Kinh doanh cửa hàng thời trang gặp khó vì mùa đông đến muộn

Mùa đông tới muộn gây ảnh hưởng nặng nề tới đến ngành kinh doanh thời trang mùa lạnh tại miền Bắc. Trong bối cảnh thời tiết ấm áp kéo dài, các cửa hàng thời trang chuyên đồ đông đứng trước bài toán khó khi lượng khách hàng sụt giảm, doanh thu tụt dốc và hàng hóa tồn kho ngày càng nhiều.

Sức mua giảm mạnh, kinh doanh thời trang gặp khó

Dù đã tới gần giữa tháng 11 nhưng thời tiết vẫn nóng bất thường, không khí lạnh chưa xuất hiện khiến nhiều cho nhiều cửa hàng thời trang chuyên về áo khoác, len dày và phụ kiện mùa đông rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách.

Trao đổi với PV, chị Minh Châu, chủ một shop quần áo trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cửa hàng đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho mùa đông từ đầu tháng 9, sẵn sàng phục vụ khách khi thời tiết chuyển lạnh.

Tuy nhiên, thời tiết năm nay bất thường, mùa đông đến muộn khiến nhu cầu mua sắm của khách hàng giảm mạnh. Một lượng lớn đồ mùa đông không thể tiêu thụ, chất đầy kho.

Trong khi đó, hàng mùa hè vẫn được bày bán song song với hàng thu đông, nhưng với tâm lý chờ lạnh, nhiều khách hàng không có nhu cầu sắm đồ hè.

 Sản phẩm quần áo thu đông kén khách do thời tiết chưa chuyển lạnh.

Sản phẩm quần áo thu đông kén khách do thời tiết chưa chuyển lạnh.

Theo chị Minh Châu, doanh thu của cửa hàng trong 2-3 tháng vừa qua không đủ để trả tiền mặt bằng, tiền nhập hàng và tiền lương nhân viên. Cửa hàng phải chấp nhận thua lỗ, xả hàng hè, khuyến mãi hàng thu đông để giúp thanh lý lượng hàng tồn trong kho.

“Thời điểm này mọi năm, người dân đi mua sắm đồ đông rất nhiều, nhất là các bạn trẻ. Nhưng năm nay thời tiết ấm áp kéo dài, các sản phẩm áo len, áo khoác, khăn, mũ, găng tay đều rơi vào tình trạng ế ẩm. Khách vào cửa hàng chỉ tham khảo mẫu mã, giá cả chứ chưa có nhu cầu mua” - chị Châu chia sẻ.

Cảnh tượng vắng vẻ, điu hiu còn diễn ra tại chợ Ninh Hiệp - khu chợ thời trang lớn nhất Hà Nội. Dù vào cuối tuần nhưng nhiều ki ốt tại đây rơi vào tình trạng ảm đạm, người bán nhiều hơn cả người mua, các chủ cửa hàng chán nản, ngồi bấm điện thoại. Một số ki ốt chấp nhận đóng cửa hàng vì vắng khách.

Anh Thái Văn Hùng, chủ ki ốt kinh doanh quần áo tại chợ Ninh Hiệp cho biết, mọi năm thời điểm này đã phải tăng ca gấp rút chuẩn bị hàng phục vụ khách. Nhưng năm nay, hàng đông nhập về rồi mà khách chưa cần mua.

 Tiểu thương chợ Ninh Hiệp dài cổ ngóng khách.

Tiểu thương chợ Ninh Hiệp dài cổ ngóng khách.

Hàng thì chất đầy nhưng lượng khách thì giảm hẳn, đồ mùa đông không bán được cộng thêm đồ mùa hè vẫn còn tồn kho đã khiến doanh thu của cửa hàng sụt giảm nghiêm trọng.

“9h30 sáng nhưng vẫn chưa có khách mở hàng dù hàng mới về liên tục. Tầm này năm ngoái, khách sỉ không chốt nhanh thì không còn hàng để lấy nhưng năm nay dân buôn không dám ôm nhiều hàng do cửa hàng bán lẻ cũng không bán được.

Ngoài ảnh hưởng từ trên các sàn thương mại điện tử, thời tiết cũng không ủng hộ dân buôn. Tôi thuê ki ốt 700 triệu/năm nhưng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, khả năng sớm muộn cũng phải trả mặt bằng, thanh lý hàng để gỡ vốn” - anh Hùng bày tỏ.

Nơi trả mặt bằng, nơi giảm giá ngóng khách

Theo khảo sát của PV, thời gian gần đây tại một số tuyến phố thời trang sầm uất trên địa bàn TP Hà Nội như: Cầu Giấy, Chùa Bộc, Bà Triệu..., các cửa hàng đều tung ra các chương trình giảm giá từ 50-70% để kích cầu mua sắm.

Các mặt hàng được giảm giá bao gồm cả quần áo hè và sản phẩm thời trang thu đông. Bên cạnh đó, một số cửa hàng thời trang đã thay đổi cách bày trí và kinh doanh nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết. Họ chuyển sang kinh doanh các mặt hàng nhẹ nhàng hơn như áo khoác mỏng, áo len nhẹ hoặc cardigan phù hợp với nhiệt độ hiện tại.

Tuy nhiên, lượng khách ra vào tại các cửa hàng thời trang vẫn thưa thớt dù các chương trình giảm giá vẫn được triển khai liên tục.

Thời điểm này, chị Bùi Trà, chủ cửa hàng trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) đang phải vật lộn, xoay xở để kích cầu tiêu dùng. Ngoài nỗ lực giảm giá để thu hút khách hàng, chị Trà còn tập trung phát triển trên các sàn thương mại điện tử.

“Doanh số trên sàn thương mại điện tử cao gấp 3-4 lần so với mua trực tiếp nhưng nếu so với mọi năm, doanh số của hai kênh bán hàng đều sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính vẫn là do thời tiết không ủng hộ” - chị Trà chia sẻ.

 Hàng thu đông về chợ liên tục nhưng vắng khách mua.

Hàng thu đông về chợ liên tục nhưng vắng khách mua.

Chị Trà cho biết, trong vòng vài tháng tới, chị sẽ chuyển mô hình kinh doanh kết hợp mua bán trực tiếp và online sang mô hình kinh doanh trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, trả mặt bằng phố, chuyển sang thuê mặt bằng trong ngõ để tiết kiệm chi phí.

Hiện tại, các chủ cửa hàng vẫn nuôi hy vọng khi thời tiết chuyển lạnh, nhu cầu mua sắm đồ đông sẽ tăng lên, giúp bù đắp phần nào doanh thu đã mất.

Tuy nhiên, không ít người đã buộc phải trả mặt bằng hoặc treo biển sang nhượng do liên tục thua lỗ.

Sức mua quá thấp đã khiến anh Hoàng Đức - chủ shop thời trang nam trên phố Cầu Giấy, Hà Nội treo biển sang nhượng cửa hàng. Dù nằm tại vị trí đẹp nhưng việc sang nhượng cũng không hề dễ dàng khi vài tháng qua chưa có người hỏi thuê.

"Tôi đang cố thanh lý hết số quần áo này, chấp nhận lỗ để sang nhượng cửa hàng. Nếu không có khách thuê, tôi phải chờ hết hạn hợp đồng để trả mặt bằng, rồi bỏ nghề luôn vì không gồng nổi lỗ nữa” - anh Đức bày tỏ.

Bài và ảnh: Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-doanh-cua-hang-thoi-trang-gap-kho-vi-mua-dong-den-muon-post320761.html