Kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều bất ổn

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho biết đang theo dõi chặt chẽ các thông báo mới nhất của Mỹ liên quan tới thuế quan, đồng thời cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn và kêu gọi các quốc gia phối hợp nhằm duy trì một môi trường thương mại ổn định.

Xe ô tô mới sản xuất tại nhà máy của GM ở Oshawa, bang Ontario, Canada. Ảnh: Reuters/TTXVN

Xe ô tô mới sản xuất tại nhà máy của GM ở Oshawa, bang Ontario, Canada. Ảnh: Reuters/TTXVN

IMF cho biết sẽ công bố thêm thông tin chi tiết trong bản cập nhật “Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) tháng Tư” vào cuối tháng Bảy, trước thời hạn đàm phán thương mại mới vào ngày 1/8. Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở rộng cuộc chiến thương mại toàn cầu khi công bố mức thuế 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Brazil và mặt hàng đồng nhập khẩu vào Mỹ, cũng như mức 35% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/8.

Người phát ngôn IMF nêu rõ các diễn biến liên quan đến thương mại vẫn đang thay đổi nhanh chóng và mức độ bất định vẫn cao, theo đó nhấn mạnh các nước cần tiếp tục hợp tác nhằm thúc đẩy một môi trường thương mại ổn định và cùng giải quyết những thách thức chung.

Theo các khảo sát công bố ngày 9/7, lo ngại về các mức thuế mới của Mỹ đang che mờ triển vọng hoạt động sản xuất tại nhiều khu vực, từ Mỹ, châu Á tới châu Âu, dù một số doanh nghiệp vẫn thể hiện khả năng thích ứng và duy trì đà tăng trưởng. Giới phân tích cho rằng sự suy yếu ngầm phản ánh trong các khảo sát cho thấy những thách thức lớn hơn đang hình thành, nhất là khi giới doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách liên tục phải ứng phó với những thay đổi bất định trong chính sách thương mại của Mỹ.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ cho rằng các mức thuế hiện tại chưa gây ra lạm phát, đồng thời cho rằng luật cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện vừa được thông qua tuần trước sẽ giúp bù đắp các tác động tiêu cực tạm thời do thuế quan mới gây ra.

Thép được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Thép được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Tháng 4/2025, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng cho Mỹ, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế khác do tác động của các mức thuế cao kỷ lục, hiện ở mức cao nhất trong 100 năm qua, và cảnh báo căng thẳng thương mại leo thang sẽ làm chậm tăng trưởng hơn nữa. Dù vậy, hoạt động kinh tế đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực do tình trạng tích trữ hàng trước thời điểm áp thuế, trong khi Mỹ và Trung Quốc tạm ngừng các biện pháp thuế đáp trả sâu hơn. Nhưng các nhà kinh tế vẫn cho rằng mức độ bất định còn lớn và tác động của thuế cao sẽ gia tăng trong nửa cuối năm nay.

Cùng chung quan điểm trên, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổ chức đóng vai trò như ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, trước đó cảnh báo căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị có nguy cơ làm lộ ra những rạn nứt sâu sắc trong hệ thống tài chính toàn cầu. Người đứng đầu của BIS, ông Agustín Carstens nhận định cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng và các thay đổi chính sách khác đang làm xói mòn trật tự kinh tế đã được thiết lập từ lâu.

Theo ông Carstens, kinh tế toàn cầu đang ở một "thời điểm then chốt", bước vào một "kỷ nguyên mới của sự bất ổn và khó lường gia tăng". Điều này đang thử thách lòng tin của công chúng vào các thể chế, bao gồm cả những ngân hàng trung ương. Báo cáo thường niên của BIS được xem là một thước đo quan trọng về tư duy của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ hàng đầu thế giới. Ông Carstens cho biết, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sự phân mảnh thương mại là "đặc biệt đáng lo ngại", vì chúng đang làm trầm trọng thêm sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và năng suất vốn đã kéo dài hàng thập kỷ.

Nền kinh tế thế giới cũng đang cho thấy dấu hiệu chống chịu các cú sốc kém hơn trước, do tác động cộng hưởng từ dân số già hóa, biến đổi khí hậu và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Đợt lạm phát tăng vọt sau đại dịch COVID-19 dường như cũng đã để lại tác động lâu dài đến nhận thức của công chúng về biến động giá cả.

Đáng báo động hơn, mức nợ công cao và ngày càng tăng đang khiến hệ thống tài chính trở nên mong manh hơn trước biến động lãi suất, đồng thời làm giảm khả năng của các chính phủ trong việc dùng chính sách tài khóa để vực dậy nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra. Theo ông Carstens, xu hướng nợ gia tăng này "không thể tiếp tục", đặc biệt khi chi tiêu quân sự có thể khiến nợ công phình to hơn nữa.

Cảng container ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Cảng container ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tháng 6/2025 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 xuống còn 2,3%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Nguyên nhân được WB đưa ra là mức thuế cao hơn và mức độ bất ổn tăng cao đã tạo ra "lực cản” đối với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu được công bố hai lần mỗi năm, WB đã hạ dự báo tăng trưởng của gần 70% các nền kinh tế, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, cùng với 6 khu vực thị trường mới nổi.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nam Phi Ronald Lamola gần đây cho rằng tình trạng phân mảnh toàn cầu đang gia tăng, đe dọa gây ra bất ổn chưa từng có và ảnh hưởng không cân xứng tới các quốc gia có thu nhập thấp. Theo ông Lamola, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, cùng với xu hướng tách rời kinh tế và những cuộc xung đột ủy nhiệm, đang làm suy yếu những thể chế đa phương và đẩy thế giới vào trạng thái bất ổn kéo dài.

Ông Lamola đánh giá những diễn biến này đang làm trầm trọng thêm sự mong manh ở những khu vực dễ tổn thương, đồng thời làm suy yếu các thể chế đa phương vốn là những trụ cột của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ông kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thể hiện vai trò xây dựng nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định quốc tế.

Khánh Ly (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-te-the-gioi-tiep-tuc-doi-mat-nhieu-bat-on-20250711170654225.htm