Kiến nghị không truy thu thuế trước thời điểm chuyển sang phương pháp kê khai
Nghị định 70/2025/NĐ-CP (NĐ70) được đánh giá là bước tiến quan trọng trong quá trình minh bạch và hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế.
Việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch trong giao dịch, mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, giảm thất thu ngân sách, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ chính sách cải cách lớn nào, quá trình triển khai ban đầu của Nghị định 70 đã bộc lộ nhiều vướng mắc và lúng túng, đặc biệt với nhóm hộ kinh doanh nhỏ vốn chưa từng tiếp cận với công nghệ số hay quy trình kê khai thuế chuẩn hóa. Trước thực tế đó, VCCI đã chủ động thực hiện khảo sát diện rộng và tổ chức Hội thảo tham vấn về kết quả điều tra hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn, chứng từ tại NĐ70, nhằm ghi nhận đầy đủ hơn những khó khăn từ phía hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ - những chủ thể trực tiếp chịu tác động từ chính sách.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Việc chuyển đổi từ phương pháp thuế khoán sang kê khai và áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền là bước thay đổi căn bản đối với hộ kinh doanh cá thể - nhóm đối tượng vốn chưa từng tiếp cận công nghệ số hóa hay quy trình kê khai thuế phức tạp. Trong giai đoạn đầu triển khai, phần lớn hộ kinh doanh vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, làm quen với phần mềm, thiết bị và quy trình mới. Trong khi đó, hướng dẫn từ cơ quan thuế tại các địa phương chưa thống nhất, dẫn đến không ít trường hợp lúng túng, sai sót không chủ đích trong thực hiện.
Dữ liệu từ khảo sát cũng cho thấy 68% hộ không hiểu rõ cách sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, 69% chưa từng được tập huấn hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ cơ quan thuế, 77% cảm thấy lo lắng trước nguy cơ bị xử phạt vì thiếu sót kỹ thuật. Khi thông tin chưa được phổ biến đầy đủ, nền tảng công nghệ chưa được chuẩn hóa đồng bộ, và hướng dẫn triển khai còn thiếu nhất quán thì việc người kinh doanh lo ngại và phản ứng thận trọng là điều hoàn toàn có thể dự đoán.
Trong bối cảnh đó, lựa chọn tạm ngừng hoạt động lại trở thành phương án an toàn của nhiều hộ kinh doanh, đặc biệt là nhóm tiểu thương, hộ kinh doanh không có nghiệp vụ kế toán và ít khả năng tiếp cận thông tin chính sách kịp thời.
Vì vậy, việc không xử phạt hành chính trong giai đoạn từ 01/6 đến 31/12/2025 cần được xem xét là một giải pháp thiết thực. Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để các chủ thể liên quan tiếp cận và làm quen với hệ thống mới, đồng thời cũng tạo điều kiện để cơ quan quản lý kịp thời hoàn thiện các hướng dẫn, chuẩn hóa phần mềm và tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật phát sinh.
Nỗi lo của hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ không chỉ dừng ở các rủi ro phát sinh sau khi Nghị định 70 có hiệu lực, mà còn kéo dài đến cả những giao dịch đã diễn ra trong quá khứ. Việc chuyển từ hình thức thuế khoán sang kê khai - dù hợp lý về mặt quản lý - lại đang khiến nhiều hộ kinh doanh lo ngại khả năng bị truy thu hoặc xử phạt cho các giai đoạn chưa từng được hướng dẫn ghi sổ sách, không có hóa đơn đầu vào và cũng chưa có cơ chế hỗ trợ chuyển tiếp rõ ràng.
Do đó, tại hội thảo, VCCI và các doanh nghiệp cũng đưa ra kiến nghị không nên hồi tố nghĩa vụ thuế, không truy thu và không xử phạt đối với các giao dịch trước thời điểm hộ kinh doanh chính thức chuyển sang phương pháp kê khai. Chính sách không hồi tố sẽ tạo điều kiện để hộ kinh doanh yên tâm thực hiện chuyển đổi, hợp thức hóa hoạt động và đồng hành cùng cơ quan thuế trong việc nâng cao tính tuân thủ. Đồng thời, giải pháp này còn giúp cơ quan thuế giảm tải áp lực kiểm tra - truy thu quá khứ, để tập trung nguồn lực hỗ trợ thực hiện chính sách hiện hành một cách hiệu quả và bền vững.

Đại biểu tham dự kiến nghị tại Hội thảo
Nghị định 70 yêu cầu trên hóa đơn điện tử phải có mã số thuế hoặc số định danh cá nhân của người mua, trừ trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua không kinh doanh. Quy định này dẫn đến khó khăn cho các hộ kinh doanh, vì trên thực tế nhiều khách hàng đến mua hàng mà hộ kinh doanh không thể xác định được họ là cá nhân tiêu dùng hay cá nhân kinh doanh. Trong trường hợp người mua không cung cấp thông tin, người bán cũng không có quyền yêu cầu bắt buộc, dẫn đến rủi ro hộ kinh doanh có thể bị cơ quan quản lý nhà nước đánh giá là có hành vi vi phạm quy định về hóa đơn. Trách nhiệm của người bán nên được coi là hoàn tất khi họ đã xuất hóa đơn đầy đủ cho các giao dịch bán hàng của mình cho dù các hóa đơn đó có đầy đủ thông tin người mua hay không. Vì vậy, việc sớm ban hành hướng dẫn cho phép người bán ghi rõ “Người mua không cung cấp thông tin” trong các trường hợp giao dịch khi người mua không cung cấp thông tin như mã số thuế hoặc số định danh cá nhân là cần thiết để đảm bảo tính khả thi trong vận hành, đồng thời góp phần chuẩn hóa cơ sở pháp lý giữa các mắt xích khác nhau trong chuỗi cung ứng
Việc yêu cầu hóa đơn phải có đầy đủ mọi thông tin của người mua không chỉ khiến giao dịch bị gián đoạn ở khâu xuất hóa đơn dẫn tới tình trạng ách tắc dòng hàng gián tiếp làm gián đoạn chuỗi cung ứng hợp pháp, mà còn kéo theo rủi ro trong giai đoạn hậu kiểm. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh dù đã lập hóa đơn đầy đủ, kê khai chính xác và thực hiện nghĩa vụ thuế vẫn có thể bị đặt vào diện kiểm tra nếu không truy xuất được danh tính người mua. Nếu nghĩa vụ kê khai và nộp thuế đã được hoàn thành bởi người bán, thì việc hậu kiểm không nên trở thành cơ sở để quy kết vi phạm, trừ khi có dấu hiệu cố ý sai phạm rõ ràng.
Bên cạnh các kiến nghị chính trên, tại Hội thảo tham vấn về kết quả điều tra hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn, chứng từ tại NĐ70, VCCI cũng đề xuất một số bổ sung như cần có phương án hỗ trợ tài chính bước đầu để hộ kinh doanh đầu tư máy móc, phần mềm và kết nối hệ thống hóa đơn.
Nghị định 70/2025/NĐ-CP là bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy minh bạch hóa giao dịch, hiện đại hóa quản lý thuế và xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, có kỷ cương. Tuy nhiên, trong bất kỳ tiến trình cải cách nào, khả năng thực thi trên thực tế luôn là yếu tố quyết định. Chỉ khi chính sách trở nên khả thi, người nộp thuế mới có thể an tâm thực hiện, và cơ quan quản lý mới có thể thực thi hiệu quả.