Kinh tế số: Cởi mở nhưng phải kiểm soát được rủi ro

Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cần có những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa và xử lý mọi nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Sản xuất thử nghiệm tại Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Sản xuất thử nghiệm tại Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Đo lường kinh tế số

Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024 là năm phát triển kinh tế số, với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT); số hóa các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số. Năm 2024, tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP đạt khoảng 19% và năm 2025 dự kiến chiếm trên 20% GDP. Các năm trước đó, giai đoạn 2020-2023, Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế số chiếm từ 12,66%-16,5% GDP. Tỷ lệ này của Việt Nam thấp xa so với tỷ trọng của Trung Quốc, Singapore.

Theo số liệu mới nhất, Trung Quốc công bố ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2019 và 2021 lần lượt là khoảng 30% và 40%; tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Singapore năm 2022 là 17,3%.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, do trên thế giới chưa có hướng dẫn chung thống nhất về đo lường đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng nên phạm vi, phương pháp đo lường kinh tế số ở các quốc gia trên thế giới là không đồng nhất, dẫn đến kết quả tính toán đóng góp của kinh tế số trong GDP ở các nước cũng khác nhau. Tuy nhiên, nếu như năm 2019, kinh tế số mới đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam khoảng 5%, với 12 tỷ USD, thì đến năm 2023 kinh tế số đóng góp tới 16,5% GDP, đạt tốc độ tăng trưởng hơn 19%/năm, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Với tiềm năng lớn như vậy, năm 2024, năm bứt phá trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, kinh tế số được kỳ vọng là một trong những động lực tăng trưởng mới.

Theo các chuyên gia, kinh tế số (gồm kinh tế số lõi - đầu vào của kinh tế số; ứng dụng kinh tế số vào những ngành khác - đầu ra của kinh tế số) thì tỷ lệ trong các ngành kinh tế số lõi cao gần gấp rưỡi tỷ lệ kinh tế số ứng dụng vào các ngành khác. Điều này lý giải việc trong giai đoạn 2020-2023, có 10 địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP cao hơn so với mức chung của cả nước, trong đó các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc nằm trong tốp dẫn đầu; tiếp theo là Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Hà Nam. Đây đều là những địa phương thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành kinh tế số lõi - sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...

Năm 2023, trong giá trị tăng thêm của kinh tế số, các ngành kinh tế lõi chiếm 87%-96% tổng giá trị tăng thêm kinh tế số của 4 địa phương tốp đầu. Trong khi đó, kinh tế lõi chỉ chiếm 68% trong giá trị kinh tế số của Hà Nội và tỷ lệ này của TPHCM chỉ 66%.

Bắt đầu từ nhận thức đúng

Theo chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có thế mạnh trong phát triển kinh tế số lõi. Hơn nữa, định hướng quy hoạch của các trung tâm kinh tế như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng là tập trung phát triển dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch..., còn hoạt động sản xuất thì các địa phương khác có nhiều không gian phát triển hơn. Chính vì thế, mô hình phát triển kinh tế số của các địa phương có thể không giống nhau.

Ở một số địa phương, hoạt động kinh tế số chủ yếu là mở rộng ứng dụng kinh tế số vào các lĩnh vực có thế mạnh và vào hoạt động quản lý, điều hành. Trong đó, tỷ trọng kinh tế số trong nông, lâm nghiệp - thủy sản hiện còn ở mức rất thấp, cần mạnh mẽ chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang kinh tế nông nghiệp, khẩn trương áp dụng và mở rộng việc áp dụng kinh tế số vào ngành này, trong khi tỷ trọng kinh tế số trong công nghiệp - xây dựng khá hơn do kinh tế số lõi tập trung chủ yếu vào những ngành này.

Qua ghi nhận, tỷ trọng kinh tế số trong nhóm ngành dịch vụ hiện cao nhất, nhưng cũng vẫn là ngành có dư địa để ứng dụng kinh tế số đa dạng nhất, đặc biệt đối với một số ngành hiện có tỷ lệ kinh tế số còn thấp, như: thú y, trợ giúp xã hội, chăm sóc, điều dưỡng tập trung, xử lý ô nhiễm, quản lý chất thải…

 Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan). Ảnh: Hoàng Hùng

Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan). Ảnh: Hoàng Hùng

Thách thức đầu tiên và có lẽ cũng lớn hơn cả khi áp dụng kinh tế số nói riêng và phát triển kinh tế số nói chung, chính là nhận thức đối với kinh tế số, một vấn đề quan trọng, mới, khó, có tính tri thức cao. Đơn cử, để tạo được bước phát triển đột phá trong lĩnh vực này, cần có 3 trụ cột: hạ tầng kỹ thuật số, kho dữ liệu số và “con người số”. Trong đó, yêu cầu có được kho dữ liệu số đầy đủ, dễ tiếp cận, có tính kết nối, liên thông cao có thể phát sinh những rủi ro nhất định về CNTT, an ninh mạng…

TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, nhấn mạnh, với kinh tế số, quan điểm nhất quán là “cân bằng giữa cởi mở và kiểm soát rủi ro”. Phải cởi mở để kiến tạo phát triển kịp thời, không bỏ lỡ cơ hội, thậm chí là đi tiên phong trong một số lĩnh vực, song cũng rất cần có những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa và xử lý mọi nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

“Trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng không phải ngẫu nhiên mà châu Âu đang gấp rút chuẩn bị đạo luật về trí tuệ nhân tạo và Trung Quốc cũng đang nghiên cứu để sớm ban hành đạo luật tương tự”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT-TT: Phải có cách làm sáng tạo hơn

Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược, là con đường đưa Việt Nam đến hùng cường, thịnh vượng. Qua gần 4 năm, chúng ta đã nhìn ra con đường, đã nhìn ra cách tiếp cận, đã hành động mạnh mẽ, đã có những kết quả bước đầu. Bây giờ là lúc phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tạo ra các kết quả thiết thực hơn, toàn diện hơn cho người dân. Các nước cũng đang chuyển đổi số mạnh mẽ, nếu chúng ta không quyết liệt hơn, không có cách làm sáng tạo hơn, không liên tục đi đầu, thì sẽ lại là nước đi sau, tụt lại phía sau và giấc mơ về một Việt Nam hùng cường sẽ lại tiếp tục là giấc mơ!

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT: Tập trung nhân lực, tài lực cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm

Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xe điện thông minh, chuyển đổi xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này.

Ông Matthew Francois, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của McKinsey & Company: Cơ hội để Việt Nam nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia

Các lĩnh vực kinh tế số có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam. Giao dịch thương mại điện tử ngày càng tăng; các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính được hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ bởi hạ tầng số. Đây là cơ hội để Việt Nam sử dụng chuyển đổi số để nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia; tăng năng suất lao động, tạo ra không gian tăng trưởng mới cho cộng đồng doanh nghiệp.

BẢO VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kinh-te-so-coi-mo-nhung-phai-kiem-soat-duoc-rui-ro-post745098.html