Kinh tế Trung Quốc hồi phục bất ngờ sau đại dịch, nhưng còn nhiều bất ổn
Nền kinh tế Trung Quốc đã có một sự phục hồi ấn tượng sau tác động của Covid-19, nhưng nhiều 'cơn gió ngược' vẫn đang ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế đất nước này gây ra những rủi ro tiềm ẩn.
Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu ổn định trong tháng 10 khi doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tăng trở lại so với tháng trước và vượt qua kỳ vọng, nhưng các quan chức và chuyên gia lại đang cảnh báo về triển vọng phục hồi ảm đạm do những bất ổn của đại dịch và các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 4,9% trong tháng 10 so với một năm trước đó, tăng từ mức tăng 4,4% trong tháng 9. Ảnh: Reuters.
Sheana Yue, nhà kinh tế của Capital Economics, cho biết các đợt bùng phát lẻ tẻ của Covid-19 đã làm suy giảm động lực kinh tế. Khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát, việc di chuyển sẽ tiếp tục bị hạn chế và tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sẽ vẫn chậm. Tuy nhiên, Yue nói thêm: “bất kỳ sự gián đoạn nào liên quan đến virus trong thời gian ngắn sẽ chỉ là tạm thời”.
Yue cũng cảnh báo rằng sức mạnh hiện tại của xuất khẩu của Trung Quốc khó có thể bền vững trong năm tới, khi các mô hình tiêu dùng toàn cầu bình thường hóa sau đại dịch và khi các đơn đặt hàng tồn đọng dần dần được giải phóng.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã phục hồi khi các con số tăng trưởng đánh bại mọi dự đoán và cảnh báo về sự chậm lại, nhưng dữ liệu cho thấy rằng trong khi giá trị xuất khẩu tăng lên, thì khối lượng của nhiều hàng hóa lại không.
Đánh giá cuaYủe được đưa ra sau khi Cục Thống kê Quốc gia (NBS) nói về “những yếu tố tích cực” ngày càng tăng trong sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Fu Linghui của NBS cho biết: “Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng vẫn còn nhiều yếu tố gây mất ổn định và bất ổn quốc tế. Vẫn còn những hạn chế đối với sự phục hồi của nền kinh tế trong nước và áp lực chi phí tăng lên đối với các doanh nghiệp đang gia tăng”.
Trong khi đó, cơ quan thống kê đã cố gắng xoa dịu những lo ngại về lạm phát nhà máy tăng vọt, khiến chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng lên 13,5% trong tháng 10 từ mức 10,7% trong tháng 9. Một quan chức khác của NBS cho hay chỉ số PPI cho tháng 10 là mức cao nhất trong 26 năm kể từ tháng 6 năm 1995.
NBS cũng cho biết doanh số bán lẻ - một thước đo chính về chi tiêu của người tiêu dùng ở quốc gia đông dân nhất thế giới - đã tăng 4,9% trong tháng 10 so với một năm trước đó, tăng từ mức tăng 4,4% trong tháng 9 và đánh bại kỳ vọng của các nhà phân tích.
Và sản xuất công nghiệp, một thước đo hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, khai khoáng và tiện ích, đã tăng 3,5% trong tháng 10 so với một năm trước đó, sau khi tăng 3,1% trong tháng 9.
Trong khi đó, tăng trưởng đầu tư tài sản cố định - một thước đo chi tiêu cho các hạng mục bao gồm cơ sở hạ tầng, tài sản, máy móc và thiết bị - vẫn còn yếu. Nó đã tăng 6,1% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10, so với một năm trước đó và giảm so với mức tăng 7,3% trong ba quý đầu năm.
Dữ liệu của NBS cũng cho thấy đầu tư bất động sản và tăng trưởng bán hàng vẫn chậm chạp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10 và bà Yue đã dự kiến rằng, suy thoái trong ngành bất động sản Trung Quốc sẽ còn sâu hơn nữa khi các công ty trong ngành tiếp tục cắt giảm các dự án mới để đáp ứng nhu cầu yếu hơn và căng thẳng tài chính ngày càng tăng.
Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi ấn tượng sau tác động Covid-19, nhưng phải đối mặt với nhiều sóng gió, bao gồm sụt giảm tài sản, khủng hoảng điện năng, tâm lý người tiêu dùng yếu và chi phí nguyên liệu tăng cao, tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại còn 4,9% trong quý thứ ba.
Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, hy vọng chính phủ Trung ương sẽ công bố các biện pháp để tăng cường đầu tư hơn.
Zhang nói: “Chúng tôi nghĩ rằng các chính sách vĩ mô đã gần đến một bước ngoặt. Chúng tôi kỳ vọng chính phủ sẽ tăng chi tiêu tài khóa vào khoảng cuối năm để ổn định xu hướng đầu tư đang suy yếu.”
Ông Fu của NBS cũng cho biết một số dự án lớn trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của quốc gia đang được tiến hành và việc phát hành trái phiếu chuyên dùng của chính phủ đã tăng lên, giúp thúc đẩy tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tại cuộc họp báo hôm thứ 3, Fu cũng lưu ý rằng tác động nhập khẩu của giá hàng hóa quốc tế tăng, cùng với nguồn cung thắt chặt đối với một số sản phẩm năng lượng và nguyên liệu trong nước, đã dẫn đến mức tăng PPI cao hơn.
Fu nói: “Nó dường như cho thấy một số dấu hiệu của lạm phát đình trệ, nhưng nhìn chung, đây chỉ là một tình huống nhất thời gây ra bởi một số yếu tố tác động ngắn hạn.”
Dữ liệu của NBS cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở Trung Quốc là 4,9% trong tháng 10, không thay đổi so với tháng 9.
Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra 11 triệu việc làm mới ở thành thị và tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị được khảo sát là 5,5% cho năm nay. Theo số liệu, Trung Quốc đã tạo ra 11,33 triệu việc làm trong 10 tháng đầu năm.
Huy Hoàng (Theo SCMP)