Kiến nghị ưu tiên phát triển nhà ở xã hội cho người lao động sau sáp nhập địa giới hành chính

Cử tri tỉnh Hưng Yên đã kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo triển khai và ưu tiên các dự án nhà ở xã hội dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải chuyển đổi nơi làm việc sau khi thực hiện sáp nhập các tỉnh, thành phố theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Kiến nghị nêu trên được gửi đến Bộ Xây dựng trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trong bối cảnh Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra chủ trương sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.

Phản hồi đề xuất của cử tri, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 29/5/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 201/2025/QH15 về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Nghị quyết này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2025.

Theo nội dung Nghị quyết, một loạt chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội sẽ được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải di dời nơi công tác do việc sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể: UBND cấp tỉnh được giao quyền quy định chi tiết, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, về việc hỗ trợ nhà ở xã hội cho các trường hợp có nhà ở cá nhân nhưng ở xa nơi làm việc sau khi sáp nhập.

Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được phép thuê nhà ở xã hội từ chủ đầu tư dự án để bố trí chỗ ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Trong trường hợp các cơ quan này thuê nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, sẽ được bố trí kinh phí thuê theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, có chức năng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đi kèm.

Quỹ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập nguồn cung nhà ở xã hội để cho thuê, đặc biệt cho nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng từ quá trình tái cơ cấu địa giới hành chính.

Trước đó, ngày 27/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 444/QĐ-TTg, giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các nhóm đối tượng chính sách.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định điều chỉnh giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội đến năm 2030, nhằm đảm bảo các địa phương sau sáp nhập tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đồng bộ các dự án nhà ở xã hội.

Theo kế hoạch được Quốc hội thông qua, tỉnh Hưng Yên sẽ hợp nhất với tỉnh Thái Bình để hình thành tỉnh Hưng Yên mới, có diện tích khoảng 2.500 km² và dân số trên 3,5 triệu người. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sẽ đặt tại địa điểm hiện nay thuộc tỉnh Hưng Yên.

Việc sáp nhập được kỳ vọng sẽ góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, tiết kiệm chi phí quản lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách thể chế và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế có thể kéo theo nhiều thay đổi về tổ chức nhân sự, địa điểm công tác, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc bố trí nơi làm việc và nơi ở phù hợp cho đội ngũ cán bộ và người lao động.

Đ.T

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/kien-nghi-uu-tien-phat-trien-nha-o-xa-hoi-cho-nguoi-lao-dong-sau-sap-nhap-dia-gioi-hanh-chinh-320002.html