Kiện tụng triền miên, khối tài sản của gia đình Cường đô la có vơi bớt?
Kinh doanh thiếu yếu tố ổn định, vướng lùm xùm kiện tụng , liệu khối tài sản của gia đình Cường Đô la có bị ảnh hưởng?
Loay hoay trong “vòng xoáy” kiện tụng
Khởi đầu là xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCGL, mã: QCG) sau hơn 20 năm hoạt động dưới sự “chèo lái” của doanh nhân Nguyễn Thị Như Loan (mẹ ông Nguyễn Quốc Cường), tới nay đã trở thành cái tên quen thuộc trong giới bất động sản phía Nam.
Quốc Cường Gia Lai là một doanh nghiệp đa ngành hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, cao su, thủy điện, gỗ và xây dựng, trong khi lĩnh vực chính của công ty trước đây chỉ là khai thác chế biến gỗ xuất khẩu và nông - lâm sản.
Sau thương vụ hợp tác với xí nghiệp Tư doanh Hoàng Anh để thành lập công ty TNHH xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh vào năm 2005, doanh nghiệp này mới chính thức “lấn sân” sang kinh doanh bất động sản. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng đưa bất động sản thành mảng kinh doanh chủ lực của Quốc Cường Gia Lai.
Sau khi chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản, doanh thu của công ty CP Quốc Cường Gia Lai có thay đổi tích cực. Tuy nhiên, nhiều dự án nhà ở của QCG vẫn còn đang dở dang, thậm chí vướng mắc vi phạm và kiện tụng.
Một trong những vấn đề mang tính “sống còn” của QCG hiện nay chính là khoản nợ đối tác CTCP Đầu tư Sunny Island gần 2.900 tỷ đồng và vụ kiện với chính doanh nghiệp này. Theo đó, vào giữa tháng 1 vừa qua, Quốc Cường Gia Lai đã có thông báo về việc khởi kiện tập đoàn Sunny Island ra trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam về vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng tại dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Được biết, dự án Phước Kiển đã được UBND TP HCM chấp thuận đầu tư từ năm 2017 và quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của dự án cũng đã được phê duyệt từ tháng 4/2017. Đại diện Quốc Cường Gia Lai cho biết, do bất cập của các chính sách mà công ty mất hơn 3 năm cũng chưa làm xong thủ tục, bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh,...
Hiện dự án Phước Kiến vẫn đang bị "đóng băng" vì vụ kiện Sunny chưa có kết quả.
Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm, mất cân đối dòng tiền
Dự án dang dở cùng vụ kiện tụng chưa có hồi kết ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai.
Kết thúc năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.867 tỷ đồng, bằng 218% cùng kỳ năm 2019. Lãnh đạo công ty cho biết, lượng nhà bàn giao trong năm 2020 tăng mạnh là nguyên nhân khiến doanh thu tăng đột biến, kéo theo đó là mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 40%, đạt 82 tỷ đồng.
Tuy con số tăng trưởng là vậy, nhưng tình hình tài chính của doanh nghiệp vẫn đáng báo động khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn âm gần 53 tỷ đồng.
Sang đến quý I/2021, QCG ghi nhận doanh thu tăng trưởng 326% so với cùng kỳ, đạt 347 tỷ đồng. Song, các khoản chi phí hoạt động của doanh nghiệp cũng tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ. Kết thúc quý I, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ còn 19,3 tỷ đồng, trong khi cùng giai đoạn năm trước đạt 30,3 tỷ đồng (giảm 36%).
Đáng chú ý, khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp trong 2 năm trở lại đây luôn ở mức thấp so với những năm trước, chỉ dao động trong khoảng 20 - 40 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2021, tài sản của QCG giảm nhẹ so với hồi đầu năm, đạt 10.048 tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản ngắn hạn khá lớn trong cán cân so sánh với nợ ngắn hạn, lần lượt là 7.727 tỷ đồng và 5.790 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lớn tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp này là hàng bất động sản tồn kho, có giá trị lên tới 7.122 tỷ đồng, chiểm 92% tài sản ngắn hạn và 71% tổng tài sản của công ty. Đặc biệt, chiếm phần lớn trong giá trị tồn kho là các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng tại các dự án của doanh nghiệp.
