Kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật lao động

Tính đến ngày 23/6/2023, Cà Mau có 4.763 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 4 công ty, đơn vị 100% vốn Nhà nước; 2 đơn vị Nhà nước sở hữu trên 51% vốn, còn lại là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, về quy mô, chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm trên 90%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp và 1 khu chế xuất.

Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên 74.391 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, chiếm khoảng 89%/tổng số lao động đang sử dụng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bộ luật Lao động năm 2019 được ban hành với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, điều chỉnh quan hệ lao động và các quan hệ khác có liên quan. Việc thực hiện pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp và người lao động nhằm cải thiện môi trường lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động.

Ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau, thông tin, với nhiệm vụ được giao, đơn vị đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các quy định về lao động, tiền lương và quan hệ lao động cho người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh bằng nhiều thức phù hợp, như tổ chức tập huấn tại doanh nghiệp, tuyên truyền trên báo Cà Mau, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử... nhằm giúp doanh nghiệp cũng như người sử dụng lao động, người lao động thực hiện đúng các quy định pháp luật về lao động, tiền lương và quan hệ lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Theo đánh giá của Sở LÐ-TB&XH, thời gian qua việc chấp hành pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp chuyển biến tích cực, đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động. (Ảnh chụp tại tại Công ty Cổ phần Camimex, Phường 8, TP Cà Mau). Ảnh: VĂN ÐUM

Theo đánh giá của Sở LÐ-TB&XH, thời gian qua việc chấp hành pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp chuyển biến tích cực, đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động. (Ảnh chụp tại tại Công ty Cổ phần Camimex, Phường 8, TP Cà Mau). Ảnh: VĂN ÐUM

Sở LÐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 918/QÐ-UBND ngày 23/5/2023 về phê duyệt kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên giám sát, nắm tình hình về lao động, việc làm tại các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động) để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động. Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thành lập, đăng ký thành lập, hỗ trợ đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức công đoàn các cấp, đặc biệt ở công đoàn cơ sở doanh nghiệp để thực hiện tốt chức năng đại diện trong đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.

Cùng với đó, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để giúp doanh nghiệp khắc phục những thiếu sót, vi phạm của doanh nghiệp trong việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn...

Năm 2022, thanh tra theo kế hoạch về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động đối với 7 doanh nghiệp. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã và đang thực hiện thanh tra theo kế hoạch về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động đối với 8 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thực tế việc thực thi pháp luật lao động tại các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn ghi nhận những tồn tại, hạn chế gì, ông có thể cho biết thêm?

Ông Từ Hoàng Ân: Ðặc thù các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 90%/tổng số doanh nghiệp. Doanh nghiệp rải rác các huyện, kinh doanh ngành nghề thu mua thủy sản và hoạt động dịch vụ, thương mại... sử dụng lao động dưới 10 người, chủ yếu là người thân gia đình, nên việc tiếp cận thông tin tuyên truyền pháp luật còn hạn chế.

Cùng với đó, hình thức và nội dung tuyên truyền pháp luật lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa phong phú, tần suất phát chưa thường xuyên. Việc tổ chức các lớp tuyên truyền trực tiếp về pháp luật lao động ở một vài địa phương còn ít, chỉ thực hiện một số nội dung mang tính chuyên đề. Vì vậy, chưa tuyên truyền đầy đủ các nội dung của pháp luật lao động.

Thực tế cũng ghi nhận, một số địa phương trong tỉnh còn thiếu chủ động trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền pháp luật. Việc phân cấp ủy quyền đã chuyển giao cho các đơn vị địa phương thực hiện quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, doanh nghiệp rải rác, đều khắp trên địa bàn, quy mô đầu tư nhỏ và vừa, sử dụng lao động ít, dẫn đến từng lúc người sử dụng lao động chưa thật sự quan tâm đến tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động cho người lao động.

- Ðể thực thi pháp luật về lao động trong doanh nghiệp đạt hiệu quả, theo ông việc cần làm là gì?

Ông Từ Hoàng Ân: Ðể thực hiện tốt pháp luật lao động tại doanh nghiệp, Sở LÐ-TB&XH tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tại các doanh nhiệp cho công nhân lao động; nhất là ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước về vị trí, vai trò của công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các bên của quan hệ lao động cần tuân thủ nội quy lao động, phải công nhận quyền lợi của nhau, nâng cao ý thức lao động cho người lao động, khuyến khích sự hợp tác tích cực giữa doanh nghiệp, người lao động, các bên có quyền lợi liên quan trong việc tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp và môi trường làm việc.

Song song đó, người lao động và người sử dụng lao động cần quan tâm quyền của các bên được pháp luật quy định; cần xây dựng cơ chế để nâng cao hiệu quả tham gia của người lao động, người lao động phải được tiếp cận thông tin phù hợp, đầy đủ, đáng tin cậy một cách kịp thời và thường xuyên. Chú trọng chính sách đào tạo, đào tạo lại, tạo điều kiện cho công nhân tự học hỏi, luôn có tư tưởng cầu tiến để không ngừng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp, nâng cao thu nhập, tự khẳng định năng lực để thăng tiến và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.

Một phần việc quan trọng nữa là, cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chính sách, pháp luật ở các doanh nghiệp, nhất là ở khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, khu vực doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động. Kiên quyết xử lý các vi phạm về pháp luật lao động, như vi phạm hợp đồng lao động; chính sách hỗ trợ, trợ cấp, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; cải thiện điều kiện làm việc, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân...

- Xin cảm ơn ông!

Văn Ðum thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/kien-quyet-xu-ly-vi-pham-phap-luat-lao-dong-a28536.html