Kinh tế Trung Quốc đang 'mất sức'

Đợt bùng phát đại dịch Covid-19 tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong một năm qua đã khiến các nhà chức trách phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để dập tắt các ca nhiễm mới. Tuy nhiên, những biện pháp này có nguy cơ làm đình trệ sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cảng container Yangshan ở Thượng Hải. (Nguồn: AP)

Cảng container Yangshan ở Thượng Hải. (Nguồn: AP)

Các biện pháp mới nhất để chống dịch Covid-19 bắt đầu được áp dụng khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 quét qua Trung Quốc vào cuối tháng 7/2021 và nhanh chóng lan rộng.

Trong khi số ca mắc Covid-19 mới tại quốc gia này vẫn còn tương đối thấp so với với sự gia tăng gần đây của các ca nhiễm của Mỹ hay châu Âu, Bắc Kinh đã tích cực hồi sinh chiến lược "zero-Covid" (không ca nhiễm Covid-19).

Trung Quốc đã giãn cách một thành phố, đóng cửa các địa điểm giải trí, hủy bỏ các chuyến bay và triển khai xét nghiệm trên diện rộng khi cố gắng ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Kinh tế "hụt hơi"

Những động thái quyết liệt đó đã khiến một số nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 2,3% trong quý III/2021 so với quý trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 5,8% mà họ dự đoán ban đầu. Bên cạnh đó, các dịch vụ như du lịch, ăn uống và giải trí sẽ bị ảnh hưởng.

Các nhà phân tích tại JP Morgan cũng viết trong một báo cáo nghiên cứu vào đầu tuần trước rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm một nửa, xuống còn 2% trong quý hiện tại, so với ước tính trước đó là 4,3%. Họ cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 8,9%, từ mức 9,1%.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Morgan Stanley cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 8,2% cho năm 2021, đồng thời nói rằng, sự bùng phát của đại dịch sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tiêu dùng và ngành dịch vụ.

Số liệu kinh tế tháng 7/2021 do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cũng cho thấy, nền kinh tế tiếp tục sụt giảm trong tháng 7/2021.

Theo đó, doanh số bán lẻ, một thước đo về chi tiêu của người tiêu dùng chỉ tăng 8,5% trong tháng 7, giảm so với mức tăng 12,1% trong tháng 6.

Sản xuất công nghiệp Trung Quốc, thước đo hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác mỏ và tiện ích cũng chậm lại trong tháng 7, chỉ tăng 6,4% so với một năm trước đó sau khi tăng 8,3% trong tháng 6.

"Dữ liệu của tháng 7/2021 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất sức rất nhanh" - Nhà kinh tế trưởng Raymond Yeung của Greater China tại Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand.

Đầu tư vào tài sản cố định, thước đo chi tiêu cho các hạng mục cơ sở hạ tầng, tài sản, máy móc, thiết bị trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 chỉ tăng ở mức 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 12,6% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6.

Tỷ lệ thất nghiệp (không bao gồm số liệu của hàng chục triệu lao động nhập cư) ở mức 5,1% trong tháng 7, so với mức 5% trong tháng 6.

NBS cho biết, tác động kép của đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất tại ít nhất 17 tỉnh của nước này và lũ lụt ở tỉnh Hà Nam đã khiến nền kinh tế Trung Quốc phát triển không ổn định và đồng đều.

Nhà kinh tế trưởng Raymond Yeung của Greater China tại Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ) nhận thấy: “Dữ liệu của tháng 7 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất sức rất nhanh".

Tuần trước, các nhà chức trách đã đóng cửa nhà ga Meishan ở cảng Ningbo Zhoushan - cảng container lớn thứ ba thế giới sau khi một công nhân ở bến tàu có kết quả dương tính với Covid-19. Cảng xử lý hàng hóa với khoảng 78.000 container 20 feet (khoảng 6,1 mét) mỗi ngày. Nhà ga Meishan chiếm khoảng 1/5 sản lượng của cảng.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley lo ngại, nếu dịch Covid-19 lan rộng hơn nữa có thể gây sức ép lên hoạt động sản xuất của Trung Quốc, dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu - vốn phụ thuộc nhiều vào nước này để cung cấp thiết bị điện tử, y tế và các hàng hóa khác.

Nền kinh tế suy yếu cũng có thể làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu.

Nhà phân tích hàng đầu về thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit Nick Marro nhận định: “Đây là một trong những rủi ro trước mắt đang nổi lên ở Trung Quốc, khi tình hình đại dịch ngày càng xấu đi.

Môi trường thương mại và hậu cần toàn cầu đang ở trong tình trạng khá mong manh. Việc gián đoạn giao dịch không chỉ gây ra vấn đề cho vận chuyển và người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến cả các nhà sản xuất phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu quan trọng".

Người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics Louis Kuijscũng nhận thấy, với cách tiếp cận "không khoan nhượng" của Trung Quốc đối với Covid-19, các đợt bùng phát trong tương lai sẽ tiếp tục gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng, mặc dù khoảng 60% dân số hiện đã được tiêm phòng vaccine Covid-19.

Thách thức chồng chất

Việc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để tránh sự lây lan của biến thể Delta không phải là vấn đề duy nhất của Trung Quốc hiện nay. Đất nước này cũng đang phải đối mặt với lạm phát và rủi ro nợ ngày càng gia tăng.

Chỉ số giá sản xuất - đo lường mức độ biến động giá bán của các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu trên thị trường - đã tăng 9% trong tháng 7/2021 so với một năm trước đó. Lạm phát tăng sẽ đẩy tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên, gây khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc và sự phục hồi kinh tế của đất nước.

Giám đốc bán hàng tại một nhà máy sản xuất thiết bị y tế ở tỉnh Giang Tô cho rằng, các công ty nhỏ hơn không thể chuyển giá nguyên liệu thô tăng gần đây cho người mua,

Rủi ro nợ là một thách thức khác. Theo Fitch Ratings, các khoản vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc đã tăng lên 62,59 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 9,7 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2021.

Song song với đó, cuộc đàn áp sâu rộng đối với các doanh nghiệp tư nhân thời gian qua của Bắc Kinh cũng đã khiến các nhà đầu tư khó chịu và làm lung lay niềm tin của thị trường.

Theo Goldman Sachs, các biện pháp quản lý gần đây đối với các lĩnh vực công nghệ, tài chính và giáo dục đã "xóa sổ" hơn 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường của một số công ty giá trị nhất Trung Quốc.

Ngoài ra, việc vay nợ của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể vào tháng7/2021. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp, cá nhân có thể ngần ngại đầu tư hoặc chi tiêu, có thể dẫn đến tiêu dùng ít hơn và tăng trưởng chậm hơn.

Nhà kinh tế tại Centennial Asia Advisors Nigel Chiang đánh giá: "Đại dịch đã gây ra một cú sốc đối với tâm lý các hộ gia đình thông thường của Trung Quốc. Có một sự thay đổi cơ bản trong hành vi chi tiêu, xuất phát từ việc một bộ phận người dân lo lắng hơn, bất chấp kinh tế phục hồi".

(theo CNN, Bloomberg)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-trung-quoc-dang-mat-suc-155344.html