Kinh tế Kinh tế Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư tại các khu kinh tế, công nghiệp
TTH - Các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh (KKT, CN) có rất nhiều tiềm năng, song việc thu hút đầu tư vẫn chưa được như mong đợi. Muốn tạo đột phá phải hoàn thiện từ hạ tầng đến cơ chế, chính sách. Để hiểu rõ hơn về những giải pháp thu hút đầu tư tại các KKT, CN trong năm 2022, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tuệ, Trưởng Ban quản lý các KKT, CN tỉnh.
Việc thu hút đầu tư tại các KKT, CN được diễn ra như thế nào, đã khai thác tốt tiềm năng hiện có hay chưa, thưa ông?
Trên địa bàn các KKT, CN tỉnh đã thu hút được 155 dự án (DA) đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 109.658 tỷ đồng; trong đó, có 34 DA vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký khoảng 68.350 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD. Từ năm 2019 đến nay, chúng tôi cấp phép đầu tư cho 27 DA, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 17.700 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) tăng trưởng đều qua các năm và vượt các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Trong năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 1,35 tỷ USD, tăng 69% so kế hoạch năm 2021; doanh thu đạt 32.300 tỷ đồng, tăng 9% so kế hoạch năm 2021; nộp ngân sách đạt 3.667,9 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021; giải quyết việc làm cho khoảng 43.150 lao động, tăng 15% so với năm 2021.
Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển DA, được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cao nhất theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng KKT, CN vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của tỉnh cũng như Trung ương trong việc thu hút đầu tư các DA lớn, một số DA được cấp phép trong thời gian qua triển khai chậm so với tiến độ đăng ký.
Việc thu hút đầu tư chưa đáp ứng được kỳ vọng là do đâu, nếu loại trừ sự tác động tiêu cực của dịch COVID-19?
Đó là sự tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài, lãi suất vay cao, thị trường trầm lắng,… ảnh hưởng rất lớn đến công tác huy động, giải ngân vốn đầu tư triển khai DA của các nhà đầu tư.
Kết cấu hạ tầng của KKT, CN từng bước được xây dựng nhưng chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt, vốn đầu tư hạ tầng hàng năm còn hạn chế chưa đáp ứng theo yêu cầu đã định hướng. Các dịch vụ thiết yếu logistics cần thiết chưa được đầu tư xây dựng, điều này phần nào đã làm hạn chế năng lực cạnh tranh tại địa phương.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng DA gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ thực hiện chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư; một số DA quy mô lớn, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai DA của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thủ tục chuẩn bị đầu tư DA gồm nhiều thủ tục, việc thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng các loại, các thủ tục thuộc thẩm quyền của các bộ ngành Trung ương còn nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài nên nhà đầu tư không tiếp cận được.
Ông vừa nhắc đến kết cấu hạ tầng tại các KKT, CN. Chúng ta cần có giải pháp gì khi việc giải phóng mặt bằng hay đầu tư hệ thống xử lý nước thải, môi trường là “điểm nghẽn” khó tháo gỡ?
Chúng tôi tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại KKT, CN, thu hút các ngành nghề công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ dệt may, ô tô, các ngành điện tử, y tế, dược, công nghệ thông tin,...; hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng KCN, trạm xử lý nước thải tập trung; mở rộng phát triển các KCN Phong Điền, La Sơn để thu hút các nhà đầu tư. Tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; chú trọng thu hút các DA đầu tư sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao, phù hợp với quy hoạch, tăng thu ngân sách cho địa phương; ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Hiện nay, Ban quản lý tập trung thu hút, kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng cảng biển, đô thị, hạ tầng KCN đối với các KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương quan tâm, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư Nhà máy xử lý nước thải tập trung và các công trình hạ tầng - kỹ thuật thiết yếu, đặc biệt là hạ tầng cảng biển Chân Mây và các thiết chế hạ tầng đô thị Chân Mây để sớm đảm bảo điều kiện kêu gọi đầu tư DA thứ cấp theo quy định hiện hành.
Quan điểm của tỉnh là không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nhất là với những dự án có nguy cơ ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao… Vậy, việc soát xét các dự án đầu tư diễn ra như thế nào?
Chủ trương xuyên suốt của tỉnh là thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường, không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Vì vậy, quá trình tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu đầu tư DA, chúng tôi thông báo rõ chủ trương cho các nhà đầu tư là không xem xét, cấp phép đầu tư đối với các DA có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ngoài bước sàng lọc khi nghiên cứu đầu tư DA, quá trình tổ chức thẩm định, Ban quản lý lấy ý kiến thẩm định của các sở, ngành liên quan về công nghệ của DA, đảm bảo hạn chế tối đa các DA sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, điều kiện đối với các DA đầu tư vào KKT, CN phải nhập khẩu máy móc, thiết bị mới 100%, không nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng.
Để các KKT, CN trên địa bàn trở thành địa chỉ “vàng” của các nhà đầu tư, cần những giải pháp gì và ông dự báo như thế nào về bức tranh thu hút đầu tư trong năm 2022?
Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển, làm cơ sở để thu hút đầu tư. Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KKT, CN. Chú trọng thu hút các DA đầu tư vào hạ tầng cảng biển, logistics, hạ tầng KCN, khu phi thuế quan, hạ tầng khu đô thị Chân Mây; các DA sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Tranh thủ đối đa nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn cân đối ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật - xã hội thiết yếu. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các sở, ngành liên quan để đẩy nhanh công tác GPMB. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KKT, CN. Ngoài ra, tiếp tục triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch đến các DN; thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch tốt, vừa đảm bảo lực lượng lao động để ổn định sản xuất. Phấn đấu trong năm 2022, không bị đứt gãy trong hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19 gây ra.
Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài nhưng nhờ sự kiểm soát và vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là tính chủ động, nghiêm túc của các DN trong công tác phòng, chống dịch, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng với tình hình dịch bệnh là tín hiệu tốt, tạo cơ sở cho sự phục hồi dần của nền kinh tế. Theo đó, việc thu hút vốn đầu tư vào các KKT, CN tỉnh sẽ khởi sắc. Dự kiến năm 2022, các KKT, CN tỉnh sẽ thu hút vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, doanh thu ước đạt trên 35.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt trên 1,3 tỷ USD, nộp ngân sách ước đạt trên 3.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm thêm 5.500 lao động.