Kinh tế sáu tháng đầu năm 2025: tăng trưởng cao nhưng còn nhiều việc phải làm
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê, tổng sản phẩm nội địa (GDP) sáu tháng đầu năm 2025 của nước ta tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của sáu tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.

Kinh tế sáu tháng đầu năm 2025: tăng trưởng cao nhưng còn nhiều việc phải làm. Ảnh: TL
Về phía cung, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (Gross value added - GVA)(1), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59% vào GVA; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20% vào GVA và khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21% vào GVA. Chỉ số giảm phát GDP sáu tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024 là 3,2%, thấp hơn chỉ số CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ 2024 (3,6%). Như vậy, phải chăng tâm lý ảnh hưởng đến chỉ số giá CPI là khoảng 0,4%?
Về phía cầu, sáu tháng đầu năm 2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2024; tích lũy tài sản tăng 7,98% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ âm khá sâu so với cùng kỳ năm 2024 (nếu như chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ sáu tháng đầu năm 2024 theo giá so sánh khoảng 58.000 tỉ đồng thì sáu tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 12.000 tỉ đồng). Như vậy, có thể thấy chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thấp hơn chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tương đối nhiều, đặc biệt chỉ số giá về xuất, nhập khẩu dịch vụ có sự khác biệt rất lớn.
Số liệu trong báo cáo của Cục Thống kê về tăng trưởng sáu tháng đầu năm 2025 là 7,52%, đây là số tính toán từ phía sản xuất (phía cung). Do hiện nay Việt Nam vẫn chưa tính toán GDP dựa trên bảng nguồn và sử dụng (SUT) hoặc bảng IO nên trong cân đối GDP vẫn còn dòng sai số (sáu tháng đầu năm 2025 sai số theo giá hiện hành khoảng 33.000 tỉ đồng và sai số theo giá so sánh khoảng 42.000 tỉ đồng); như vậy tăng trưởng GDP tính theo phương pháp chi tiêu (phía cầu) chỉ khoảng 6,3%. Lưu ý rằng một số nước lấy GDP từ phương pháp chi tiêu là số công bố chính thức.

Một điều đáng chú ý nữa là trong sáu tháng đầu năm 2025, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 198,92 tỉ đô la Mỹ, chiếm 93,7% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa, như vậy nhập khẩu cho tiêu dùng cuối cùng chỉ chiếm 6,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2025, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 70,91 tỉ đô la Mỹ. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,7 tỉ đô la Mỹ. Đối với nền kinh tế Việt Nam, đầu vào cho xuất khẩu phần lớn được nhập từ Trung Quốc.
GDP vẫn còn dòng sai số (sáu tháng đầu năm 2025 sai số theo giá hiện hành khoảng 33.000 tỉ đồng và sai số theo giá so sánh khoảng 42.000 tỉ đồng); như vậy tăng trưởng GDP tính theo phương pháp chi tiêu (phía cầu) chỉ khoảng 6,3%.
Bên cạnh đó, tính chung sáu tháng đầu năm 2025, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỉ đô la Mỹ (cùng kỳ năm trước xuất siêu 12,15 tỉ đô la Mỹ). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,54 tỉ đô la Mỹ; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,17 tỉ đô la Mỹ.
Tóm lại, từ kết quả kinh tế sáu tháng đầu năm 2025 ở trên có thể rút ra hai nhận định/kết luận chính như sau:
Thứ nhất, mức tăng trưởng kinh tế gần chạm mốc 8% - mục tiêu đề ra của Quốc hội sau điều chỉnh vào tháng 3-2025. Điều này mang đến hai hàm ý quan trọng. Hàm ý đầu tiên là tác động của các chính sách vĩ mô trong thời gian qua có tín hiệu đi đúng chiều mong muốn. Tiếp theo là tác động lan tỏa tích cực từ tăng trưởng cao có thể giúp Việt Nam tiếp tục thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài. Vì thế, dù tác dụng tiêu cực từ thuế đối ứng của Mỹ trong thời gian tới có thể làm mức tăng trưởng của Việt Nam giảm đi, nhưng nếu giữ được sự ổn định chính trị - xã hội trong nước, sự cân bằng ngoại giao, thương mại với các đối tác, thúc đẩy được các động lực tăng trưởng chủ lực thì kinh tế nước ta có nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu đề ra. Điều này sẽ góp phần tạo đà tốt cho tăng trưởng mạnh mẽ hai con số trong những năm tới.
Thứ hai, tuy nhiên chúng ta cần đánh giá thận trọng và cảnh giác với các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Điều này là bởi vì GDP chỉ mang tính ngắn hạn và không có quá nhiều ý nghĩa nếu nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào gia công lắp ráp giá trị thấp. Do đó, trước mắt Việt Nam cần: (1) Nhanh chóng ổn định hệ thống chính quyền hai cấp mới được sắp xếp, để có thể đi vào hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; (2) Nhanh chóng giải quyết vấn đề phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; (3) Nhanh chóng xây dựng vùng nguyên liệu; (3) Nhanh chóng hiện đại hóa hệ thống thuế. Về dài hạn, lời giải cho bài toán phát triển bền vững toàn diện cho Việt Nam là thực hiện bằng được “bộ tứ chuyển đổi” (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi sạch, chuyển đổi sáng tạo) bằng “bộ tứ trụ cột” (Nghị quyết 57, 59, 66 và 68) với tâm thế và nguyên tắc 4K (kiên quyết, kiên trì, kiên nhẫn, kiên định), 4Q (quyết tâm, quyết liệt, quyết chí, quyết thắng), 4T (tự tin, tự lực, tự cường, tự hào).
(*) Trường Đại học FPT
(**) Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội
(1) Tổng GVA trừ thuế sản phẩm trừ trợ giá = GDP