Kinh tế Thêm cơ hội an cư cho người dân các xã đặc biệt khó khăn
TTH - Sau một thời gian triển khai, những hộ dân ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) đầu tiên đã được giải ngân vốn đầu tư đất ở, nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
An cư
Anh Hồ Xuân Nho (dân tộc Tà Ôi), thôn Cân Sâm, xã Hồng Thượng là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn huyện A Lưới được giải ngân vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025.
Theo anh Nho, gia đình thuộc diện hộ nghèo, bản thân lại mang trong mình bệnh tim, không thể làm được việc nặng nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Đến nay, gia đình vẫn chưa có nhà, phải ở nhờ nhà người thân. Mới đây, gia đình được UBND huyện phê duyệt danh sách được hỗ trợ nhà ở từ ngân sách Nhà nước và vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện A Lưới để đầu tư xây dựng nhà ở nên gia đình rất vui, nỗi lo cuộc sống tạm bợ cũng vơi đi phần nào.
Theo quyết định của UBND huyện A Lưới trên địa bàn huyện có 23 hộ nghèo DTTS đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị định số 28. Mới đây, NHCSXH huyện A Lưới phối hợp với địa phương, hội nhận ủy thác và tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xã Hồng Thượng hoàn thành hồ sơ thủ tục theo quy định và đã tiến hành giải ngân hỗ trợ nhà ở cho 5 hộ nghèo là người DTTS với số tiền 200 triệu đồng.
Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc NHCSXH A Lưới chia sẻ: Chúng tôi chủ động tham mưu cho UBND huyện, Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện kịp thời triển khai việc cho vay để hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; DN, HTX sử dụng lao động là người DTTS thuộc đối tượng vay vốn. Đồng thời, phối hợp các ban ngành, cấp ủy, chính quyền cấp xã tiến hành rà soát đối tượng thụ hưởng và đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định 28 đến với Nhân dân. Công tác giải ngân sẽ tiếp tục được đẩy mạnh triển khai để tăng thêm cơ hội cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Số liệu từ NHCSXH tỉnh, đến nay ngân hàng này đã giải quyết cho vay số tiền 920 triệu đồng cho 23 hộ nghèo là hộ ĐBDTTS để xây dựng nhà ở. Trong đó, NHCSXH huyện Nam Đông đã cho vay 8 hộ, số tiền 320 triệu đồng; NHCSXH huyện A Lưới đã cho vay 5 hộ với số tiền là 200 triệu đồng; NHCSXH huyện Phú Lộc cho vay 6 hộ với số tiền là 240 triệu đồng và NHCSXH thị xã Hương Trà cho vay 4 hộ với số tiền là 160 triệu đồng. Đây là những hộ gia đình người ĐBDTTS đầu tiên trên địa bàn được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi từ Nghị định số 28.
Tăng cơ hội tiếp cận vốn
Nghị định số 28 có hiệu lực từ 26/4/2022 quy định khá cụ thể về đối tượng được vay vốn ưu đãi để trang trải chi phí đất ở, chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở. Theo đó, đối tượng vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở bao gồm hộ nghèo DTTS; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng ĐBDTTS&MN.
Mức cho vay và thời hạn cho vay do NHCSXH và khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ đất ở, 40 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ nhà ở. Thời hạn cho vay tối đa là 15 năm và trong 5 năm đầu, khách hàng chưa phải trả nợ gốc; lãi suất cho vay là 3%/năm.
Được biết, trên cơ sở nguồn vốn tín dụng cho vay theo Nghị định số 28, NHCSXH Việt Nam đã phân bổ cho Thừa Thiên Huế số tiền là 28.950 triệu đồng. NHCSXH Thừa Thiên Huế đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phân bổ nguồn vốn tín dụng này về cho các NHCSXH huyện, thị xã gồm: A Lưới 22 tỷ đồng; Nam Đồng 5 tỷ đồng; Phú Lộc 850 triệu đồng và thị xã Hương Trà 1,1 tỷ đồng để tổ chức thực hiện cho vay.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc triển khai và giao cho UBND cấp huyện phê duyệt danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi theo Nghị định số 28. Để công tác cho vay được thuận lợi, NHCSXH tỉnh chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, tổ TK&VV tập trung rà soát đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định. Một khi có danh sách được phê duyệt, NHCSXH sẽ triển khai giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi.
"Đi đôi với công tác giải ngân vốn vay của chương trình tín dụng này, NHCSXH Thừa Thiên Huế sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ tại Hội sở tỉnh và các phòng giao dịch cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của đối tượng vay vốn, bảo đảm vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay khi đến hạn trả nợ", ông Tuấn thông tin.