Kinh tế Khởi nghiệp An toàn thông tin - lĩnh vực khởi nghiệp mới mẻ với bạn trẻ Huế

.VN - An toàn thông tin (ATTT) đang là lĩnh vực mới mẻ và tại Huế, những sinh viên cũng chỉ đang ở bước đầu tiếp cận. Trong khuôn khổ Hội thảo Security Bootcamp 2019 (diễn ra từ 13-15/9 tại Huế) các chuyên gia hàng đầu về khởi nghiệp ATTT đã có những chia sẻ với bạn trẻ, qua đó bước đầu định hình những mong muốn khởi nghiệp ATTT cho sinh viên Huế.

Chuyên gia Philip Hùng Cao chia sẻ thông tin về ATTT với bạn trẻ tại buổi giao lưu

Chuyên gia Philip Hùng Cao chia sẻ thông tin về ATTT với bạn trẻ tại buổi giao lưu

Nhu cầu thị trường cao

Buổi trao đổi, giao lưu thu hút đông đảo sinh viên và bạn trẻ đang làm tại các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Những sinh viên mong muốn khởi nghiệp ATTT vì muốn tìm hiểu các phần mềm bảo vệ người dùng; chứng kiến người thân và bạn bè mất quyền sử dụng tài khoản cá nhân, bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng các trang mạng xã hội.

Chuyên gia Trương Đức Lượng, CEO của Công ty Vietnamese Security Network JSC (VSEC) cho rằng, muốn khởi nghiệp trên lĩnh vực ATTT điều quan trọng đầu tiên cần xác định mục đích của bản thân khi theo đuổi lĩnh vực này.

“Mục đích bạn có thể kiếm thật nhiều tiền hay thông qua việc tìm hiểu ATTT để bảo vệ người dùng. Mục đích khá là quan trọng vì nếu không xác định đúng chúng ta sẽ có thể đi nhầm đường. Mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau, với những người theo đuổi lĩnh vực này có thể rất vui, quên ăn quên ngủ chỉ để viết các dòng lệnh, và cuối cùng là họ cảm thấy hạnh phúc”, ông Lượng nói.

Theo các chuyên gia ATTT, lĩnh vực này có nhiều đất để người trẻ, sinh viên phát triển năng lực. Năm 2019, ATTT được hỗ trợ rất nhiều từ Nhà nước thông qua các bộ luật cụ thể như, Luật An ninh mạng. Mặc dù Việt Nam đi sau nhiều năm so với thế giới nhưng những biện pháp về luật từ Chính phủ như là động lực để người trẻ mạnh dạn hơn trong khởi nghiệp về ATTT.

Một chuyên gia dẫn ra số liệu nhu cầu của thị trường để cho thấy ATTT đang có “đất diễn” tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm những nước phát triển về người dùng internet, băng thông internet, công nghệ internet,… nên nhu cầu thông tin lớn. Khi mạng xã hội facebook phát triển thì Việt Nam cũng nằm trong top những nước sử dụng facebook lớn. Ngoài nhu cầu cá nhân và thương mại trên facebook, hiện nhiều đối tượng xấu dùng mạng xã hội này để lừa đảo. Điều này dẫn đến nhu cầu lớn để bảo vệ tài khoản, danh tính online…

“Khi xác định kinh doanh ATTT, vấn đề thị trường đóng vai trò quan trọng. ASEAN là thị trường có giá trị khoảng 2 tỉ đô la, tăng trưởng qua hàng năm khoảng 8%. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhận thức của người dùng đang là rào cản rất lớn trong khởi nghiệp ATTT. Mặc dù vậy, rất nhiều Start – up có ý tưởng ở Việt Nam nhưng hình thành kinh doanh ở nước ngoài”, ông Lượng thông tin.

Trước câu hỏi của sinh viên về việc làm thế nào để bắt đầu khởi nghiệp ATTT, các chuyên gia cùng chung quan điểm, đó là cần có founder team vì hàm lượng công việc, kiến thức trên lĩnh vực này rất sâu và mất nhiều thời gian do vậy cần làm việc nhóm. Muốn khởi nghiệp ATTT phải có đam mê để tìm ra cách thức phát triển công nghệ phục vụ cho người dùng. Đặc biệt cần có sự hỗ trợ từ chính quyền, và người khởi nghiệp phải tìm hiểu nhu cầu của xã hội.

