắc Giang hoàn toàn có thể đóng góp từ 500 – 600 triệu USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản quốc gia.

Doanh thu từ vải thiều mang lại cho người dân, doanh nghiệp và các dịch vụ phụ trợ trên địa bàn Bắc Giang ước đạt khoảng 6.000 – 7.000 tỉ đồng mỗi năm. Ảnh minh họa: Internet

Doanh thu từ vải thiều mang lại cho người dân, doanh nghiệp và các dịch vụ phụ trợ trên địa bàn Bắc Giang ước đạt khoảng 6.000 – 7.000 tỉ đồng mỗi năm. Ảnh minh họa: Internet

Chính sách khuyến khích đầu tư chế biến sâu

Theo báo cáo, hiện Bắc Giang có gần 30.000 ha trồng vải, với sản lượng dự kiến khoảng 165.000 – 170.000 tấn trong năm nay. Doanh thu từ vải thiều mang lại cho người dân, doanh nghiệp và các dịch vụ phụ trợ trên địa bàn ước đạt khoảng 6.000 – 7.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, với tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn và tỷ trọng xuất khẩu lớn, việc tiêu thụ hiệu quả và ổn định giá bán vẫn là một thách thức.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng trên 4% và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 70 tỷ USD vào năm 2025, sự đóng góp của các địa phương như Bắc Giang có vai trò rất quan trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh cho biết, năm nay sản lượng vải thiều ước đạt 165.000 tấn, tăng khoảng 8% so với năm trước. Chất lượng sản phẩm tiếp tục được cải thiện, nhiều vùng trồng đã đạt chuẩn xuất khẩu và được cấp chỉ dẫn địa lý.

Tuy nhiên, địa phương cũng nêu một số khó khăn nổi bật như: cần đánh giá lại chất lượng đất đai để có khuyến cáo phù hợp theo từng vùng trồng. Bắc Giang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét tăng cường hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến sâu nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường tươi sống và nâng cao giá trị sản phẩm.

“Ngoài ra, biến đổi khí hậu và sự bất ổn của thị trường xuất khẩu cũng là những thách thức lớn nên tỉnh Bắc Giang cũng mong muốn có cơ chế cảnh báo sớm và kênh thông tin minh bạch để người dân, doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh kiến nghị.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Thị Thu Hồng- Tổng Giám đốc Công ty AMEII Việt Nam cho biết, việc chế biến sâu nông sản không chỉ giúp tăng giá trị mà còn đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề xử lý chất thải và tận dụng phụ phẩm trong quá trình chế biến vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Theo bà Ngô Thị Thu Hồng, giá xăng và các chính sách quản lý nhà nước, đặc biệt là quy định về giá sàn xuất khẩu, đang tác động trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp. Bà kiến nghị cần có cơ chế linh hoạt hơn để doanh nghiệp có thể chủ động thích ứng với biến động thị trường.

Với vai trò là doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp, AMEII Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng với sự đồng hành từ Nhà nước và hiệp hội, nông sản hữu cơ Việt Nam sẽ ngày càng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu

Còn theo ông Nguyễn Tất Hưng- đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Toàn cầu, người tiêu dùng chưa phân biệt rõ giữa sản phẩm sạch và hữu cơ, dẫn đến sức mua thấp. Trong khi đó, sản xuất hữu cơ cho năng suất thấp, phụ phẩm chưa được tận dụng hiệu quả và đầu ra bấp bênh. Do đó, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Toàn cầu đề xuất các giải pháp như xây dựng thị trường nội địa minh bạch, kết nối tiêu thụ phụ phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời đề nghị chính quyền hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống phân phối và thiết lập giá sàn.

Từ các ý kiến và giải pháp đề xuất nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, trước hết cần quản lý sản xuất chặt chẽ, gắn với giám sát chất lượng. Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải theo sát diễn biến thời tiết, sâu bệnh để chỉ đạo kịp thời. Vùng trồng, cơ sở chế biến cần kiểm soát nghiêm ngặt theo mã số, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, không được lơi lỏng việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật – yếu tố tiên quyết để vải thiều bước ra thị trường quốc tế.

Cùng với đó, tổ chức tiêu thụ cần linh hoạt, sát thực tế. Các kịch bản tiêu thụ phải được cập nhật thường xuyên, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua tại vườn. Song song, mở rộng hệ thống phân phối từ siêu thị, chợ đầu mối đến thương mại điện tử để không bỏ lỡ cơ hội tiêu thụ nào.

Đánh giá Logistics và bảo quản sau thu hoạch được xem là “hạ tầng mềm” quyết định sức cạnh tranh của trái vải. Do đó, Bộ trưởng đề nghị cần phối hợp doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, trung tâm sơ chế tại chỗ, giảm tổn thất và kéo dài thời gian bảo quản.

Về lâu dài, chế biến sâu và mở rộng xuất khẩu là hướng đi tất yếu. Do đó, Bộ trưởng cho rằng đầu tư vào chiếu xạ, sơ chế và công nghệ bảo quản hiện đại sẽ giúp vải thiều không chỉ xuất hiện trong vài tuần ngắn ngủi, mà trở thành sản phẩm thương mại quanh năm, vào được những thị trường cao cấp.

"Cần tái cơ cấu vùng nguyên liệu, điều chỉnh mùa vụ hợp lý và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xanh. Đồng thời, ký kết hợp tác chiến lược để phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Xuân Thảo

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kien-nghi-ho-tro-tin-dung-che-bien-sau-de-vai-thieu-bac-giang-but-pha.html