Kinh tế Đức suy thoái: Nỗi lo của cả châu Âu

Động cơ tăng trưởng của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã trở thành lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế khu vực.

Trọng tâm điểm yếu của Đức là sự phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất - đặc điểm của nền kinh tế khiến nhiều Chính phủ phương Tây hiện cố gắng tái tạo bằng các chiến lược công nghiệp.

Trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, Đức có thể dựa vào các nhà máy của mình để kéo nước này ra khỏi bất kỳ cuộc suy thoái nào bằng cách khai thác nhu cầu của thế giới đối với các sản phẩm sản xuất tại Đức. Nhưng sự kết hợp của các vấn đề ngắn hạn và cấu trúc khiến điều này trở nên nan giải.

 Một tàu container đã được bốc hàng vào năm ngoái tại cảng Hamburg của Đức phụ thuộc vào xuất khẩu. Ảnh: Reuters.

Một tàu container đã được bốc hàng vào năm ngoái tại cảng Hamburg của Đức phụ thuộc vào xuất khẩu. Ảnh: Reuters.

Năm 2022, giá năng lượng tăng mạnh khiến hàng hóa sản xuất trở nên đắt đỏ hơn. Cộng với lạm phát và lãi suất tăng cao trên khắp thế giới, người tiêu dùng nước ngoài không phải lúc nào cũng sẵn sàng rút ví với mức giá cao.

Matthias Zachert, giám đốc điều hành của Lanxess, một công ty hóa chất đã cắt giảm ước tính lợi nhuận cho năm nay vào thứ Hai, cho biết: “Trong thời điểm nhu cầu toàn cầu yếu, Đức đơn giản không có khả năng cạnh tranh”.

Gian nan ngành sản xuất

Kể từ tháng 2/2022, các nhà sản xuất của Đức “đói” năng lượng khi Nga cắt giảm xuất khẩu sang châu Âu.

Vào tháng 4/2023, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều năng lượng đã giảm 12,9% so với một năm trước đó. Trên toàn bộ khu vực đồng euro, sản lượng của nhà máy cao hơn một chút so với một năm trước đó.

Một điểm yếu khác là Trung Quốc, một thị trường quan trọng đối với các công ty Đức. Bị sa lầy trong các đợt giãn cách vì Covid-19 trong phần lớn năm ngoái và trải qua sự phục hồi yếu hơn dự kiến kể từ khi mở cửa trở lại, Trung Quốc đã không cung cấp nhiều hỗ trợ như trước đây.

Đức là thành viên duy nhất của Nhóm 20 quốc gia công nghiệp và đang phát triển có tổng sản phẩm quốc nội thấp hơn trong ba tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó. GDP của Đức đã giảm 0,5% trong giai đoạn này. Sự suy yếu của Đức là một trong những yếu tố khiến khu vực đồng euro rơi vào suy thoái vào đầu năm nay.

 Nhiều doanh nghiệp tại Đức rục rịch chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang các quốc gia khác vì không chịu đựng "nhiệt" của giá năng lượng. Ảnh: WSJ.

Nhiều doanh nghiệp tại Đức rục rịch chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang các quốc gia khác vì không chịu đựng "nhiệt" của giá năng lượng. Ảnh: WSJ.

Khả năng cạnh tranh thấp dần của ngành công nghiệp Đức không chỉ xuất phát từ một lỗi đơn thuần. Đức cũng phải đối mặt với những thách thức sâu sắc về cấu trúc, bao gồm sự chuyển đổi tốn kém sang các nguồn năng lượng tái tạo, thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và thiếu hụt công nhân lành nghề - tất cả yếu tố khiến việc sản xuất hàng hóa trong nước trở nên khó khăn và tốn kém hơn.

BASF, nhà sản xuất hóa chất lớn nhất của Đức cho biết họ có kế hoạch đóng cửa các bộ phận của nhà máy lớn Ludwigshafen, chọn chuyển sản xuất sang các địa điểm như Bỉ và Pháp.

Một cuộc khảo sát đối với 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 của Hiệp hội Công nghiệp Liên bang Đức cho thấy 16% đã tích cực chuyển các bộ phận sản xuất và việc làm ra nước ngoài, và 30% khác đang nghĩ về điều đó.

