Kinh nghiệm từ các quốc gia trong việc thực thi EUDR

Ngày 30/7, Bộ NN&PTNT và UNDP phối hợp tổ chức hội thảo kỹ thuật về 'Rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR của ngành cà phê và gỗ ở Việt Nam'.

Thông tin về những hoạt động của Việt Nam để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Quy định ngăn chặn phá rừng của EU (EUDR), Cục Lâm nghiệp cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều sáng kiến và động thái chính sách về bảo vệ và phát triển rừng.

Việt Nam đã dừng và chấm dứt hoàn toàn khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2017, thực thi Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA - FLEGT), diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững tăng mạnh... Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định số 1235/QĐ-BNN-HTQT thành lập nhóm công tác chung, xây dựng kế hoạch thích ứng với EUDR.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Về kế hoạch tiếp theo trong tiến trình đáp ứng yêu cầu của EUDR, theo Cục Lâm nghiệp, Việt Nam sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch hành động thích ứng với EUDR trong lĩnh vực lâm nghiệp và xây dựng các hướng dẫn tuân thủ EUDR.

Trong vấn đề cơ sở dữ liệu không gian của lâm nghiệp, Việt Nam sẽ tham chiếu, truy xuất, giải trình, minh chứng tuân thủ EUDR (ranh giới rừng 31/12/2020 và đối sánh, xác định vùng rủi ro cao). Về hoàn thiện hệ thống pháp luật lâm nghiệp. Việt Nam cũng sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về mã số vùng trồng, xác định tọa độ vị trí lô trồng...

Một số lĩnh vực lâm nghiệp cần quan tâm bao gồm cơ sở dữ liệu phục vụ ngành hàng khi cần xây dựng bản đồ ranh giới đồng bộ vào thời điểm 30/12/2020 và thời điểm cần đánh giá, phân vùng rủi ro; xây dựng nền tảng cung cấp cơ sở dữ liệu, vùng trồng đáp ứng quy định của EUDR...

Lĩnh vực lâm nghiệp cũng cần quan tâm hỗ trợ ngành gỗ thích ứng với EUDR. Cụ thể, xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng trong nước (tọa độ địa lý, mã rừng trồng, năng suất rừng, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo hợp pháp...), xây dựng quy trình, hệ thống truy xuất nguồn gốc và thông tin về lô trồng đối với gỗ nhập khẩu; xử lý các vấn đề liên quan đến phối trộn nguyên liệu trong chuỗi cung sản phẩm hàng hóa, đặc biệt viên nén và dăm gỗ...

Tại sự kiện, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho rằng, mặc dù đã thực thi nhiều biện pháp chủ động như dừng khai thác rừng tự nhiên, có các hành động ngăn chặn tác động vào rừng tự nhiên.... nhưng Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Ví dụ, Việt Nam đang xây dựng vùng thí điểm cho ngành cà phê liên quan đến truy xuất nguồn gốc, ngành gỗ đang đẩy nhanh việc hình thành vùng thí điểm. Nhưng việc sản xuất cà phê tại Việt Nam có tình trạng xen lẫn với rừng, điều này đặt ra câu hỏi làm sao để xây dựng cơ sở dữ liệu, từ đó hướng tới đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc.

Các quốc gia khác thực hiện truy xuất nguồn gốc như thế nào?

Đại diện Viện lâm nghiệp châu Âu (EFI) Carlos Riano chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Đại diện Viện lâm nghiệp châu Âu (EFI) Carlos Riano chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Tại sự kiện, theo ông Carlos Riano – đại diện Viện lâm nghiệp châu Âu (EFI), dữ liệu hữu ích cho việc đánh giá rủi ro mất rừng có thể nhắc đến là công nghệ viễn thám - có thể cung cấp dữ liệu hữu ích và dễ tiếp cận liên quan đến độ che phủ rừng. Các loại dữ liệu khác như dữ liệu thay đổi sử dụng đất, bản đồ nguy cơ mất rừng, cảnh báo mất rừng, thông tin thực địa... cũng có thể cung cấp để đánh giá rủi ro.

Nhiều nước đã thực hiện việc này rất tốt. Ví dụ tại Bờ Biển Ngà – quốc gia sản xuất hạt ca cao hàng đầu thế giới đã tạo một bản đồ che phủ đất quốc gia năm 2020, phù hợp với các định nghĩa của EUDR. Hay tại Indonesia, quốc gia Đông Nam Á này có bản đồ sử dụng đất có thể xem và tải xuống được theo khu vực quan tâm.

