Kinh tế An Giang sau 50 năm vươn mình

50 năm qua, Nhân dân An Giang không chỉ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, mà còn rất cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ luôn tìm tòi, thể nghiệm, chủ động, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm và đạt nhiều thành tựu rất quan trọng.

Sau giải phóng, khi chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam kết thúc, đối mặt với nhiều khó khăn, Tỉnh ủy đã có chủ trương sáng tạo, phù hợp lợi ích của người dân, như: Điều chỉnh chủ trương “mua cao bán cao” thành “mua đúng bán đúng”; đưa đất về hộ nông dân, biến hộ nông dân thành hộ sản xuất cơ bản, tạo bước ngoặt quan trọng cho phát triển nông nghiệp. An Giang từ vùng đất còn nhiều hoang hóa, thiếu đói, đã nhanh chóng phục hồi, phát triển; nông dân bội thu, đời sống nâng lên rõ rệt.

Trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan, Đảng bộ, chính quyền tỉnh xác định nông nghiệp là nền tảng, là mặt trận hàng đầu; nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới, nông thôn là địa bàn chiến lược. Thực tiễn đã chứng minh “chính sách tam nông” của Trung ương mà An Giang thực hiện giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là nông dân.

Sản phẩm rau quả của Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) xuất khẩu hơn 40 quốc gia và khắp 5 châu

Sản phẩm rau quả của Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) xuất khẩu hơn 40 quốc gia và khắp 5 châu

Nổi bật là một số chủ trương sáng tạo, đột phá, như: Đẩy mạnh đầu tư vào thủy lợi, chuyển đổi từ lúa mùa 1 vụ sang lúa thần nông 2 vụ/năm, 3 vụ/năm; xóa bỏ trạm “ngăn sông cấm chợ”; chương trình khai thác vùng tứ giác Long Xuyên; khuyến nông, phát triển nông thôn, khuyến công, khai thác lợi ích từ công trình thoát lũ ra biển Tây; xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình “Cánh đồng lớn”... Từ tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, năm 1988, sản lượng lúa của An Giang vượt qua mức 1 triệu tấn, hiện nay đạt trên 4 triệu tấn, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo.

Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đến nay An Giang đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hiệu quả rõ nét. Ngoài sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, những năm gần đây, tỉnh thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây ăn trái, rau màu theo hướng chuyên canh, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Các vùng sản xuất trái cây, rau màu, lúa nếp chuyên canh, tập trung quy mô lớn gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, bảo đảm chất lượng, nhu cầu thị trường. Song song đó, tập trung triển khai chương trình phát triển hạ tầng du lịch; ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; mời gọi nhiều nhà đầu tư vào Khu Du lịch Núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, Cồn Én - Tấn Long..., đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng số lượng du khách, doanh thu dịch vụ.

Với sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang đã đạt được những thành tựu to lớn. Giai đoạn 2000 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức bình quân 7,3%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (6,4%/năm). GRDP bình quân đầu người từ 0,65 triệu đồng/năm (1990) tăng lên 15,8 triệu đồng/năm (2010) và 48,9 triệu đồng/năm (2021); tỷ lệ hộ nghèo từ 7,84% (2011) giảm còn 1,93% (2020)...

Sản lượng lúa An Giang đạt trên 4 triệu tấn

Sản lượng lúa An Giang đạt trên 4 triệu tấn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh: “Thành tựu nổi bật qua 40 năm đổi mới ở An Giang là sự năng động, có những phát kiến tốt. Đồng thời, biết vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương. Từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, nay trở thành tỉnh đi đầu cả nước về sản lượng lương thực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ. Bộ mặt nông thôn không ngừng cải thiện, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng lên; công tác an sinh xã hội và giảm nghèo đạt nhiều thành tích nổi bật”.

Riêng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,16%, cao hơn mức bình quân chung cả nước; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1,2 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 66,24 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 47.890 tỷ đồng, tăng 21,9%. Toàn tỉnh có 76/110 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (34 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu), 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng dựng nông thôn mới (1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao). Lúa gạo đã xuất khẩu đến 60 thị trường trên thế giới; thủy sản đạt doanh số xuất khẩu 69.000 tấn, tương đương 332 triệu USD, sang 71 nước, 2 khu vực ASEAN và Châu Âu; rau quả của tỉnh xuất khẩu trên 147.000 tấn, tương đương 74 triệu USD...

“Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, An Giang đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL, là trung tâm đầu mối về nông nghiệp với 2 mặt hàng chủ lực là lúa gạo, cá tra, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu của cả nước” - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/kinh-te-an-giang-sau-50-nam-vuon-minh-a419999.html