Kinh tế hợp tác xã dẫn dắt sản xuất bền vững

BHG - Bắc Quang hiện có 63 hợp tác xã (HTX) hoạt động, với trên 1.600 thành viên; số vốn đăng ký trên 80 tỷ đồng. Các HTX đang tạo công ăn, việc làm và thu nhập khá ổn định cho gần 1.900 lao động tại chỗ. Kinh tế HTX trong thời kỳ mới đang từng bước vươn lên dẫn dắt hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Đàm Thuyên cho biết: Bắc Quang đã tiến hành rà soát, đánh giá hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Nhìn tổng thể, hoạt động của các HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Hoàng Thị Mến, Giám đốc HTX Dầu lạc VietGap, xã Đồng Yên cho biết: HTX có hàng trăm hộ tham gia góp vốn bằng ruộng đất trồng lạc. Tất cả sản lượng lạc thu được mỗi vụ đều được HTX thu mua bao tiêu theo giá thị trường; HTX đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm máy móc ép dầu. Toàn bộ sản lượng lạc thu mua được tuyển chọn chất lượng rồi ép dầu, đóng chai, dán nhãn truy xuất hàng hóa. Các thành viên tham gia HTX cùng làm, cùng bán sản phẩm và cùng chia lợi nhuận; giá bán sản phẩm tuân thủ theo quy luật cung, cầu của thị trường. Hoạt động của HTX toàn thôn Dầu lạc Viet Gap Đồng Yên là chuỗi sản xuất tuần hoàn từ đồng ruộng, đến bàn ăn.

Hợp tác xã cam Sành VietGap xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật cải tạo vườn cam già cỗi.

Hợp tác xã cam Sành VietGap xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật cải tạo vườn cam già cỗi.

Đối với HTX cam Sành an toàn thôn Giàn Thượng, xã Tiên Kiều tập trung gần 150 hộ đồng bào Dao. Trong thôn cùng nhau chuyển đổi, cải tạo đồi tạp, vườn tạp trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap. Trách nhiệm của Ban Giám đốc HTX lo cung cấp vật tư phân bón và chuyên lo tiêu thụ sản phẩm cam làm ra cho các thành viên trong toàn thôn. Tương tự, HTX trồng cam Sành VietGap, xã Vĩnh Phúc có nhiệm vụ tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên. Trong đó, Ban Giám đốc lo vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cấp đủ cho nhu cầu sản xuất hàng năm dựa trên diện tích trồng cam. Trách nhiệm của Ban Giam đốc phải phối kết hợp với cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông hướng dẫn các thành viên về kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây cam Sành. Sau thời gian kiên trì thực hiện, HTX cam Sành VietGap xã Vĩnh Phúc đã đi vào hoạt động ổn định, có uy tín trên thị trường tiêu dùng cả nước; các thành viên tham gia góp vốn đều được hưởng lợi hơn hẳn sản xuất đơn lẻ. Kể từ vụ thu hoạch cam năm 2022 -2023, sản phẩm cam Sành của HTX được cung cấp về chuỗi Siêu thị BiC trong cả nước. Mỗi năm HTX, cung cấp ít nhất là 1.000 – 1.200 tấn cam Sành tới các chuỗi siêu thị.

Theo đánh giá, huyện Bắc Quang hiện có 11 HTX hoạt động tiêu biểu, 9 HTX khá; 32 HTX trung bình và một số ít các HTX cần được hỗ trợ để hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. Phát triển HTX và sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu; công tác tuyên truyền để người dân tham gia vào các HTX phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy, UBND huyện Bắc Quang đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để người dân tham gia vào các HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ về cơ chế để kinh tế tập thể phát triển sâu, rộng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào sản xuất, chế biến để kinh tế HTX phát triển theo kịp xu thế thời đại; tổ chức các lớp đào tạo kiến thức về quản trị kinh tế HTX đối với Ban Giám đốc các HTX... Qua đó nhằm trang bị cho họ những kiến thực cơ bản nhất, kịp thời nhất về kinh tế hàng hóa và quản trị vốn, nguồn nhân lực... coi đó là “chìa khóa” tiên quyết để thúc đẩy nền kinh tế tập thể, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202405/kinh-te-hop-tac-xa-dan-dat-san-xuat-ben-vung-ea56b00/