Kinh tế Kỳ vọng vào FDI

TTH - Trong chuyến công tác mới đây của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại Nhật Bản cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ, tại hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, Công ty TNHH AEON MALL Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ với lãnh đạo tỉnh để thực hiện quyết định đầu tư Trung tâm Thương mại AEON MALL tại Thừa Thiên Huế, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 170 triệu USD. Cùng với dự án (DA) này, Thừa Thiên Huế còn có thêm DA tỷ đô khác đang thực hiện giai đoạn 2, 3 là Laguna Lăng Cô.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút được 2 DA có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với vốn đăng ký 3.920 tỷ đồng, chiếm 28% trong tổng số vốn đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh, tương đương 10.205 tỷ đồng/28 DA. Dù số DA không nhiều, song có thể thấy, tỷ lệ vốn đầu tư các DA FDI khá lớn so với các DA trong nước. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh, giao thương đi lại khó khăn, các đường bay nội địa và quốc tế gián đoạn thời gian dài, thì việc các nhà đầu tư nước ngoài chọn đến Huế là tín hiệu tích cực trong kêu gọi đầu tư thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và độ bao phủ của vắc-xin phòng COVID-19 đạt tỷ lệ như mong đợi.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài Thừa Thiên Huế, còn có 57 tỉnh, thành của Việt Nam cũng thu hút được nhà đầu tư nước ngoài (tính đến cuối tháng 9/2021) đến đầu tư dự án, với tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn và mua cổ phần đạt 22,15 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2020.

Tất nhiên, so về quy mô DA, số vốn… Thừa Thiên Huế không thể so với một số tỉnh thuộc top đầu về các DA FDI như Long An, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh, thành có lợi thế như Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Nội, Đồng Nai…, song việc thu hút được nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh là nỗ lực lớn của chính quyền và các ban ngành liên quan.

Việc thu hút đầu tư trong nước năm 2021 cũng có những tín hiệu khởi sắc so với 2020. Trong 28 DA kêu gọi đầu tư vào Thừa Thiên Huế, có khá nhiều DA có tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, như Khu công viên phần mềm hơn 3.400 tỷ đồng; Khu du lịch, nghỉ dưỡng của Tập đoàn BRG với tổng mức đầu tư 3.164 tỷ đồng cũng đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Thừa Thiên Huế.

Có thể thấy, khi có nhà đầu tư đến triển khai DA sẽ kéo theo rất nhiều lĩnh vực cùng hoạt động, như các dịch vụ đi kèm để phục vụ cho chuyên gia, nguồn nhân lực lao động, dịch vụ logistics... kéo theo sự gia tăng về việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Đó cũng là một trong những giải pháp tăng nguồn thu cho ngân sách thường đặt ra trong các hội nghị liên quan ở nhiều tỉnh, thành. Cụ thể là kêu gọi được nhà đầu tư lớn, chẳng hạn bằng việc đóng góp cho ngân sách tỉnh Quảng Nam mỗi năm trên dưới 8.000 tỷ đồng của Tập đoàn Ô tô Chu Lai - Trường Hải, tỉnh này đã lọt top những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn của miền Trung và được biết, con số năm nay hơn 21.000 tỷ đồng.

Những nỗ lực trong kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, Thừa Thiên Huế sắp tới sẽ có một số nhà máy tầm cỡ như Nhà máy Kanglongda Huế, Nhà máy Nakamoto Việt Nam đi vào hoạt động, cũng là động lực tốt để tăng nguồn thu ngân sách. Bên cạnh đó, các DA sắp triển khai hoặc đang kêu gọi, chấp thuận chủ trương đầu tư… cũng là những tín hiệu tốt cho nguồn thu ngân sách những năm tới...

TÂM HUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ky-vong-vao-fdi-a107435.html