Kinh tế Thái Nguyên: Thấy gì từ những con số dự ước?

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, Thái Nguyên vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, với một số chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn mức bình quân chung cả nước. Thu ngân sách ước đạt 20.000 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 5% dẫu chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đây là sự nỗ lực lớn, rất khả quan trong thời điểm này.

Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên với 350 công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh tại TP. Sông Công (tháng 5/2023)

Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên với 350 công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh tại TP. Sông Công (tháng 5/2023)

Không điều chỉnh các chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành

Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, những khó khăn, thách thức đã xuất hiện và ít nhiều đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây cũng là thực trạng chung của nền kinh tế thế giới, trong nước và các địa phương trong toàn quốc.

Thái Nguyên là địa phương có nền kinh tế có độ mở cao nên những khó khăn, thách thức trong nước và quốc tế đã tác động khá trực tiếp và mạnh mẽ hơn, cùng với đó hệ quả tiêu cực của đại dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của các tầng lớp Nhân dân.

Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên có sự đóng góp rất lớn vào khối doanh nghiệp FDI, nhưng các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới sụt giảm, số lượng đơn hàng giảm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế, đặc biệt là tại các thị trường vốn là đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng kiểm tra tiến độ Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề nghị các đơn vị đẩy mạnh đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng kiểm tra tiến độ Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề nghị các đơn vị đẩy mạnh đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Những khó khăn này đã được dự báo từ trước, không gây bất ngờ. Tại các kỳ họp chuyên đề, thường kỳ trong năm, một số đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên bày tỏ sự lo lắng trước những khó khăn, thách thức và trăn trở về tính khả thi trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2023 đã được quyết nghị trước đó. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thái Nguyên thống nhất cao không điều chỉnh các chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành, không đề xuất điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng yếu nhằm thể hiện quyết tâm đến cùng.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, chung sức, đồng lòng và huy động mọi nguồn lực, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Dù kết quả chưa cao như kỳ vọng nhưng đây là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh; sẵn sàng nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc và những nguyên nhân khách quan, chủ quan trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 để rút ra bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn trong năm 2024.

Nắm cơ hội, tạo đà cho tăng trưởng năm 2024

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Mười sáu, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sáng ngày 6/12, tỉnh Thái Nguyên đã công bố những chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng yếu của năm 2023.

Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên ước đạt trên 5%. Tuy không đạt kế hoạch đề ra (8,5%) nhưng tiếp tục tăng trưởng dương, thuộc top các địa phương có mức tăng trưởng trung bình khá của cả nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức; nhiều tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng thấp hơn, thậm chí có tỉnh tăng trưởng âm như: Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lai Châu.

Mức tăng trưởng dự ước trên 5% đã tiếp tục khẳng định Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu về chỉ số tăng trưởng kinh tế so với các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc. Chỉ tiêu này cũng có mối quan hệ mật thiết với quy mô kinh tế mà tỉnh Thái Nguyên đang là địa phương dẫn đầu các tỉnh trong vùng (đạt khoảng 150.000 tỷ đồng trong năm 2022).

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Mười sáu HĐND tỉnh khóa XIV, tỉnh Thái Nguyên đã công bố những chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng yếu của năm 2023

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Mười sáu HĐND tỉnh khóa XIV, tỉnh Thái Nguyên đã công bố những chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng yếu của năm 2023

Về chỉ tiêu thu ngân sách, dự ước năm 2023 tỉnh Thái Nguyên đạt số thu 20.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Như vậy, thu ngân sách của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 tăng so với số thu năm 2022 gần 2.000 tỷ đồng và là số thu đạt được cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, Thái Nguyên chính thức lọt top 18 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi. Con số này cũng cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế, tính ổn định, bền vững và khả năng vượt qua khó khăn đảm nhiệm trọng trách trong tỷ lệ thu ngân sách địa phương.

Về thu nhập bình quân đầu người (GRDP), dự ước năm 2023 Thái Nguyên đạt 113 triệu đồng/người/năm. Mặc dù chưa đạt so với kế hoạch đề ra (115 triệu) nhưng so với năm 2022, chỉ tiêu này đã tăng 6 triệu đồng/người/năm, so với năm 2021 tăng 18 triệu đồng/người/năm. Kết quả này cho thấy đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người khá của cả nước và là tỉnh dẫn đầu của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Ngoài các chỉ tiêu trọng yếu trên, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên đều tăng trưởng khá so với năm 2023. Một số chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm. Đơn cử như chỉ tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,04% (kế hoạch 3,5%); số địa phương cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đạt 2 (kế hoạch 1); tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 88,5% (kế hoạch 87,5%)…

Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Mười sáu, HĐND tỉnh khóa XIV, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải khẳng định tỉnh đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực

Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Mười sáu, HĐND tỉnh khóa XIV, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải khẳng định tỉnh đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực

Nhìn chung, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên năm 2023 đã có nhiều gam màu tươi sáng từ những con số dự ước. Nó đã phản ánh hiện thực khách quan, sự quyết tâm cao, đồng thuận lớn và hiệu quả chỉ đạo điều hành tại địa phương. Ngay tại Kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo của HĐND, UBND, MTTQ, các đoàn thể, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp hơn thì những kết quả đạt được càng ý nghĩa, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất cao và sẽ là nền tảng vững chắc để Thái Nguyên xây dựng và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tạo đà tăng trưởng cho năm 2024.

Mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2024 là một thách thức, song có thể thực hiện được, thậm chí có thể vượt từ những đột phá tích cực trên.

Một số chỉ tiêu trọng yếu năm 2024 đề xuất HĐND tỉnh xem xét thông qua. - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP): 7,5% - Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 8,5%; - Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản: 3,5%; - Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu: 8%, trong đó tốc độ tăng giá trị xuất khẩu địa phương: 9%; - GRDP bình quân đầu người: 123 triệu đồng/người/năm; - Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh: 19.515 tỷ đồng. - Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 74%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ: 36,5%; - Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới): Từ 0,8% trở lên; - Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm: 02 xã; - Số đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: 01 đơn vị; - Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế: 72%; - Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: 95%; - Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: 89%; - Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú: 8%; - Chỉ tiêu về văn hóa: Tỷ lệ gia đình văn hóa: Từ 90% trở lên; tỷ lệ xóm, làng, tổ dân phố văn hóa: Từ 90% trở lên; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa: Từ 92% trở lên. - Ổn định tỷ lệ che phủ rừng: Từ 46% trở lên; - Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 97,5%.

Theo Đình Lộc/thainguyen.gov.vn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/kinh-te-thai-nguyen-thay-gi-tu-nhung-con-so-du-uoc-366119.html