Kinh nghiệm quốc tế về thuế GTGT phân bón và khuyến nghị cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm của những nền sản xuất nông nghiệp lớn cho thấy các quốc gia đa phần đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT và có mức ưu đãi hơn đối với các sản phẩm hữu cơ, giới chuyên gia kiến nghị Việt Nam áp thuế GTGT 5% mặt hàng này phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Chính sách áp dụng thuế GTGT đối với phân bón cần dựa trên tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển bền vững ngành sản xuất phân bón trong nước, đảm bảo an ninh lương thực

Áp thuế GTGT đối với phân bón là xu hướng của nhiều nước trên thế giới

Nghiên cứu của Dự án năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Brazil, Nga đang áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng phân bón và áp dụng mức thuế suất thấp hơn so với các mặt hàng thông thường khác.

Điều này nhằm giảm chi phí sử dụng phân bón, thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất phân bón nội địa, thúc đẩy đầu tư công nghệ tiên tiến sản xuất phân bón thông minh, thân thiện với môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Tại các quốc gia này, chính sách thuế GTGT được áp dụng phối hợp với các chính sách thuế xuất nhập khẩu khác để đem lại hiệu quả tổng thể. Trung Quốc là quốc gia sản xuất, tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Hiện Trung Quốc đang quy định phân bón đang áp dụng mức thuế GTGT 11%.

Trung Quốc coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp xanh và sử dụng phân bón hữu cơ, cải thiện hiệu suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường. Do đó, quốc gia này tiến hành cải cách để tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện hiệu suất sử dụng phân bón và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đầu tư vào nghiên cứu - phát triển các loại phân bón sinh học và hữu cơ.

Các quốc gia áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, thông thường là 10%

Nga là một trong số các quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Phân bón tại Nga đang áp dụng mức thuế GTGT 20%. Nga cũng có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư công nghệ thân thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, trong đó có việc hỗ trợ miễn hoặc giảm thuế cho các dự án đầu tư vào công nghệ mới.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp sản xuất phân bón ở Nga có đầu tư đầu tư vào công nghệ hiện đại hoặc hoạt động trong các khu vực kinh tế đặc biệt có thể được giảm xuống còn 12,5% tùy theo chính sách địa phương. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón nằm trong các khu vực kinh tế đặc biệt có thể được hưởng ưu đãi thuế như miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản và các khoản đóng góp xã hội trong một khoảng thời gian nhất định.

Các công ty đầu tư vào công nghệ sản xuất phân bón thân thiện với môi trường tại Nga cũng được hưởng ưu đãi thuế, do Chính phủ Nga khuyến khích sử dụng công nghệ xanh để giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao hiệu suất sản xuất. Một số nguyên liệu và thiết bị cần thiết để sản xuất phân bón được hưởng miễn thuế nhập khẩu nếu sử dụng cho mục đích cải thiện công nghệ sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ở Đức, thuế GTGT phân bón tiêu chuẩn là 19%. Một số loại phân bón sử dụng cho nông nghiệp thiết yếu được áp dụng mức thuế suất VAT giảm còn 7% để khuyến khích sử dụng sản phẩm an toàn, bền vững.

Đức khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là các giải pháp phân bón công nghệ cao. Các công ty tham gia vào nghiên cứu phân bón thông minh, thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất có thể nhận được các khoản tài trợ và ưu đãi thuế với khoản khấu trừ thuế lên đến 25% cho các chi phí liên quan đến R&D.

Các nền nông nghiệp đều dành chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ phân bón

Kinh nghiệm thực tế trên cũng được Công ty Luật TNHH SBLAW quan sát ở các quốc gia như Pháp, Đức, Romania, Ba Lan, Canada, Đan Mạch, Latvia… Cụ thể, nhiều quốc gia đã áp dụng thuế GTGT đối với phân bón và các sản phẩm nông nghiệp tương tự nhằm mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Ví dụ, tại Pháp và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, thuế GTGT chuẩn được áp dụng đối với phân bón, trong khi các nước như Đan Mạch và Latvia áp dụng thuế GTGT nhưng cũng có các cơ chế hỗ trợ cho nông dân nhỏ để giảm thiểu gánh nặng tài chính.

Các quốc gia như Romania và Ba Lan, là những nước sản xuất nông nghiệp lớn trong EU cũng áp thuế GTGT đối với phân bón. Tại Canada, thuế GTGT được áp dụng đối với phân bón, tuy nhiên các nhà sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi từ hệ thống tín dụng thuế đầu vào để giảm thiểu tác động tài chính. Các quốc gia này đều cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và duy trì tính cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp nội địa.

Trong Liên minh châu Âu, một số quốc gia cũng áp dụng thuế suất GTGT thấp hơn cho phân bón hữu cơ, phù hợp với chiến lược Thỏa thuận xanh của EU. Tại Hoa Kỳ, các bang như California áp dụng các khoản tín dụng thuế và trợ cấp cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Kiến nghị áp thuế GTGT 5% phân bón phù hợp với xu thế chung thế giới

Chính sách áp dụng thuế GTGT đối với phân bón cần dựa trên tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển bền vững ngành sản xuất phân bón trong nước và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp; tạo môi trường thuế bình đẳng giữa nhà sản xuất phân bón trong nước và nhà nhập khẩu phân bón, loại trừ cạnh tranh bất lợi cho sản xuất nội địa; tạo nền tảng giảm giá phân bón, giảm chi phí phân bón cho người sản xuất nông nghiệp.

Qua quan sát kinh nghiệm ở các quốc gia có nền nông nghiệp lớn có thể thấy, việc áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (thông thường là 10%), có tác dụng nâng cao chất lượng và hiệu quả của dự án đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất phân bón.

Trong bối cảnh Việt Nam, giới chuyên gia kiến nghị Chính phủ và Quốc hội sửa Luật 71/2014/QH13, phần liên quan đến mặt hàng phân bón chuyển mặt hàng này từ không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT ở mức 5%. Bên cạnh đó, sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết, bình ổn giá phân bón; tăng cường các chính sách hỗ trợ người nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững, sử dụng phân bón hiệu quả, giảm chi phí phân bón.

Về chính sách thuế, Dự án năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam cho rằng cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế: Thuế GTGT, Thuế bảo vệ môi trường, Thuế xuất nhập khẩu, Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về các chính sách thúc đẩy và phát triển khác, đề xuất khuyến khích phát triển và sử dụng các loại phân bón ít gây ảnh hưởng đến môi trường, phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ cũng cần được tăng cường trong lĩnh vực phân bón để tiếp thu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm phân bón

“Cần đề xuất về mức thuế linh hoạt hơn phương án miễn thuế GTGT phân bón nhưng lại thêm áp lực tài chính cho doanh nghiệp sản xuất phân bón như hiện nay, bởi điều này gián tiếp làm tăng giá phân bón. Do đó, cần phương án thuế GTGT hợp lý hơn để vừa bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa không gây thêm áp lực cho nông dân. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia áp dụng thuế GTGT đối với phân bón cho thấy họ cũng triển khai các cơ chế như giảm thuế hoặc tín dụng thuế để bảo vệ nông dân khỏi gánh nặng tài chính”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-thue-gtgt-phan-bon-va-khuyen-nghi-cho-viet-nam-719643.html