Kinh phí thực hiện chính sách tinh gọn bộ máy được xác định thế nào?
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2025/TT-BTC hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ.
Thông tư này quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/01/2025, trở thành cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương lập dự toán kinh phí chi trả chế độ cho các đối tượng liên quan.
Thông tư áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, lực lượng vũ trang chịu tác động từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan đến việc xác định nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư.
Về phân định nguồn chi trả chính sách, chế độ, Thông tư số 07/2025/TT-BTC quy định nguồn kinh phí thực hiện theo Điều 16 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP. Cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn dự toán ngân sách chi thường xuyên được giao hàng năm để chi trả các khoản như kinh phí bảo lưu mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ hoặc được bổ nhiệm chức vụ thấp hơn do sắp xếp tổ chức bộ máy; kinh phí tiếp tục trả nguyên tiền lương hiện hưởng theo vị trí việc làm trước khi được cử đi tăng cường công tác ở cơ sở; chính sách nâng bậc lương; và tiền thưởng cho các đối tượng.
![Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nguồn kinh phí thực hiện chính sách, chế độ khi sắp xếp tổ chức bộ máy](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_618_51419204/5a52b59f8cd1658f3cc0.jpg)
Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nguồn kinh phí thực hiện chính sách, chế độ khi sắp xếp tổ chức bộ máy
Ngoài các khoản trên, ngân sách nhà nước sẽ bố trí kinh phí thực hiện các chính sách còn lại theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương, ngân sách trung ương sẽ bảo đảm kinh phí thực hiện.
Trong khi đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp xã và người lao động thuộc các đơn vị do địa phương quản lý, kinh phí thực hiện chính sách sẽ được tổng hợp vào nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương. Trong trường hợp nguồn cải cách tiền lương của địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ phần chênh lệch thiếu.
Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Đối với các bộ, cơ quan ở trung ương, căn cứ vào quy định tại Điều 18 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, cùng với tình hình thực hiện chính sách, chế độ, các bộ, cơ quan ở trung ương xây dựng dự toán kinh phí, tổng hợp trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và gửi Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội, trên cơ sở danh sách đối tượng hưởng chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang tính toán khoản kinh phí tương đương với số tiền đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất, gửi cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện.
Tại các địa phương, căn cứ quy định tại Điều 19 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, cơ quan, đơn vị xây dựng dự toán kinh phí, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp chung vào nhu cầu cải cách tiền lương trong dự toán ngân sách nhà nước của năm sau. Nếu nguồn cải cách tiền lương của địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ phần chênh lệch thiếu cho địa phương.
Riêng năm 2025, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào số đối tượng hưởng chế độ, chính sách do ngân sách nhà nước chi trả, định mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này để lập dự toán kinh phí, gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí còn thiếu. Trong thời gian chờ cấp kinh phí, các cơ quan, đơn vị chủ động sử dụng nguồn dự toán được giao để kịp thời chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng.
Về quản lý, sử dụng kinh phí, đối với các bộ, cơ quan ở trung ương, kinh phí ngân sách nhà nước bố trí thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang sẽ được phân bổ vào nguồn kinh phí không giao tự chủ của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Trên cơ sở danh sách đối tượng hưởng chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện chi trả theo đúng quy định. Đối với các địa phương, trên cơ sở danh sách đối tượng và kinh phí đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện chi trả chế độ chính sách theo quy định.
Việc quyết toán kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang sẽ được tổng hợp chung vào báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán của cơ quan, đơn vị hàng năm theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, Điều 4 Thông tư số 07/2025/TT-BTC cũng quy định về phương thức chuyển kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo khoản kinh phí tương đương với số tiền đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.