Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ, và trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp

Ngày 13/5, giải trình tại hội trường về Dự thảo Luật quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, quá trình chỉnh lý dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã nỗ lực tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời cập nhật kịp thời, đầy đủ các định hướng, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Văn Thắng

Dự thảo luật được rà soát để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi Luật số 69/2014/QH13, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo kế thừa các quy định đã áp dụng ổn định và còn phù hợp từ Luật 69, đồng thời sửa đổi, bổ sung các nội dung mới để giải quyết những bất cập trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu quản lý vốn nhà nước trong giai đoạn tới.

Một thay đổi căn bản của dự thảo luật lần này là Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ, và trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp, bình đẳng với các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu Luật 69 hiện hành tập trung quản lý doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, thì dự thảo luật sửa đổi chỉ quản lý phần vốn nhà nước tham gia vào doanh nghiệp. Điều này giải đáp ý kiến của một số đại biểu về việc liệu Nhà nước có cần quản lý cả tài sản công hay không. Khi Nhà nước góp vốn, phần vốn đó hình thành tài sản của doanh nghiệp, và Nhà nước thực hiện quyền của mình thông qua cổ phần hoặc phần vốn góp. Do đó, cần tôn trọng tính pháp nhân độc lập của doanh nghiệp, không xem tài sản doanh nghiệp như tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước.

Thứ hai, về nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình, dự thảo luật quy định doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác, và cạnh tranh theo pháp luật. Các vấn đề cụ thể được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của xã hội. Dự thảo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển doanh nghiệp.

Thứ ba, về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, dự thảo luật phân cấp mạnh mẽ cho Hội đồng thành viên và Chủ tịch HĐQT công ty, chịu trách nhiệm về huy động vốn, bảo tồn và phát triển vốn nhà nước. Họ được quyền ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch kinh doanh hàng năm, quyết định đầu tư, chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng. Dự thảo bổ sung quy định về cho công ty con vay vốn, xử lý lợi nhuận sau thuế đối với chi phí đầu tư thất bại hoặc chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của Chính phủ, nâng mức trích tối đa vào Quỹ đầu tư phát triển, hoàn thiện quy định về chuyển nhượng vốn đầu tư, thuê, cho thuê, thuê mua, thế chấp, cầm cố tài sản, bán tài sản cố định, và chuyển nhượng dự án đầu tư.

Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, dự thảo phân cấp cho người đại diện phần vốn nhà nước quyết định nhiều nội dung theo thẩm quyền, chỉ báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia biểu quyết tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, hoặc Hội đồng thành viên về các nội dung quan trọng.

Thứ tư, về giám sát, kiểm tra, thanh tra và đánh giá hiệu quả hoạt động, nhiều đại biểu băn khoăn rằng dự thảo không đề cập cụ thể đến thanh tra, kiểm tra, lo ngại nguy cơ thất thoát vốn. Bộ trưởng cho biết, cùng với việc phân cấp và trao quyền tự chủ, dự thảo bổ sung quy định Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và cơ quan đại diện chủ sở hữu, giải trình các nội dung liên quan theo yêu cầu. Họ không được tiếp tục làm người đại diện nếu không thực hiện đúng nhiệm vụ, bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc có dấu hiệu bất thường ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Dự thảo quy định kết quả đánh giá, xếp loại doanh nghiệp và người đại diện là cơ sở để xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, hoặc chấm dứt hợp đồng với thành viên Hội đồng thành viên, người đại diện, kiểm soát viên. Kết quả này cũng là cơ sở để trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi và khen thưởng người quản lý, người lao động theo quy định. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các luật khác, như Luật Doanh nghiệp. Sắp tới, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp sẽ đồng bộ với dự thảo này để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và được kiểm soát chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm toán vẫn được thực hiện theo các quy định hiện hành, với trọng tâm là hậu kiểm, tăng cường tự chủ nhưng siết chặt trách nhiệm giải trình.

Về chuyển nhượng dự án đầu tư, Bộ trưởng cho biết, Luật 69 đã quy định chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp niêm yết trên sàn theo phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, hoặc thỏa thuận đối với doanh nghiệp chưa niêm yết. Dự thảo luật tiếp tục kế thừa các quy định này, được cụ thể hóa tại Điều 24 và sẽ được hướng dẫn chi tiết trong nghị định. Về tiền lương, thù lao, tiền thưởng, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đưa các khoản này vào chi phí hợp lý, hợp lệ, được quy định tại Điều 24. Về chế tài đối với doanh nghiệp công khai thông tin chậm hoặc không nghiêm túc, dự thảo đã quy định chặt chẽ tại Điều 51 và Điều 53, với hướng dẫn chi tiết trong nghị định.

Về quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% và vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Bộ trưởng co biết, đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm dưới 50% vốn, vai trò của Nhà nước là nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Người đại diện phần vốn nhà nước theo dõi, đánh giá hiệu quả, tiếp tục góp vốn nếu doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, hoặc thoái vốn nếu không hiệu quả. Nhiều quốc gia, như Singapore với Tập đoàn Temasek, đã thành công khi tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp lớn, mang lại nguồn lợi đáng kể. Tại Việt Nam, nếu CMSC cân nhắc góp vốn vào các doanh nghiệp hiệu quả sẽ giúp tăng thu ngân sách. Vai trò của CMSC và Bộ Tài chính là hỗ trợ, giám sát, và đảm bảo hiệu quả quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp này.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nha-nuoc-thuc-hien-quyen-nghia-vu-va-trach-nhiem-tuong-ung-voi-ty-le-so-huu-von-gop-tai-doanh-nghiep-164104.html