Mức độ chuyển đổi số của DN ở mức thấp tạo 'điểm nghẽn' cho tăng trưởng
Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số thấp của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hợp tác xã và hộ kinh doanh đang tạo ra một 'điểm nghẽn' cho tăng trưởng kinh tế.
Ngày 10.7, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo "Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam".
Theo khảo sát năm 2024 của Bộ KH-CN, trong số gần 1 triệu DN (97,3% DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ) cùng hơn 33.000 hợp tác xã, 5,5 triệu hộ kinh doanh, chỉ khoảng 30-40% DN đã triển khai chuyển đổi số. Tuy vậy việc này chủ yếu dừng lại ở mức độ ứng dụng cơ bản như sử dụng email hay phần mềm kế toán đơn giản.
Trong khi đó, theo các chỉ tiêu định hướng, đến năm 2030, TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) sẽ đóng góp trên 55% vào tăng trưởng kinh tế; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 50% và quy mô kinh tế số đạt ít nhất 30% GDP, hướng tới 50% vào năm 2045.
Thực trạng này đặt cộng đồng DN Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu và đánh mất lợi thế cạnh tranh. Việc mức độ sẵn sàng chuyển đổi số thấp của DNNVV, hợp tác xã và hộ kinh doanh đang tạo ra một "điểm nghẽn" cho tăng trưởng kinh tế.
"Nếu không có những giải pháp đột phá và kịp thời, Việt Nam có nguy cơ bỏ lỡ những cơ hội to lớn mà kinh tế số mang lại, thậm chí suy giảm năng lực cạnh tranh tổng thể trên trường quốc tế", báo cáo nêu.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cho rằng mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào vốn, lao động và tài nguyên giá rẻ đã đến giới hạn.
"Không có con đường nào khác, chúng ta cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa chủ yếu trên tăng trưởng năng suất, hiệu quả”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương
Ông Sơn cũng cho hay Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đang nghiên cứu xây dựng đề án về các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số” trong kỷ nguyên mới; gấp rút chuẩn bị tổng kết Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
GS Tan Swee Liang, Đại học Quản lý Singapore cho rằng “khi các yếu tố vốn và lao động đã được sử dụng một cách triệt để, chỉ có sự gia tăng về năng suất mới có thể thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Do đó, TFP chính là động lực chủ chốt của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”.
“Đây cũng chính là tinh thần xuyên suốt trong quá trình kiến tạo mô hình phát triển mới của Việt Nam theo Nghị quyết số 57-NQ/TW - lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững và nâng cao năng lực tự chủ chiến lược”, GS Tan Swee Liang nói.
TS Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng dù tỷ trọng hàng công nghệ cao trong xuất khẩu đã tăng mạnh nhưng giá trị gia tăng nội địa vẫn thấp và phần lớn giá trị này đến từ khu vực FDI.
Do đó, ông Vinh nêu rằng ở giai đoạn hiện nay, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ là quan trọng nhất đối với Việt Nam để nâng cao năng suất và giá trị gia tăng nội địa. Ngoài ra, R&D và đổi mới sáng tạo là con đường mọi nền kinh tế phải trải qua để đi lên thu nhập cao.

Hội thảo "Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam"
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC đề cập đến mô hình “3 nhà” (nhà nước, nhà trường và DN) và cho rằng mô hình mới dừng lại ở mức độ liên kết hình thức, thiếu chiều sâu, thiếu cơ chế tài chính dài hạn, thiếu khung chia sẻ rủi ro - lợi ích, và đặc biệt thiếu một tổ chức trung gian mạnh để điều phối.
Ông Ngọc Trai gợi ý mô hình “3 nhà” phiên bản 2.0 - chuyển từ phối hợp sang đồng kiến tạo. Theo đó, nhà trường không đơn thuần đào tạo theo chương trình có sẵn, mà cùng DN xây dựng nội dung đào tạo, mở rộng thực tập, lồng ghép tình huống thực tiễn. Ngược lại, DN không chỉ “thuê dịch vụ nghiên cứu”, mà đầu tư dài hạn vào trung tâm R&D đại học, cùng định hình hướng nghiên cứu chiến lược.
Song song đó là thiết lập các hệ thống dữ liệu chung để hỗ trợ phân tích ngành, thị trường, xu hướng công nghệ. Những nền tảng như phòng lab mở, trung tâm chuyển giao công nghệ, không gian đổi mới sáng tạo, hay sandbox thể chế cần được hình thành ở cấp vùng - liên vùng.
“Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ thể chế” - không điều hành vi mô, mà tạo ra luật chơi rõ ràng, minh bạch, ổn định cho hợp tác “3 nhà” phát triển”, ông nói.
Đề cập đến cơ chế cùng chia sẻ rủi ro - lợi ích, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng nhiều dự án R&D có tính rủi ro cao, thời gian thu hồi vốn dài, nên rất cần thiết có cơ chế chia sẻ. Ví dụ như quỹ đồng tài trợ nhà nước - DN, thuế ưu đãi cho khoản đầu tư R&D, hay chế độ cổ phần hóa sản phẩm nghiên cứu giữa trường và DN.
“DN cần bộ phận R&D chuyên biệt, trường đại học cần có trung tâm đổi mới sáng tạo được vận hành như DN và cơ quan nhà nước cần chuyển từ quản lý sang “dẫn dắt” hệ sinh thái”, ông nói.
Ngoài ra, theo ông Ngọc Trai, muốn chia sẻ dữ liệu, hợp tác dài hạn, đầu tư R&D thì các bên cần xây dựng niềm tin qua các dự án, mô hình minh chứng cụ thể (ví dụ Đại học Bách khoa TP.HCM phối hợp VNPT, Đại học Cần Thơ với TTC AgriS, hay Đại học Kinh tế TP.HCM với hệ thống bán lẻ lớn…).