Kinh tế Đức nhận tin tốt nhưng vẫn chưa thể lạc quan

Đơn đặt hàng trong lĩnh vực sản xuất ô tô đã tăng 9,2%, khiến ngành này vẫn là động lực chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Đức.

Trong bối cảnh số liệu ảm đạm về tăng trưởng kinh tế, các nhà sản xuất Đức đã chứng kiến mức tăng đơn đặt hàng theo tháng đầu tiên trong 6 tháng qua.

Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) hôm 6/8 công bố mức tăng 3,9% trong đơn đặt hàng công nghiệp ở nền kinh tế số 1 châu Âu so với tháng trước. Các nhà phân tích đã kỳ vọng mức tăng nhỏ hơn nhiều là 0,5%.

Với ngành công nghiệp – xương sống của nền kinh tế Đức, sự gia tăng trong tháng 6 được thúc đẩy bởi các đơn đặt hàng trong nước, tăng 9,1%, Destatis cho biết. Nhu cầu từ nước ngoài chỉ tăng 0,4%.

Ngành công nghiệp xe hơi vẫn là động lực chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Đức. Ảnh: Getty Images

Ngành công nghiệp xe hơi vẫn là động lực chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Đức. Ảnh: Getty Images

Dù thế nào đây vẫn là tin tốt không chỉ với các nhà sản xuất mà còn với một nền kinh tế đang bên bờ vực suy thoái kỹ thuật khi giảm 0,1% trong quý II/2024, khiến tâm lý kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Do suy thoái kỹ thuật được định nghĩa là 2 quý liên tiếp ghi nhận suy giảm GDP, số liệu quý III năm nay sẽ rất quan trọng.

Ngành công nghiệp xe hơi vẫn là động lực chính

Theo Destatis, đơn đặt hàng trong lĩnh vực sản xuất ô tô đã tăng 9,2% trong tháng 6, khiến ngành này vẫn là động lực chính của sự tăng trưởng trong nền kinh tế Đức.

Các công ty sản xuất sản phẩm kim loại và những công ty tham gia vào việc chế tạo máy bay, tàu thủy và tàu hỏa cũng chứng kiến đơn đặt hàng tăng 12%. Tuy nhiên, trong lĩnh vực máy tính, thiết bị điện tử và quang học, số lượng đơn đặt hàng đã giảm đến 7,9%.

Theo số liệu mới nhất của Destatis, con số này sẽ thấp hơn, ở mức 3,3%, nếu không có một số đơn đặt hàng quy mô lớn, vốn có thể biến động mạnh.

So sánh theo năm cho thấy ít lý do để lạc quan hơn trong ngành, với đơn đặt hàng giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 6/2023).

Bộ Kinh tế Đức cho biết mặc dù số liệu sản xuất gần đây cho thấy có sự cải thiện, nền công nghiệp dự kiến vẫn trì trệ do kỳ vọng kinh doanh bi quan trong lĩnh vực sản xuất.

"Trước tình hình đơn đặt hàng từ nước ngoài liên tục ở mức thấp, chúng tôi không kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi trên diện rộng trong thời gian tới", Bộ này cho biết.

"Không có lý do gì để cho rằng mọi chuyện đã ổn thỏa"

Nhận định của chính phủ Đức cũng phù hợp với suy nghĩ của các chuyên gia. Chuyên gia kinh tế Jupp Zenzen từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cũng cho rằng, bất chấp mức tăng đơn đặt hàng trong tháng 6, "thật không may là không có lý do gì để cho rằng mọi chuyện đã ổn thỏa". Vị chuyên gia gọi nửa đầu năm 2024 là "sự thất vọng" nói chung.

"Ngành công nghiệp Đức đang có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh do một số vấn đề về cơ cấu, chẳng hạn như chi phí cao, thủ tục hành chính quan liêu và thiếu lao động chuyên môn", ông Zenzen cho biết, đồng thời bổ sung rằng giá năng lượng cũng vẫn là một vấn đề.

Destatis cho biết các đơn đặt hàng trong quý II năm nay, từ tháng 4 đến tháng 6, đã giảm 1,4% so với quý trước (quý I – từ tháng 1 đến tháng 3).

Do sự sụt giảm đáng kể trong những tháng trước, mức tăng của tháng 6 có thể chỉ là sự chạm đáy chứ không phải là xu hướng bền vững, theo chuyên gia kinh tế Anja Sabine Heimann của HSBC.

"Áp lực lên các nhà sản xuất công nghiệp vẫn còn lớn, và năng lực không có khả năng được mở rộng trong thời gian tới. Do đó, chúng tôi dự kiến sẽ phải chờ đợi sự phục hồi vững chắc trong ngành sản xuất của Đức thêm một thời gian nữa", bà Heimann lưu ý.

Minh Đức (Theo DW, WSJ, Xinhua)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kinh-te-duc-nhan-tin-tot-nhung-van-chua-the-lac-quan-204240808210238082.htm