Sẽ xếp lại bảng lương chức danh nhà giáo
Bộ GD&ĐT dự kiến tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo như giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV…

Luật Nhà giáo được thông qua và có hiệu lực từ năm 2026. Ảnh: Việt Linh.
Sáng 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Nhà giáo. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, tập trung vào 5 chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Xếp lại bảng lương
Một trong những điểm nổi bật của Luật Nhà giáo là quy định mức lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương của hệ thống hành chính sự nghiệp. Đây được xem là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của đội ngũ nhà giáo, đồng thời đi kèm với trách nhiệm và yêu cầu cống hiến cao hơn.
Bộ GD&ĐT cũng dự kiến tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo như: Giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV…
Mục đích của việc xếp lại bảng lương là bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác, đồng thời bảo đảm mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Đồng thời, hệ số lương đặc thù đối với nhà giáo cũng được quy định mức từ 1,1 đến 1,6 tùy theo cấp học, trình độ đào tạo bảo đảm lương nhà giáo cao hơn viên chức cùng bảng lương áp dụng của các ngành, lĩnh vực khác; giảm cách biệt về tiền lương giữa nhà giáo trẻ và nhà giáo lâu năm ở cùng vị trí việc làm.
Hiện tại, ngoài tiền lương theo bảng lương quy định chung đối với viên chức các ngành, lĩnh vực, nhà giáo còn được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo; phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo góp phần nâng cao thu nhập của nhà giáo. Những người công tác tại các trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng một số loại phụ cấp, trợ cấp tương ứng.
Điểm c khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà giáo cũng quy định nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn… Nội dung này được đưa ra nhằm thu hút nhà giáo và bảo đảm công bằng với những nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là quy định mức lương nhà giáo được xếp cao nhất hiện chưa áp dụng đối với giáo viên hợp đồng. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết theo pháp luật hiện hành, giáo viên hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động, vì vậy tiền lương sẽ được xác lập theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Dù vậy, quy định mức lương cao nhất cho nhà giáo vẫn được kỳ vọng là căn cứ quan trọng giúp đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng, tạo cơ sở thương lượng để họ được hưởng chế độ đãi ngộ phù hợp với năng lực và đóng góp.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định bộ không cấm dạy thêm, học thêm. Ảnh: Moet.
Tăng quyền tự chủ trong tuyển dụng nhà giáo
Ngoài tăng lương, Luật Nhà giáo cũng trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong công tác tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Cụ thể, người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được phân cấp thẩm quyền tự chủ tuyển dụng nhà giáo. Bộ trưởng GD&ĐT được giao quyền quy định thẩm quyền tuyển dụng tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Việc phân cấp này được kỳ vọng sẽ giúp ngành giáo dục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong quản lý nhân sự, giải bài toán thừa - thiếu giáo viên, đồng thời chủ động hơn trong điều phối, hoạch định chiến lược phát triển đội ngũ trong ngắn, trung và dài hạn.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển tổng thể đội ngũ nhà giáo; đề xuất biên chế giáo viên trong hệ thống giáo dục công lập trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngay sau khi Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm 3 nghị định và gần 20 thông tư do Bộ trưởng GD&ĐT và các bộ liên quan ban hành, nhằm đảm bảo đồng bộ hiệu lực với luật vào đầu năm 2026.
Không cấm dạy thêm
Liên quan việc tăng bậc lương, Bộ GD&ĐT được đặt câu hỏi rằng việc xếp lương cao có giúp giảm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hay không.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT không cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm việc dạy thêm, học thêm tràn lan, sai quy định. Mục tiêu của thông tư là bảo vệ quyền lợi học sinh, giữ gìn phẩm chất nhà giáo và đảm bảo chất lượng giáo dục trong giờ chính khóa.
Thông tư nêu rõ giáo viên không được dạy thêm chính học sinh mình đang giảng dạy để tránh xung đột lợi ích. Tuy nhiên, nếu phụ huynh tin tưởng và học sinh có nhu cầu chính đáng, giáo viên có chuyên môn tốt, có tâm huyết vẫn có thể dạy thêm một cách chính đáng, không bị hiểu nhầm hay mang tiếng ép buộc học sinh.
“Đồng lương chỉ là một trong những yếu tố. Việc xếp lương cao là một phần trong nỗ lực tôn vinh, bảo vệ danh dự nhà giáo, đi đôi với trách nhiệm và sự cống hiến ngày càng cao hơn của đội ngũ này”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/se-xep-lai-bang-luong-chuc-danh-nha-giao-post1567796.html