Kinh tế bạc tại Trung Quốc tạo ra thị trường trị giá nghìn tỷ

Kinh tế bạc (kinh tế phục vụ cho người cao tuổi) đang tăng tốc, đặc biệt khi nhu cầu tiêu dùng và yêu cầu về chất lượng cuộc sống của nhóm người cao tuổi tại Trung Quốc ngày càng nâng cao.

Chăm sóc người cao tuổi tại trung tâm hỗ trợ ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Chăm sóc người cao tuổi tại trung tâm hỗ trợ ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, kinh tế bạc (kinh tế phục vụ cho người cao tuổi) đang tăng tốc, đặc biệt khi nhu cầu tiêu dùng và yêu cầu về chất lượng cuộc sống của nhóm người cao tuổi tại Trung Quốc ngày càng nâng cao. Các doanh nghiệp đang tích cực đẩy mạnh kế hoạch phát triển và đổi mới, tạo ra một thị trường tiêu dùng tiềm năng trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của “người cao tuổi thông minh”, đòi hỏi những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao và đa dạng. “Kinh tế bạc mới” được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao chất lượng tiêu dùng. Theo một khảo sát từ Ủy ban Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thượng Hải, hơn 60% nhóm “người cao tuổi mới” sau khi nghỉ hưu đều có yêu cầu cao hơn về chất lượng cuộc sống. Các chuyên gia nhận định nhu cầu mới này sẽ là yếu tố quan trọng để kích hoạt “động cơ bạc”, tạo ra một thị trường tiêu dùng trị giá hàng nghìn tỷ.

Kinh tế bạc không còn chỉ gắn liền với những sản phẩm như xe lăn, viện dưỡng lão hay thực phẩm bổ dưỡng nữa. Khi mô hình chăm sóc người cao tuổi từ cơ bản nâng lên thành chăm sóc chất lượng cao, nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của nhóm người cao tuổi thông minh đang định nghĩa lại “kinh tế bạc”. Một báo cáo khảo sát thói quen tiêu dùng của nhóm “người cao tuổi mới” tại Thượng Hải cho thấy, nhóm người này chủ yếu là những người làm việc văn phòng, giáo viên và các nhóm nghề nghiệp có thu nhập ổn định, tạo ra một nền kinh tế bạc năng động và đầy tiềm năng. So với nhóm người cao tuổi trước đây, nhóm này có sự khác biệt rõ rệt về khả năng tiêu dùng và yêu cầu tiêu dùng, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng chất lượng, sáng tạo và trải nghiệm.
Khảo sát cho thấy, hơn 60% nhóm “người cao tuổi mới” sau khi nghỉ hưu có yêu cầu cao hơn về chất lượng cuộc sống. Các nhu cầu tiêu dùng của nhóm này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực “sức khỏe”, “du lịch xã hội” và “sở thích cá nhân”. Nhu cầu liên quan đến sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất đối với nhóm này, đồng thời họ cũng đang chuyển hướng từ “nhu cầu thiết yếu” sang “trải nghiệm chất lượng cao”. Ngoài ra, nhu cầu về các dịch vụ “du lịch tùy chỉnh, hội họp xã hội” cũng chiếm tỷ lệ lên tới 53,09%. Nhóm này đặc biệt chú trọng đến “tự hiện thực hóa” và “cảm giác lễ nghi trong cuộc sống”, với 45,61% cho thấy sự quan tâm đến các dịch vụ tiêu dùng liên quan đến sở thích cá nhân (như nhiếp ảnh, sưu tập và âm nhạc).
Dự báo đến năm 2030, quy mô người cao tuổi trên toàn cầu sẽ vượt qua con số 1,4 tỷ, trong đó Trung Quốc chiếm tới 25%. Với nhu cầu ngày càng đa dạng của nhóm người cao tuổi mới, “kinh tế bạc mới” có khả năng phát triển thành một thị trường nghìn tỷ, trải rộng từ các sản phẩm công nghệ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ du lịch, văn hóa giải trí, đến các giải pháp nhà thông minh.

Quang Hưng/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-bac-tai-trung-quoc-tao-ra-thi-truong-tri-gia-nghin-ty/380371.html