Kiến nghị không đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB
Đối với đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định này.
Vẫn chưa đủ cơ sở để đánh giá
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, các đại biểu sẽ thảo luận tại về dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) vào sáng ngày 27-11. Nội dung thảo luận chính đối với dự án luật này là lộ trình tăng thuế TTĐB với một số mặt hàng như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá. Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, việc điều chỉnh thuế cần hài hòa giữa lợi ích của “bộ 3 nhà” gồm: nhà quản lý, nhà sản xuất (d0anh nghiệp và nhà tiêu dùng (người dân).
Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, ban soạn thảo dự án Luật nên xem xét lại một cách toàn diện về đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Vì hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như người tiêu dùng.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung dẫn chứng về tác động sức khỏe, cơ quan soạn thảo đã đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động những số liệu về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng nhanh trong 10 năm qua. Tuy nhiên, cần xem xét cả bối cảnh tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em, đặc biệt ở miền núi nước ta cũng vẫn còn rất cao.
Theo số liệu tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2019-2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6% (cao hơn cả tỷ lệ thừa cân, béo phì) và có sự chênh lệch rất đáng kể giữa các vùng miền nhất là giữa miền núi, nông thôn với thành thị.
Dẫn chứng, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng, nhẹ cân nhiều hơn gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh. Việc tăng thuế đối với nước giải khát có đường có thể sẽ không làm trẻ em ở khu vực thành thị giảm tiêu thụ sản phẩm này vì sự chênh lệch về giá thành trước và sau khi áp thuế so với thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị là không đáng kể. Thế nhưng, đối với khu vực vùng sâu, vùng xa hay ở khu vực dân tộc thiểu số, việc tăng giá dù không đáng kể cũng sẽ khiến cho trẻ em ở đây khó tiếp cận các mặt hàng này hơn.
Về kinh nghiệm quốc tế, theo báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo, hiện nay đã có ít nhất 107 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. Tuy nhiên, một báo cáo của WHO phát hành ngày 5-12-2023 cho thấy, một nửa trong số các quốc gia này cũng áp thuế TTĐB đối với cả nước uống, mặc dù nước uống là mặt hàng được WHO khuyến khích tiêu dùng.
Vì vậy, WHO cho rằng không phải quốc gia nào cũng áp dụng chính sách thuế này vì mục đích sức khỏe mà chỉ đơn thuần là đưa tất cả các loại đồ uống vào diện chịu thuế.
Do vậy, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng cần nghiên cứu thêm đối với nội dung này để từ đó đề xuất các biện pháp kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác cho phù hợp.
Bên cạnh đó, công cụ thuế này không hiệu quả trong việc làm thay đổi hành vì người tiêu dùng, đặc biệt là khi các đối tượng tiêu dùng mặt hàng nước giải khát có đường phần lớn là trẻ em. Các cơ quan nên tập trung vào các biện pháp tuyên truyền và giáo dục trong gia đình và trường học để các em thay đổi nhận thức và từ đó thay đổi hành vi tiêu dùng.
Tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp
Trong khi đó, theo đại biểu Dương Minh Ánh, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu áp dụng mức thuế TTĐB 10% với mặt hàng này, năm đầu tiên sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng nhưng ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2.152 tỷ đồng.
Những năm tiếp theo thu ngân sách từ thuế gián thu và trực thu đều sụt giảm. Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở những chu kỳ sau. Ngoài ra, áp dụng chính sách này còn ảnh hưởng đến 25 ngành trong nền kinh tế.
Do đó, cần phải có cơ sở để chứng minh được việc áp dụng chính sách thuế TTĐB với mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng 5g/100ml có thể thay đổi hành vi người tiêu dùng và đạt được hiệu quả cho việc giảm tỷ lệ người thừa cân béo phì so với những sản phẩm có đường khác.
Đại biểu Dương Minh Ánh cũng đặt ra trường hợp với mục tiêu tăng thuế nhằm hạn chế người tiêu dùng không dùng sản phẩm nước ngọt có đường gây thừa cân béo phì nhưng có thể làm gia tăng việc người sử dụng các mặt hàng đồ uống sản xuất không chính thức hoặc sản phẩm sản xuất thủ công.
Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển đổi sang các sản phẩm đồ uống ít đường hàm lượng dưới 5g nhưng vẫn có độ ngọt sẽ không phải chịu thuế. Như vậy nếu việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp trong nước vô hình chung tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
Với những phân tích nêu trên, đại biểu Dương Minh Ánh đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường.