Kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số

Ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là AI, Big date, IoT..., báo chí truyền thông hiện đại xuất hiện nhiều diện mạo mới, như báo chí truyền thông đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động...

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí truyền thông nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng và giành giật nhà quảng cáo diễn ra ngày một gay gắt, khốc liệt. Sự hiện diện phổ biến và rộng khắp của các nền tảng số (như Facebook, Google và Apple…) cùng với khả năng bứt phá đáng kinh ngạc của công nghệ thông tin đang làm cho các mô hình kinh doanh truyền thống, từng đem lại thành công cho các doanh nghiệp truyền thông nhiều thập kỷ qua, bị thách thức nghiêm trọng.

Chuyển đổi số báo chí không chỉ tạo ra những nội dung thông tin chuyên sâu, với hình thức thể hiện bắt mắt mà còn được truyền phát trên đa dạng các nền tảng (bao gồm website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại...) để phục vụ tối đa nhu cầu của công chúng. Chuyển đổi số báo chí đang tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, dựa trên công nghệ số.

Mô hình kinh tế báo chí truyền thông mới trong bối cảnh chuyển đổi số

Các nền tảng truyền thông mới như công cụ tìm kiếm (Google), dịch vụ thương mại điện tử (eBay) và/hoặc các trang mạng xã hội (Facebook) mang lại sự thay đổi diện mạo đáng kể cho lĩnh vực kinh tế báo chí truyền thông số. Kinh tế truyền thông trong môi trường số dường như là phép nghịch đảo của mô hình kinh tế đã tồn tại nhiều thập kỷ qua.

Trong khi, phương tiện truyền thông số gắn sản phẩm số với kênh truyền số, vì vậy, đưa sản phẩm tới công chúng một cách nhanh chóng và với chi phí thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, nhóm công chúng đại chúng cũng đang được phân tách thành các nhóm nhỏ công chúng, có nhu cầu thị hiếu khác nhau. Các sản phẩm truyền thông được tách lẻ, và các nhóm công chúng "phi đại chúng hóa" đang là hoạt động phổ biến trong nền kinh tế báo chí truyền thông số. Báo chí cũng trở nên phân mảnh, khi từng các bài báo riêng lẻ được rao bán hoặc cung cấp miễn phí trên các trang web tin tức khác nhau.

Các nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đang dẫn đến sự phân mảnh cao độ, theo cách "cá thể hóa". Các cơ quan báo chí truyền thông có thể dõi theo độc giả của mình trên các nền tảng khác nhau, đo lường mức tiêu thụ tin tức đa phương tiện (điện thoại thông minh, máy tính bảng…) và cung cấp cho công chúng những thông tin được cá nhân hóa theo nhu cầu, sở thích của họ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nâng cao nhận thức, năng lực để phát triển kinh tế báo chí truyền thông trong môi trường số

Tuy là nước cho phép mở Internet chậm hơn so với thế giới, nhưng đến nay, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có sự phát triển Internet mạnh mẽ nhất trong khu vực và trên thế giới.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể. Đây là cơ sở quan trọng không chỉ nâng cao nhận thức cho các cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu các cơ quan báo chí về chuyển đổi số, mà còn chỉ rõ những định hướng lớn để báo chí đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công chúng truyền thông đọc, nghe, xem, nhằm đảm bảo mục tiêu, định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước.

Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí ra đời, Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cũng được ban hành, giúp các cơ quan báo chí xác định được vị trí của đơn vị mình trong quá trình chuyển đổi số, từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để chuyển đổi số hiệu quả. Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức lớn trong tiến trình chuyển đổi số, và phát triển kinh tế báo chí truyền thông số, với những tiền đề quan trọng như tỷ lệ người sử dụng các nền tảng Internet tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao trên thế giới, các dịch vụ liên kết liên ngành và cấu trúc kết cấu hạ tầng ngày càng được cải thiện, và mức độ cạnh tranh cao về các dịch vụ Internet góp phần đa dạng hóa loại hình dịch vụ, sản phẩm.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và truyền thông kỹ thuật số, cần có nhận thức mới về quản trị xã hội nói chung, quản lý báo chí và quản trị truyền thông nói riêng để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đổi mới và nâng cao cả về nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo, nhằm đạt được hiệu quả lãnh đạo cao nhất và cũng để có những quyết sách phù hợp phát triển kinh tế báo chí truyền thông trong môi trường số.

Trích tham luận Kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số: Một số kinh nghiệm nước ngoài và hàm ý chính sách cho Việt Nam của bà Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tại Diễn đàn Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số vừa được tổ chức ngày tại Hà Nội.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/kinh-te-bao-chi-truyen-thong-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-20240620082926939.htm