Bàn sâu hơn về truy xuất nguồn gốc, ông Carlos Riano cho rằng, vấn đề định vị đang trở thành thách thức cho cả nông dân và các công ty sử dụng dữ liệu định vị. Đơn cử, với những mảnh trên 4 ha vùng trồng nên dùng định vị chu vi – polygon do tọa độ chính xác và phân tích tốt hơn. Tuy nhiên, nếu nông hộ nhỏ trồng cao su... chỉ có mảnh đất 1- 2 ha thì việc định vị điểm GPS sẽ có hiệu quả hơn.

 Bản đồ sử dụng đất Bờ Biển Ngà năm 2020

Bản đồ sử dụng đất Bờ Biển Ngà năm 2020

Mặt khác, hoạt động triển khai định vị cần có sự kết hợp ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Ở Uruguay, hợp tác xã được trao quyền làm việc và thu thập thông tin từ các nông hộ nhỏ, điều này giúp việc định vị diện tích đất trồng trở nên thuận lợi hơn.

Tại Bờ Biển Ngà và Ghana, mỗi nông hộ nhỏ đều có mã ID, từ đó kết nối mã ID với chu vi lô của nông hộ, thông tin ban đầu sẽ được đưa vào hệ thống truy xuất nguồn gốc chung, hệ thống dịch vụ chung và cung cấp thông tin phục vụ EUDR.

Tại Peru, quốc gia này đang thu thập thông tin hệ thống cấp huyện, GPS với tất cả nông dân có đăng ký. Hiện Peru đặt mục tiêu đến tháng 12/2024 có 500.000 định vị polygon với nhà sản xuất ca cao nhỏ. Peru cũng đang kêu gọi một ứng dụng tự mô tả để nông dân thu thập định vị đa giác và thêm thông tin liên quan đến tính hợp pháp (quyền sử dụng đất), năm trồng, dữ liệu sản xuất...

Tại sao EUDR ra đời?

Ngày 23/6/2023, EU ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR) và hiệu lực chính thức vào ngày 29/6/2023. EUDR cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.

Tại Việt Nam, ba nhóm ngành bị tác động chính bao gồm gỗ, cao su và cà phê. Riêng với cà phê, cả nước đang có 700.000 ha trồng cà phê, 1/3 trong số đó là diện tích xen lẫn rừng.

Tại phiên thảo luận của sự kiện, các câu hỏi liên quan đến việc thực thi, các vướng mắc của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR đã được đưa ra. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Tại phiên thảo luận của sự kiện, các câu hỏi liên quan đến việc thực thi, các vướng mắc của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR đã được đưa ra. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Mục tiêu của EUDR nhằm giảm thiểu rủi ro sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng xuất nhập khẩu của EU; tăng nhu cầu mua bán sản phẩm hợp pháp, không liên quan gây mất rừng.

Theo EUDR, nông sản gây mất rừng được tính với mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi. Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí…

Để chứng minh, doanh nghiệp đưa sản phẩm vào lưu thông tại EU phải thu thập thông tin về chuỗi cung. Các thông tin liên quan doanh nghiệp giải trình như tên doanh nghiệp, địa chỉ, các nhà cung cấp, vị trí địa lý các lô thửa đất sản xuất nông nghiệp, mã HS các mặt hàng và sản phẩm, tên khoa học nơi các hàng hóa mà chúng đã được trồng để các mặt hàng này có thể được kiểm tra tuân thủ...

Các doanh nghiệp lớn sẽ có 18 tháng, doanh nghiệp nhỏ và vừa có 24 tháng để chuẩn bị và đáp ứng các yêu cầu của EUDR tính từ thời điểm quy định này có hiệu lực.

Cuối tháng 12/2024, EU sẽ xây dựng và vận hành hệ thống dữ liệu để giúp doanh nghiệp cung cấp thông tin. Dữ liệu này sau đó có thể được kiểm tra bởi các cơ quan có thẩm quyền ở các quốc gia thành viên EU. Các cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ có quyền truy cập vào thông tin liên quan do các công ty cung cấp như tọa độ định vị địa lý. Họ sẽ tiến hành kiểm tra bằng các công cụ giám sát vệ tinh và phân tích DNA để xác minh nguồn gốc của sản phẩm.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kinh-nghiem-tu-cac-quoc-gia-trong-viec-thuc-thi-eudr-31828.html