Ludwin Monz, Giám đốc điều hành của Heidelberger Druckmaschinen, một nhà sản xuất máy in và đóng gói của Đức cho biết: “Chúng tôi thấy rõ cơ hội chuyển sản xuất sang Bắc Mỹ”.

Trong năm tài chính kết thúc vào 31/3, doanh số bán hàng của công ty ở Bắc Mỹ đã tăng khoảng 1/3, lên 505 triệu euro, tương đương 553 triệu đôla Mỹ, nhờ sức mạnh của đồng bạc xanh và mức tiêu thụ hàng hóa đóng gói tăng vọt.

Sự phụ thuộc của Đức vào sản xuất và xuất khẩu là điều không bình thường trong số các nền kinh tế phát triển lớn, khiến nước này trông giống Trung Quốc, công xưởng của thế giới, hơn là một quốc gia châu Âu trung bình.

Từng xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, ngành sản xuất chiếm 19% tổng sản phẩm quốc nội của Đức vào năm 2021, gần gấp đôi so với ở Mỹ, Anh hoặc Pháp.

Các nhà máy của Đức cũng sử dụng nhiều lao động hơn so với các thành viên khác của Nhóm Bảy quốc gia hàng đầu (G-7). Theo OECD, 8,1 triệu người đã làm việc trong các nhà máy của Đức trong ba tháng đầu năm nay.

Trong nhiều thập kỷ, quốc gia này đã ghi nhận thặng dư xuất khẩu trong nhiều thập kỷ, thậm chí còn là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ trong vài năm vào đầu thế kỷ này.

Tuy nhiên kể từ năm 2016, thặng dư đó giảm dần kể. Vào năm 2022, thặng dư xuất khẩu của Đức ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2000, theo văn phòng thống kê của Chính phủ.

Với sự chao đảo của ngành sản xuất, các trụ cột khác của nền kinh tế Đức - tiêu dùng và dịch vụ - vẫn chưa giải quyết được tình trạng trì trệ. Đất nước rơi vào suy thoái năm nay một phần là do chi tiêu hộ gia đình giảm khi hóa đơn thực phẩm và năng lượng tăng vọt.

Alexander Birken, giám đốc điều hành của Otto Group, một công ty thương mại điện tử và đặt hàng qua thư có trụ sở tại Hamburg cho biết: “Cuộc chiến Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lạm phát và sự sụt giảm tiêu dùng cũng được phản ánh trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Vào tháng 2, doanh số bán hàng ở Đức giảm 9%”.

Tuy nhiên, với tỷ lệ lạm phát hàng năm giảm và tiền lương tăng, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng các hộ gia đình sẽ có nhiều tiền hơn để chi tiêu trong nửa cuối năm, điều mà họ cho rằng sẽ tránh được tình trạng suy thoái sâu của Đức.

 Thiếu hụt nhân công lành nghề là một trong những vấn đề nan giải của Chính phủ Đức. Ảnh: WSJ.

Thiếu hụt nhân công lành nghề là một trong những vấn đề nan giải của Chính phủ Đức. Ảnh: WSJ.

Nhóm nghiên cứu Ifo dự báo nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng 0,6% trong khu vực đồng euro, nhưng cho rằng tín hiệu tích cực sẽ tăng lên vào cuối năm nay.

Phần lớn sẽ phụ thuộc vào nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Đức giữ ở mức nào trước chi phí đi vay cao hơn và cách nền kinh tế Trung Quốc phát triển.

Berlin đã đưa ra các khoản trợ cấp năng lượng để duy trì hoạt động của các nhà máy cho đến khi họ tiếp cận được với các nguồn năng lượng tái tạo mở rộng và ít tốn kém hơn. Nhưng quá trình chuyển đổi đó khó có thể diễn ra suôn sẻ và một vấn đề sắp xảy ra là tình trạng thiếu lao động. Ifo ước tính rằng ngay cả với hơn một triệu người di cư ròng vào năm ngoái, lực lượng lao động của Đức sẽ đạt đỉnh trong năm nay.

Lê Na (Theo WSJ)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-te-duc-suy-thoai-noi-lo-cua-ca-chau-au-post253107.html