Kinh doanh thực phẩm bẩn, có thể bị phạt đến 12 năm tù

Theo luật sư, kinh doanh thực phẩm bẩn có thể phải đối mặt với nhiều chế tài xử lý, trong đó hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù. Ngoài ra, chủ cơ sở có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, bồi thường thiệt, đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Bạn đọc Nguyễn Khánh Hưng hỏi: Thời gian gần đây, lực lượng chức năng Hà Nội liên tục phát hiện nhiều vụ việc mua bán, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bằng xe đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Vậy chủ hàng phải đối mặt với chế tài xử phạt ra sao?

Trứng non không rõ nguồn gốc bị thu giữ

Trứng non không rõ nguồn gốc bị thu giữ

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hưng – Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) trả lời:

Theo quy định tại Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.

Việc mua bán, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bằng xe đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, thú y và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Dưới góc độ pháp lý, chủ hàng có thể phải đối mặt với nhiều chế tài xử lý, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra, bao gồm xử phạt hành chính, tịch thu tang vật, và trong một số trường hợp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mức xử phạt hành chính: Căn cứ Điều 3 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 100.000.000 đồng và đối với tổ chức là 200.000.000 đồng

Trong trường hợp nếu cơ quan điều tra xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chủ hàng có thể bị xử lý theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, với tội: Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Cụ thể mức hình phạt bao gồm: Phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm nếu: Gây hậu quả nghiêm trọng; hoặc Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; hoặc Sử dụng thủ đoạn tinh vi, có tổ chức; hoặc Thực phẩm được tiêu thụ trên thị trường, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (như gây ngộ độc, tử vong…), hình phạt có thể lên đến 12 năm tù, kèm theo cấm hành nghề hoặc cấm kinh doanh đến 5 năm.

Ngoài hình phạt chính, người vi phạm còn có thể bị: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm (nếu có); Buộc bồi thường thiệt hại nếu gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; Đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, theo dõi trong các hoạt động kinh doanh thực phẩm về sau.

Việt An

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/kinh-doanh-thuc-pham-ban-co-the-bi-phat-den-12-nam-tu-478248.html