Tính đến 31/3/2021, khoản phải trả ngắn hạn khác ghi nhận 4.791 tỷ đồng, tới từ 2.882 tỷ đồng tiền nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển và 1.234 tỷ đồng tiền mượn của các bên liên quan.
Tài sản của gia đình Cường "đô la” có bị ảnh hưởng?
Những lùm xùm xoay quanh vụ kiện tụng cùng với kết quả kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ là một trong những nguyên nhân tác động đến giá cổ phiếu QCG.
Trước đó, vào năm 2017, cổ phiếu QCG đã có một nhịp tăng mạnh từ vùng giá 4.400 đồng/cổ phiếu lên gần 28.000 đồng/cổ phiếu nhờ vào việc doanh nghiệp kỳ vọng sẽ triển khai được dự án Phước Kiển khi có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và được phê duyệt triển khai.
Tuy nhiên, sau đó gặp khó khăn về pháp lý, dự án Phước Kiển đã không thể triển khai và cổ phiếu QCG bắt đầu lao dốc trở lại. Đỉnh điểm, tháng 2/2020 cổ phiếu QCG “tuột dốc không phanh” khi chỉ còn 3.570 đồng/ cổ phiếu (ngày 24/02).
Sang đến tháng 3/2020, cổ phiếu nhà Cường đô la “lội ngược dòng” tăng trưởng ngoạn mục trước sự ngỡ ngàng của các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu này tăng từ mức 3.570 đồng (ngày 24/02) đến 10.020 đồng (18/3), tức tăng gấp 3 lần chỉ sau 3 tuần.
Lý giải cho sự tăng trưởng đột biến này, nhiều người dự đoán rằng các nhà đầu tư kỳ vọng TP.HCM sẽ giúp Quốc Cường Gia Lai tháo gỡ vướng mắc cho các dự án Phước Kiển hoặc 1 trong các dự án của QCG để doanh nghiệp có thể chuyển nhượng cho đối tác thu dòng tiền về hoặc ghi nhận doanh thu lợi nhuận.
Trong 3 tháng gần đây, cổ phiếu QCG không có nhiều biến động, dao động trong khoảng 7.000 - 10.400 đồng trên mỗi cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch ngày 6/5, thị giá của QCG là 8.180 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 56% giá trị so với thời điểm tháng 2 năm ngoái.
Với đà tăng thị giá cổ phiếu của công ty bất động sản phố núi này trong 1 năm trở lại đây, khối tài sản trên sàn chứng khoán của các thành viên trong gia đình Cường “đô la” cũng tăng mạnh.
Sau hơn một năm, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của mẹ Cường Đô la – bà Nguyễn Thị Như Loan tăng thêm 470 tỷ đồng, nâng tổng giá trị tài sản của bà lên 834 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Như Loan hiện là Tổng Giám đốc tại QCG và là cổ đông lớn nhất của công ty này khi nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu (37,05%).
Con gái bà Nguyễn Thị Như Loan là bà Nguyễn Ngọc Huyền My hiện là cổ đông lớn thứ 2 của công ty khi nắm giữ 39,3 triệu cổ phiếu (14,32%). Đà tăng của cổ phiếu QCG trong hơn 1 năm qua cũng giúp bà My gia tăng thêm hơn 181 tỷ đồng, tổng tài sản trên sàn chứng khoán bà đang nắm giữ là 321 tỷ đồng.
Ngoài ra, với 537.500 cổ phiếu (0,2%) trong tay, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường cũng được gia tăng giá trị tài sản gần 2,5 tỷ đồng trong hơn 1 năm qua. Hiện, giá trị tài sản trên số cổ phiếu QCG mà ông nắm giữ là gần 4,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (em gái bà Loan) hiện cũng nắm giữ 9,67 triệu cổ phần của QCG, chiếm 3,52% vốn công ty. Số lượng cổ phần này có giá trị tương ứng gần 79 tỷ đồng.