Diễn tập ứng cứu sự cố ATTT

Diễn tập ứng cứu sự cố ATTT

Phát triển dựa vào con người

Nhìn nhận vấn đề khởi nghiệp ATTT nói riêng và trên lĩnh vực công nghệ nói chung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, TS. Cung Trọng Cường thông tin, trong chiến lược phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế có hai trụ cột quan trọng đó là phát triển nhanh dựa vào tri thức, phát triển bền vững dựa vào văn hóa. Huế tìm con đường đi khác, dựa vào nền tảng sẵn có. Về yếu tố con người tập trung vào các lĩnh vực như ICT, an toàn thông tin…

“Chúng tôi rất mừng khi ngày càng nhiều công ty Cyber Security xuất hiện tại Việt Nam. Huế cũng mong muốn phát triển theo hướng công nghệ nhưng thực tế phải nhìn nhận Huế đang đứng ở đâu. Nếu phát triển ở Huế cần tập trung lớn vào con người và không riêng gì ngành ICT mà các ngành liên quan công nghệ khác. So với hai đầu đất nước, sinh viên Huế còn cách xa nhưng nếu có cố gắng chắc chắn sẽ khởi nghiệp được trên lĩnh vực ATTT”, ông Cung Trọng Cường chia sẻ.

Hiện nay, sinh viên, các bạn trẻ ở Huế đang lúng túng, chưa định hình với lĩnh vực khởi nghiệp mới mẻ này. Tại buổi giao lưu, nhiều sinh viên thắc mắc về sự kết hợp của những công nghệ hiện đại, như Blockchain, AI…áp dụng vào lĩnh vực ATTT và những quy định của Nhà nước về bảo mật thông tin. Ngoài ra, vấn đề về rèn luyện tư duy logic và tầm quan trọng, kết hợp của chỉ số IQ, EQ… cũng là những trở lực.

Chuyên gia Philip Hùng Cao - tư vấn Giải pháp Công nghệ của Palo Alto Networks ở Việt Nam, sáng lập viên chính kiêm Cố vấn Cộng đồng Cloud Security Allianc cho rằng, khởi nghiệp ATTT là cuộc chơi không phải của cá nhân nào mà của cả một team có kiến thức chuyên môn, am hiểu thị trường… vì vậy vấn đề về EQ rất quan trọng.

Theo ông Philip Hùng Cao, trong trong quá trình hoạt động ở các doanh nghiệp các bạn trẻ sẽ có cơ hội rèn luyện tư duy logic, và phối hợp giữa chỉ số IQ (chỉ số thông minh) và EQ (chỉ số cảm xúc). Nếu về yếu tố kỹ thuật, chuyên môn IQ sẽ đóng vai trò quan trọng nhưng khi làm việc nhóm, EQ lại là then chốt.

“Khi làm việc teamwork nên kiểm soát cảm xúc cá nhân bởi rất dễ nảy sinh xung đột. Hiện nay, bởi tầm quan trọng của EQ, có rất nhiều khóa học để các bạn trẻ rèn luyện vấn đề này”, ông Philip Hùng Cao cho biết.

Trong thời đại không có biên giới về mặt thông tin thì công nghệ là một phần không thể thiếu, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, vấn đề nằm ở con người, các bạn trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực này phải thực sự đam mê, cố gắng tìm tòi học hỏi. Sinh viên phải có vốn ngoại ngữ để tìm kiếm nhu cầu thị trường ở nước ngoài. Mỗi nước có một nền văn hóa khác nhau nên khi bán hàng cần phải tìm hiểu nền văn hóa. Công nghệ chỉ là công cụ, cần phải tìm hiểu để có cách áp dụng tốt.

“Từ khi là sinh viên mình đã theo đuổi lĩnh vực ATTT. Để khởi nghiệp một dự án phải hình thành từ quá trình làm việc lâu dài. Mục đích cuối cùng làm sao phát triển, tạo ra công nghệ mới. Từ ý tưởng rồi đến phát triển các giải pháp, sau đó thử nghiệm thị trường xem nhu cầu của người dùng như thế nào”, doanh nhân Nguyễn Minh Đức, nhà sáng lập CyRadar đúc rút.

Bài, ảnh: L.Thọ - L.Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/an-toan-thong-tin-linh-vuc-khoi-nghiep-moi-me-voi-ban-tre-hue-a77369.html